Các nhà nghiên cứu quốc tế yêu cầu điều tra lại nguồn gốc SARS-CoV-2, Trung Quốc bác bỏ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – 24 nhà nghiên cứu châu Âu, Mỹ, Australia và Nhật Bản ngày 7/4 đã công bố một bức thư ngỏ, yêu cầu triển khai lại việc điều tra nguồn gốc SARS-CoV-2 tại Trung Quốc.Tuy nhiên Trung Quốc hôm nay đã bác bỏ.
Hơn 1 tháng sau khi WHO kết thúc điều tra về nguồn gốc SARS-CoV-2, các nhà nghiên cứu quốc tế đề nghị điều tra lại mà không có Trung Quốc tham gia (Ảnh: AP).
Hơn 1 tháng sau khi WHO kết thúc điều tra về nguồn gốc SARS-CoV-2, các nhà nghiên cứu quốc tế đề nghị điều tra lại mà không có Trung Quốc tham gia (Ảnh: AP).

Theo trang tin Hồng Kông HK01 ngày 8/4, các nhà nghiên cứu và khoa học này cho rằng việc truy xuất nguồn gốc của virus coronavirus mới (SARS-CoV-2) của nhóm chuyên gia Trung Quốc và WHO trước đây đã bị ảnh hưởng bởi nhân tố chính trị. Nhà nghiên cứu Jamie Metzl, người soạn thảo bức thư ngỏ này, nói rằng thế giới có thể buộc phải "quay lại Kế hoạch B" và bắt đầu một cuộc điều tra mới không có sự tham gia của Bắc Kinh.

Bức thư ngỏ nêu rõ rằng bản báo cáo nghiên cứu về việc truy xuất nguồn gốc của SARS-CoV-2 của Trung Quốc và nhóm chuyên gia của WHO đã không đưa ra câu trả lời đáng tin cậy về việc đại dịch COVID-19 đã bắt đầu như thế nào. Kết luận nghiên cứu của họ dựa trên các báo cáo nghiên cứu chưa được công bố của Trung Quốc; đồng thời không thể tiếp cận được các hồ sơ then chốt cũng như các các mẫu sinh học.

Nhà nghiên cứu Jamie Metzl, người soạn thảo bức thư ngỏ yêu cầu điều tra lại nguồn gốc SARS-CoV-2 (Ảnh: AC).

Nhà nghiên cứu Jamie Metzl, người soạn thảo bức thư ngỏ yêu cầu điều tra lại nguồn gốc SARS-CoV-2 (Ảnh: AC).

Ông Jamie Metzl, một nhà nghiên cứu cấp cao tại tổ chức tư vấn Atlantic Council (Hội đồng Đại Tây Dương), người đã soạn thảo bức thư này, chỉ ra rằng điểm xuất phát của WHO là thỏa hiệp càng nhiều càng tốt để có được sự hợp tác tối thiểu từ Trung Quốc. Do đó, thế giới có thể buộc phải "quay lại Kế hoạch B" và bắt đầu cuộc điều tra mà không có sự tham gia của Trung Quốc.

Báo cáo truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2 do phía Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố ngày 30/3 cho biết, loại coronavirus chủng mới (SARS-CoV-2) có khả năng bắt nguồn từ loài dơi. Sau khi lây nhiễm qua loài động vật chưa được xác định, nó lây sang người; còn việc rò rỉ virus trong phòng thí nghiệm là "rất không có khả năng xảy ra". Tổng Giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus cho rằng cần có thêm nhiều nghiên cứu mới có thể đưa ra kết luận chắc chắn hơn.

Ông Tedros nói rằng phía Trung Quốc chưa cung cấp một số dữ liệu. Tuy nhiên, Lương Vạn Niên (Liang Wannian), một chuyên gia cao cấp về COVID-19 của Trung Quốc, đã phủ nhận tuyên bố này, dường như loại bỏ khả năng có các cuộc điều tra sâu hơn ở Trung Quốc và cho rằng nên chuyển trọng tâm sang các quốc gia khác.

