Cụ thể, 5 mẫu nhiễm xyanua gồm: Cá mỏ neo hàm lượng độc chất 3,9 mg trong một kg; cá đuối, ghẹ 3 mắt lượng xyanua 0,8 mg/kg; cá nhồng 0,6 mg/kg; cá man 0,5 mg/kg.
Trong 3 mẫu phát hiện nhiễm phenol là cá đuối 14 mg/kg, cá man 8,3 mg/kg, ghẹ 3 mắt 10 mg/kg. Lượng phenol được phát hiện trong mẫu cá lần này cao hơn nhiều so với mức được phát hiện trong 20 tấn cá cục đông lạnh tại Quảng Trị thời điểm đầu tháng 6 là 0,037 mg/kg.
Những mẫu cá kiểm nghiệm được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Tĩnh lấy vào ngày 5/8 tại Gò cá Cẩm Nhượng, chợ Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên), biển Kỳ Anh, sau đó gửi cho Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia. Đến 22/8, kết quả kiểm nghiệm được báo cáo với Bộ Y tế, đồng thời gửi trả kết quả cho Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Tĩnh.
Trước đó, ngày 22/8 khi cung cấp thông tin cho báo chí, Bộ TNMT cho biết, về cơ bản, các thông số lý hóa, dinh dưỡng, kim loại nặng, nhóm hợp chất hữu cơ và coliform đều nằm trong giới hạn cho phép. Hàm lượng tổng phenol và xyanua có xu hướng giảm rõ rệt theo thời gian. Trong tháng 5/2016, hàm lượng tổng phenol cao lên tới 6 - 12,5 mg/kg (giá trị cao nhất là 16,98 mg/kg), đến tháng 6 chỉ còn khoảng 0,35 - 1,2 mg/kg (giá trị cao nhất là 5,05 mg/kg).
Ngày 24/8, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế công bố từ đầu tháng đến ngày 19/8, trong 18 mẫu hải sản được lấy từ tỉnh miền Trung kiểm nghiệm chỉ phát hiện một mẫu có lượng cadimi vượt ngưỡng.
- Phenol là chất độc nhưng không phải cứ có mặt trong thực phẩm là gây độc mà chỉ khi ở liều lượng nhất định. Hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy phenol gây ung thư.
- Xyanua hay cyanide là tên gọi các hóa chất cực độc có ion, gồm một nguyên tử cacbon và một nguyên tử nitơ. Phần lớn lượng xyanua có trong nước và đều xuất phát từ quá trình công nghiệp. Nguồn thải chính của xyanua vào trong nước là nguồn thải từ quá trình khai thác mỏ, công nghiệp hóa chất hữu cơ, những công việc liên quan sắt và thép.