Rải tiền khắp nơi
Nhà máy thủy điện Coca Codo Sinclair là dự án xây dựng lớn nhất Ecuador. Dự án trị giá 2,2 tỉ đô la này do tập đoàn cơ khí Sinohydro của Trung Quốc xây dựng, và được tài trợ tín dụng bởi Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc.
Nhà máy được xây dựng bất chấp những cảnh báo về việc nó nằm ở khu vực dễ bị động đất và đe dọa hệ sinh thái rừng Amazon. Những người phản đối cho rằng, đập thủy điện sẽ làm khô cạn sông Coca và làm hỏng thác nước San Rafael - được ví như thác Niagara của Nam Mỹ, một cảnh quan nổi tiếng thu hút khách du lịch của đất nước.
Gạt đi những băn khoăn đó, Bộ trưởng Ngoại giao Ecuador Patiño nói, nếu cứ lo lắng về động đất thì sẽ không thể xây bất cứ cái gì. “Tôi không rõ với biến đổi khí hậu, sau 50 hoặc 30 năm nữa, chúng ta có bị thiếu nước hay không. Nhưng trong 50 năm tới, chúng ta có thể sẽ sống trên Sao Hỏa rồi”.
Các ngân hàng Trung Quốc cũng đang đàm phán cho Ecuador vay 7 tỉ đô la Mỹ để xây dựng một nhà máy lọc dầu gần cảng Manta ở Thái Bình Dương. Dự án có tham vọng đưa Ecuador trở thành một nhà sản xuất xăng dầu và khí đốt lớn trên thế giới.
Trên khắp đất nước Ecuador, từ làng mạc cho tới thị trấn, tiền của Trung Quốc được rải khắp mọi nơi, để xây đường sá, đường cao tốc, cầu cống, bệnh viện và cả mạng lưới camera giám sát trải dài tới tận quần đảo Galápagos. Các ngân hàng Trung Quốc đã đưa gần 11 tỉ đô la vào nền kinh tế Ecuador.
Trung Quốc, đang sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để vừa gây ảnh hưởng vừa tìm kiếm lợi nhuận và quan trọng hơn là khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên của nước khác, để đảm bảo các nguồn lực tự nhiên thiết yếu cho chính mình.
Sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán Trung Quốc hiện nay không làm lay chuyển quyết tâm của nước này. Bắc Kinh có gần 4.000 tỉ đô la Mỹ dự trữ ngoại tệ để có thể giúp vươn cánh tay dài ra các nước.
Ai có lợi?
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc gọi các khoản đầu tư nước ngoài là “cùng có lợi”. “Sự hợp tác công nghiệp hiện nay giữa Trung Quốc và Mỹ Latinh đến đúng lúc”, Thủ tướng Lý Khắc Cường nói trong chuyến thăm Chile vào cuối tháng 5. “Trung Quốc có khả năng sản xuất thiết bị và công nghệ tích hợp với giá cả cạnh tranh, trong khi Mỹ Latinh có nhu cầu mở rộng cơ sở hạ tầng và nâng cấp công nghiệp”, ông cho biết.
Nhưng, tiền của Trung Quốc đang buộc các nước đối tác phải chơi theo luật của mình. Để đổi lấy các khoản vay từ Trung Quốc, nhiều nước đang phát triển không những phải trả lãi suất cao, mà còn phải từ bỏ quyền đối với tài nguyên thiên nhiên của họ trong nhiều năm.
Chẳng hạn, Trung Quốc đang nắm giữ chìa khóa đối với 90% lượng dầu xuất khẩu của Ecuador, mà chủ yếu là để... trừ nợ cho các khoản vay.
PetroChina và Sinopec, một công ty nhà nước Trung Quốc, đang bơm 25% trong tổng số 560.000 thùng dầu sản xuất được mỗi ngày tại tại Ecuador. Cùng với việc chia sẻ số lượng dầu xuất khẩu, các công ty Trung Quốc còn thu lệ phí từ 25-50 đô la cho mỗi thùng dầu mà họ bơm lên.
Tại Ecuador, dầu chiếm khoảng 40% doanh thu của chính phủ. Và khi giá dầu thô giảm mạnh còn 50 đô la Mỹ một thùng, Ecuador chẳng còn gì để trả nợ vay.
“Tất nhiên chúng tôi lo ngại về khả năng trả nợ của họ. Trung Quốc không phải là ngớ ngẩn”, Lin Boqiang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế năng lượng tại Đại học Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, đồng thời là chuyên gia tư vấn của chính phủ, nói. “Nhưng nguồn tài nguyên sẽ trở thành tài sản có giá trị”, ông này thừa nhận.
Do kinh tế suy yếu, đầu năm nay Ecuador đề nghị Trung Quốc hỗ trợ tài chính thêm 7,5 tỉ đô la để bù đắp thâm hụt ngân sách. Kể từ đó, tình hình ngày càng xấu thêm.
Nếu Ecuador hoặc các nước khác không thể trang trải các khoản nợ của họ, thì nghĩa vụ nợ đối với Trung Quốc sẽ tăng lên. Một người làm trong lĩnh vực ngân hàng cho biết, Bắc Kinh có thể sẽ cơ cấu lại một số khoản vay ở những nơi như Ecuador.
Để làm điều này, chính quyền Trung Quốc sẽ nới rộng thời gian vay, thay vì sửa các điều khoản khác. Có nghĩa là các nước sẽ phải bàn giao tài nguyên thiên nhiên của mình cho Trung Quốc thêm nhiều năm nữa.
