Trao đổi bên lề Quốc hội, ông Nguyễn Sĩ Dũng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, giải thích lý do 2 kỳ họp gần đây ngành ngân hàng không có trong danh sách là vì không có bức xúc. “Lý do chắc là việc của ngân hàng khá ổn. Tức nó không có bức xúc”, ông Dũng giải thích.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa gửi xin ý kiến đại biểu về việc chất vấn - trả lời chất vấn tại kỳ họp này có 5 Bộ trưởng: NN&PTNT, Công Thương, Khoa học & Công nghệ, Giáo dục & Đào tạo, Văn hoá - Thể thao & Du lịch.
Tại sao Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại đề xuất danh sách chất vấn là những lĩnh vực này? Có tiêu chí nào cụ thể cho những trường hợp sẽ được chất vấn này không, thưa ông?
Thực chất không có tiêu chí nào cụ thể. Nhưng vấn đề nào người dân quan tâm, báo chí đưa nhiều sẽ là lý do chính để đưa vào chất vấn. Bây giờ hình thành thước đo thế nào bức xúc hơn, thế nào là nóng hơn thì rất khó, nhưng cảm nhận thì cảm nhận được thôi.
Có những bộ trưởng năm nào cũng trả lời chất vấn, ví như Bộ trưởng Bộ giáo dục. Có vấn đề gì đằng sau công việc của họ không?
Phải nói giáo dục có rất nhiều đổi mới, mà những cái đổi mới thì còn nhiều ý kiến khác nhau, có cái ủng hộ, có cái còn băn khoăn nhưng xu hướng chung thì nên ủng hộ bộ.
Những cái mới rõ ràng còn ý kiến khác nhau, mà ý kiến khác thì dễ bị chất vấn. Ví như bỏ thi với trẻ em, không chấm điểm thì những người quen được con thường khoe điểm 10 thấy điều đó là bức bối. Cái gì cũng có 2 mặt, thực chất là xem phương án nào tốt hơn thôi.
Các anh mà quen chạy theo điểm số thì trẻ em phát triển các kỹ năng rất méo mó. Trẻ em chơi mới phát triển toàn diện được. Phương án không chấm điểm thành thử sức em phải học không cao bằng. Điều đó để nói một cái được cả thì không có đâu, trong chính sách cái gì cũng có cái mả cả.
Theo ông kỳ họp này, tư lệnh ngành nào là đáng được chất vấn nhất trong số 5 bộ trưởng mà Thường vụ Quốc hội giới thiệu?
Quan điểm cá nhân là khó. Nhưng vấn đề rộ lên rõ ràng là ngành nông nghiệp.
Vấn đề cụ thể của ngành nông nghiệp là gì, thưa ông?
Bây giờ ai cũng than “được mùa mất giá”, không xuất được, không bán được, sức ép lên người nông dân. Do vậy, làm thế nào để bảo vệ lợi ích của người nông dân, mà nông dân chiếm gần 70% của dân số của ta rồi.
Tôi tưởng rằng đây là vấn đề mà bộ Công thương cần phải giải quyết?
Bây giờ có thể ở cả Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT). Anh nói là thị trường, nhưng rõ ràng thị trường chỉ là một nửa, còn sản phẩm anh làm có bán được ra thị trường hay không.
Rồi anh có làm dư cung không? Nhiều người nói rằng nền nông nghiệp của mình là nền nông nghiệp dư cung. Cái đó có đúng không? Rõ ràng anh không bán được thì dư cung.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNN cũng thường xuyên lên chất vấn trước diễn đàn Quốc hội. Vậy lời hứa trước đại biểu, cử tri có vấn đề gì không khi thường xuyên lên chất vấn như vậy?
Chất vấn là cơ hội để Bộ trưởng NN&PTNN giải trình chính sách, cố gắng của mình, chứ hơn là để ông phải hứa thực hiện cái này cái kia. Tất nhiên ở đó anh đã hứa, giải trình ra rồi thì phải làm.
Một bộ trưởng được quá nhiều cơ hội lên giải trình, giãi bày rồi nhưng vẫn phải lên tiếp thì sao?
Bây giờ những vấn đề mới lại phát sinh và cũng vẫn phải giải trình được tại sao vấn đề đó không giải quyết được. Ví dụ như vấn đề tiêu thụ nông sản không giải quyết được, thì đó là vấn đề tồn tại. Có rất nhiều vấn đề, anh giải trình ra được thấy rõ hướng đi thì tốt hơn việc hứa nhưng chẳng làm được.
Có những bộ trưởng, cử tri, đại biểu thấy không bao giờ thấy đăng đàn trước Quốc hội giải trình bao giờ, vì có những thời điểm vấn đề liên quan đến bộ ngành đó rất nóng. Liệu có vấn đề đặc thù gì không?
Tất nhiên có vấn đề đặc thù. Những vấn đề quốc phòng, an ninh là cơ mật của quốc gia, đã nói đến Quốc hội là hoạt động công khai nên mình dự cái đó hơi khó.
Thực chất ngoại giao cũng vậy, thậm chí Hiến pháp của Mỹ quy định rõ Ngoại giao là quyền của hành pháp, thành thử không phải chất vấn. Ngoại giao thường là những vấn đề rất cơ mật, như đàm phán, sách lược và chiến lược đàm phán… Những vấn đề này mà nói bung ra thì người ta biết hết còn gì nữa mà ngoại giao?
Ví dụ như vấn đề Biển Đông, nếu được chất vấn thì ai sẽ đăng đàn ngoài các Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Ngoại giao?
Biển Đông là vấn đề quốc phòng và an ninh. Những vấn đề như vậy, thường các nước có thiết chế khác để giải trình, chứ không giải trình ở phiên toàn thể được. Có 2 yếu tố ở các nước không bao giờ thảo luận công khai.
Thứ nhất là khó khăn. Nếu thảo luận công khai đại biểu cứ nói cho sướng miệng, nói theo dân túy thì làm sao được. Đây là vấn đề phải quyết định, mà quyết định thì rất khó khăn. Trong trường hợp như vậy, quốc hội các nước thường họp kín nhưng không phải là bí mật gì cả, họp kín là một khuôn khổ để anh nói được.
Thứ 2 là vấn những vấn đề quốc phòng, an ninh thì phải họp kín vì nếu lộ sách lược của đất nước ra thì làm gì được nữa. Có những nước họp kín toàn thể còn không họp, chỉ họp kín trong ủy ban và vẫn phải giám sát cơ quan đó vì nếu không quyền của người dân bị vi phạm. Nhưng nó không xảy ra bên ngoài, nó là điều cơ mật của quốc gia.
Đó chính là lý do mà Quốc hội sẽ họp riêng về vấn đề Biển Đông ngày 5/6 tới đúng không?
Đúng như vậy. Mình cũng hiểu rằng đây là sách lược, chiến lược của mình.
Theo Bizlive