Nhiều người nhận được tin nhắn lừa đảo liên quan xác thực khuôn mặt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Lợi dụng lúc người dân gặp khó trong việc cập nhật sinh trắc học, kẻ xấu đã giả danh nhân viên ngân hàng để tư vấn.

Trong những ngày đầu áp dụng quy định xác thực khuôn mặt khi chuyển khoản từ 10 triệu đồng, nhiều người "méo mặt" vì ứng dụng ngân hàng bị lỗi hoặc thao tác không đúng.

Anh Hữu Trung (40 tuổi, ở Tây Hồ, Hà Nội) cũng liên tục gặp khó khăn trong việc xác thực sinh trắc học. Đang loay hoay, anh nhận được cuộc gọi từ một người xưng là nhân viên ngân hàng chuyên hỗ trợ việc giải quyết vấn đề này. Người này cho biết để tiết kiệm thời gian đi lại cũng như chất lượng giao dịch, ngân hàng mở dịch vụ hỗ trợ từ xa cho khách hàng.

Người này nói tài khoản của anh Trung chưa nâng cấp nên không thể tự quét NFC. Thấy anh ta hướng dẫn tận tình, đọc đúng thông tin cá nhân nên lúc đầu anh Trung không nghi ngờ.

2228873_2228870_3358e3d4192fbe5c4f24349a77c7b29a_10021628.jpg
Nhiều người dân gặp vấn đề trong việc xác thực sinh trắc học.

Sau khoảng 10 trao đổi, người này yêu cầu anh gửi ảnh căn cước công dân để quét thông tin. “Tôi thấy người ta khá nhiệt tình nên cũng tin tưởng. Tuy nhiên, đến đoạn bắt gửi ảnh chụp CCCD để xác thực, tôi thấy nghi ngờ. Tôi hỏi thêm vài câu thì thấy người ta trả lời ngập ngừng rồi tắt máy luôn”, anh Trung kể lại.

Sau khi không được cung cấp CCCD, người giả danh nhân viên ngân hàng đã chặn liên hệ.

Tương tự, chị Hồng Hạnh (ở Hà Nội) cũng nhận được tin nhắn qua Zalo của người tự xưng là nhân viên Vietcombank. Người này nói được giao nhiệm vụ hỗ trợ chị Hạnh xác thực khuôn mặt vì app ngân hàng đang bị lỗi.

“Vì chưa xác thực sinh trắc học nên tôi không thể chuyển khoản. Tôi đến các quầy giao dịch của ngân hàng để nhờ hỗ trợ nhưng rất đông nên đành đi về. Người này liên hệ để hỗ trợ xác thực sinh trắc và không lấy phí”, chị Hạnh kể.

IMG_8214.jpg
Kẻ lừa đảo nhắn tin qua Zalo cho người dân yêu cầu chụp lại ảnh CCCD.

Người già và người dân ở vùng nông thôn ít hiểu biết về công nghệ thường là mục tiêu của các đối tượng lừa đảo. Kẻ xấu luôn xưng là nhân viên ngân hàng hoặc các tổ chức uy tín rồi sử dụng các chiêu trò tâm lý để thao túng và lấy lòng tin của nạn nhân. Họ có thể cung cấp một số thông tin cơ bản để nạn nhân tin tưởng, sau đó tiến hành các hoạt động lừa đảo một cách chuyên nghiệp.

Qua Facebook, chị Minh Trang (28 tuổi) nhận được tin nhắn của người lạ tự xưng là người của ngân hàng. Sau khi trao đổi xong, đối tượng gửi cho chị Trang đường link lạ và đề nghị truy cập để xác thực trước khi hoàn tất thủ tục.

Là người cảnh giác, chị Minh Trang đã liên hệ cho người bạn làm ngân hàng thì được biết nhà băng không có dịch vụ hỗ trợ qua điện thoại hay bất kỳ hình thức nào khác cho người dân xác thực sinh trắc. Người dân không tự xác thực được sinh trắc đều phải ra trực tiếp quầy giao dịch.

Quá trình xác thực bằng khuôn mặt chỉ chính chủ mới thực hiện được, nên các ngân hàng không hỗ trợ từ xa mà khuyến cáo người dân đến quầy giao dịch để được hỗ trợ trực tiếp.

Bộ Công an trước đó cũng cảnh báo khi quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ 1/7, tội phạm sẽ tìm cách lợi dụng. Do đó, người dân không cung cấp dữ liệu cá nhân, mã OTP, không bấm vào đường link hay tải ứng dụng theo yêu cầu của người lạ; không mua bán, trao đổi, cho thuê, mượn tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, giấy tờ tùy thân; cài đặt bảo mật hai lớp và hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân lên mạng.

Các đối tượng gửi link "độc - lạ" đề nghị người dân truy cập và cài đặt ứng dụng hỗ trợ thu thập sinh trắc học trên điện thoại nhằm lấy cắp thông tin khách hàng hoặc hack Facebook. Sau đó ứng dụng xin cấp quyền theo dõi trên thiết bị di động của khách hàng. Nếu khách hàng đồng ý cấp quyền sẽ bị kiểm soát điện thoại từ xa, các đối tượng lừa đảo sẽ lấy cắp toàn bộ thông tin trên điện thoại bao gồm thông tin cá nhân, danh bạ, thông tin tài khoản ngân hàng... Từ đó, chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng, lừa đảo người thân, bạn bè của khách hàng.