Bất chấp các chuẩn mực
Để thỏa mãn cơn khát năng lượng cho phát triển, Trung Quốc xem dầu là thứ ưu tiên hàng đầu trong danh mục đầu tư. Các dự án và việc mua cổ phần liên quan đến ngành năng lượng đã chiếm hai phần năm trong số 630 tỉ đô la đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc trong thập kỷ qua, theo Derek Scissors, một nhà phân tích tại Viện Doanh nghiệp Mỹ.
Trong những năm gần đây, các công ty nhà nước Trung Quốc đã mua lại cổ phần trong các công ty khai thác và sản xuất dầu mỏ ở Cameroon, Canada, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Iraq, Nigeria, Sudan, Uganda, Hoa Kỳ và Venezuela...
Nhiều quốc gia ở châu Phi, Trung Đông nơi đang gặp khó khăn về kinh tế và chính trị trở thành các khách hàng vay nợ của Trung Quốc, bao gồm Yemen, Syria, Sierra Leone và Zimbabwe.
Trong khi các khoản đầu tư của Trung Quốc tạo ra công ăn việc làm ở nhiều nước, thì các chuyên gia lo ngại Bắc Kinh cũng “xuất khẩu” những chuẩn mực không mấy tốt đẹp về an toàn lao động, tiêu chuẩn môi trường và quản trị doanh nghiệp.
Giống như nhiều công ty Mỹ và châu Âu trong thập kỷ trước, các công ty Trung Quốc bị cáo buộc lạm dụng lao động ở nước ngoài. Các nhà máy điện đốt than và các nhà máy công nghiệp của Trung Quốc làm gia tăng ô nhiễm môi trường tại các quốc gia đang phát triển.
Tại Ecuador, người lao động cũng nhiều lần phản đối về chế độ đãi ngộ, điều kiện lao động khi làm việc cho các dự án của Trung Quốc. Cuối tháng 12 vừa qua, một vụ tràn nước đã xảy ra tại công trình thủy điện Coca Codo Sinclair làm chết 14 công nhân, trong đó có 11 người địa phương.
Các khoản vay của Trung Quốc luôn đi kèm với điều kiện riêng. Cùng với lãi suất cao, các dự án tại Ecuador phần lớn được yêu cầu phải sử dụng công ty và công nghệ của Trung Quốc. Từ năm 2005, Trung Quốc đã cung cấp tín dụng trị giá 471 tỉ đô la cho các dự án xây dựng.
David Goldwyn, người đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Mỹ về các vấn đề năng lượng quốc tế, nhận xét: “Trung Quốc có quyền bảo đảm nguồn dầu mỏ, nhưng chúng ta cần lo lắng về cách họ đang khuyến khích các nước sản xuất dầu mỏ thế chấp tương lai lâu dài thông qua các khoản vay để hỗ trợ dầu”.
Cơn khát quyền lực và nguồn lực
Mười năm qua, Trung Quốc chi ra một lượng đầu tư khổng lồ ở nước ngoài nhằm thay thế Mỹ và châu Âu trong vai trò quyền lực tài chính hàng đầu ở hầu hết các nước đang phát triển. Trong đó, đầu tư của Trung Quốc chiếm đến 93% đầu tư nước ngoài ở Triều Tiên, 82% ở Zimbabwe, 79% ở Afghanistan, 70% ở Sierra Leone, 57% ở Ecuador... Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở 5/10 nước có nguy cơ nhất thế giới.
Trung Quốc trở nên đặc biệt có quyền lực ở các nước có chế độ luật pháp và chính trị đang khủng hoảng, nơi các nhà đầu tư phương Tây né tránh. Ví dụ Ecuador, vỡ nợ một phần vào năm 2008, bị hạn chế với các nguồn lực ở phương Tây. Nhưng Trung Quốc đã mang vào đây các khoản vay và đầu tư có giá trị bằng một phần tư giá trị đất nước này tạo ra.
Trung Quốc cũng đầu tư lớn vào Venezuela (hơn 50 tỉ đô la) và Argentina - hai nước Nam Mỹ đang vỡ nợ với phương Tây, giành về cho Trung Quốc nguồn cung dầu mỏ đảm bảo và các hợp đồng xây dựng hạ tầng. Với châu Phi và Trung Đông cũng cùng một cách: Trung Quốc khóa chặt các nguồn tài nguyên ở các nước có chính quyền độc đoán và nền kinh tế chật vật.
Tiền của Trung Quốc khiến các định chế tài chính quốc tế phương Tây như Ngân hàng Thế giới gặp khó khăn khi đưa ra các yêu cầu cải cách về kinh tế và các tiêu chuẩn môi trường. (Nguồn: Hội nghị Thương mại và phát triển Liên hiệp quốc; Derek Scissors, The Heritage Foundation/American Enterprise Institute; World Bank)
“Trung Quốc đã bơm nhiều tiền vào châu Phi và nhiều nước đang phát triển, để đổi lại tài nguyên và những điều kiện ràng buộc khác, bất chấp những chuẩn mực cần tuân thủ” - Tổng thống Mỹ B.Obama nói với truyền thông về chuyến đi của mình đến Kenya và nhiều nước khác, và “Mỹ cần phải hiện diện để nhắc nhở về những giá trị phát triển mà chúng ta coi trọng”.
Theo The New York Times/TBKTSG