Sau hơn 1 năm hoành hành, đại dịch COVID-19 đã khiến hơn 133 triệu người lây nhiễm, hơn 2,9 triệu người chết nhưng vẫn chưa tìm ra nguồn gốc SARS-CoV-2 (Ảnh: WHO).

Sau hơn 1 năm hoành hành, đại dịch COVID-19 đã khiến hơn 133 triệu người lây nhiễm, hơn 2,9 triệu người chết nhưng vẫn chưa tìm ra nguồn gốc SARS-CoV-2 (Ảnh: WHO).

Nhà nghiên cứu Jamie Metzl nói rằng Trung Quốc nên đưa ra các thông tin có thể phủ định giả thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm, chẳng hạn như kho dữ liệu của Trung Quốc về virus và hồ sơ của phòng thí nghiệm về công việc đang diễn ra. Ông Metzl nói rằng nhiều người trong số họ làm việc trong phòng thí nghiệm, nhưng các nhà nghiên cứu đã không thể được đọc các nguồn tư liệu này và không thể tiếp xúc với những người này.

Theo Sina, chiều ngày 8/4, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Triệu Lập Kiên, người phát ngôn bộ này đã trả lời câu hỏi của phóng viên về vụ này.

Phóng viên hỏi: “Vào ngày 7/4, 24 nhà khoa học và nhà nghiên cứu Châu Âu, Mỹ, Australia và Nhật Bản đã đưa ra một bức thư ngỏ nói rằng nghiên cứu chung của Trung Quốc và WHO về nguồn gốc của SARS-CoV-2 không có câu trả lời đáng tin cậy về nguồn gốc của đại dịch COVID-19. Công việc truy xuất nguồn gốc virus cũng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị. Người soạn thảo bức thư ngỏ, ông Jamie Metzl, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương của nhóm nghiên cứu Mỹ, nói rằng cơ sở dữ liệu virus trong phòng thí nghiệm của Trung Quốc, hồ sơ công việc và các nhà khoa học đều không có cách nào tiếp cận và Trung Quốc nên tiết lộ thông tin liên quan để bác bỏ ‘Giả thuyết virus rò rỉ trong phòng thí nghiệm’. Trung Quốc có ý kiến ​​gì về vấn đề này?”.

Đoàn chuyên gia WHO đến Viện virus Vũ Hán trong thời gian điều tra (Ảnh: AP).

Đoàn chuyên gia WHO đến Viện virus Vũ Hán trong thời gian điều tra (Ảnh: AP).

Triệu Lập Kiên nói: “Tôi vẫn nhớ rõ cái gọi là bức thư ngỏ lần trước của các nhà khoa học được công bố vào ngày 4/3 và nó gần như được thực hiện bởi cùng một nhóm người. Hai bức thư ngỏ đều do cựu thành viên Hội đồng An ninh Quốc tế Nhà Trắng Jamie Metzl của Mỹ soạn thảo. Một bức được công bố vào trước khi có báo cáo nghiên cứu chung của WHO về truy xuất nguồn gốc và bức còn lại được công bố sau báo cáo. Thời điểm không phải ngẫu nhiên và mục đích của nó là hiển nhiên, đó là gây áp lực lên WHO và nhóm chuyên gia. Rốt cục họ giữ thái độ làm việc khoa học, chuyên nghiệp và đưa ra những lời khuyên, gợi ý cho việc nghiên cứu truy xuất nguồn gốc, hay họ “đổi thang không đổi thuốc” để quy tội cho một quốc gia cụ thể, tôi nghĩ mọi người đều có thể thấy rõ”.

Triệu Lập Kiên nói: “Trung Quốc đã hỗ trợ rất nhiều về nhân lực và vật lực cho hoạt động nghiên cứu truy xuất nguồn gốc của nhóm chuyên gia tại Trung Quốc, đồng thời hoàn toàn tôn trọng và nỗ lực hết sức để sắp xếp yêu cầu phỏng vấn do nhóm chuyên gia đề xuất. Nhóm chuyên gia cũng đánh giá cao tính công khai, minh bạch của Trung Quốc”.

Ông cũng nói: “Đúng vậy, việc truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2 thực sự bị can thiệp bởi các yếu tố chính trị, nhưng nó không phải từ Trung Quốc, mà là từ các quốc gia cá biệt như Mỹ. Họ cố tình chính trị hóa vấn đề truy xuất nguồn gốc, phá hoại và gây nhiễu sự hợp tác của Trung Quốc với WHO, tấn công và bôi nhọ Trung Quốc, đồng thời công khai thách thức tính độc lập và nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học. Điều này không chỉ làm tổn hại đến hợp tác truy xuất nguồn gốc virus mà còn ảnh hưởng đến các nỗ lực chống dịch trên toàn cầu”.

Triệu Lập Kiên nói: “Liên quan đến rò rỉ trong phòng thí nghiệm, trong nghiên cứu truy xuất nguồn gốc chung, nhóm chuyên gia chung đã đến thăm Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh tỉnh Hồ Bắc, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Vũ Hán, Viện Vi rút Vũ Hán, thăm các phòng thí nghiệm an toàn sinh học khác nhau và các tổ chức liên quan. các chuyên gia đã thực hiện các cuộc trao đổi khoa học chuyên sâu và thẳng thắn. Sau khi tham quan thực tế và tìm hiểu sâu tại Trung Quốc, nhóm chuyên gia nhất trí rằng giả thuyết sự cố phòng thí nghiệm Trung Quốc gây ra virus là vô cùng khó xảy ra.

Tất nhiên, nếu manh mối và bằng chứng được tìm thấy ở những nơi khác trên thế giới, thì đây là một vấn đề khác. Chúng tôi hy vọng rằng các bên liên quan, bao gồm cả Hoa Kỳ, sẽ có thái độ khoa học và hợp tác, thực hiện hợp tác truy xuất nguồn gốc với WHO và mời các chuyên gia của WHO tiến hành nghiên cứu khoa học về truy xuất nguồn gốc tại nước họ”.

Trưởng nhóm điều tra Trung Quốc (trái) bắt tay chuyên gia virus Hà Lan trước khi họp báo công bố kết quả điều tra (Ảnh: AP).

Trưởng nhóm điều tra Trung Quốc (trái) bắt tay chuyên gia virus Hà Lan trước khi họp báo công bố kết quả điều tra (Ảnh: AP).

Triệu Lập Kiên nói thêm: “Gần đây, tôi chú ý thấy Nga một lần nữa bày tỏ quan ngại về các hoạt động quân sự hóa sinh học do Mỹ thực hiện ở trong nước, đặc biệt là căn cứ Fort Detrick, cũng như ở Ukraine và các nước khác. Thực tế, đây cũng là mối quan tâm chung của nhiều quốc gia. Trung Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh rằng các hoạt động liên quan của Mỹ là không rõ ràng, không an toàn và không hợp lý. Lấy Ukraina được Nga đề cập làm ví dụ. Theo các tin công khai, chỉ riêng Mỹ đã thành lập 16 phòng thí nghiệm sinh học ở Ukraina. Tại sao Mỹ cần xây dựng nhiều phòng thí nghiệm trên khắp thế giới? Quân đội Mỹ thực hiện những hoạt động gì trong các phòng thí nghiệm này và ở căn cứ Fort Detrick? Tại sao Mỹ độc quyền phản đối việc thiết lập cơ chế xác minh trong Công ước cấm vũ khí sinh học? Có phải trong các phòng thí nghiệm và căn cứ này có những khu vực mà Mỹ không dám chấp nhận thanh tra quốc tế? Chúng tôi một lần nữa kêu gọi Mỹ có thái độ có trách nhiệm và nghiêm túc đáp lại các mối quan tâm của cộng đồng quốc tế, làm rõ toàn diện các hoạt động quân sự hóa sinh học trong và ngoài nước Mỹ, đồng thời chấm dứt việc ngăn cản thiết lập cơ chế xác minh theo Công ước cấm vũ khí sinh học”.