Theo trang The Drive, Bộ trưởng Quốc phòng Itunori Onodar tham dự lễ hạ thủy này tại xưởng đóng tàu ở Yokohama, không xa thủ đô Tokyo của Nhật Bản.
Maya là chiếc khu trục hạm đầu tiên trong số hai khu trục hạm lớp 27DDG, được lực lượng phòng vệ hải quân Nhật Bản đặt hàng. Lượng giãn nước của chiến hạm là 8.200 tấn, chiều dài 170 mét. Tính năng kỹ thuật tiên tiến của khu trục hạm được đặc trưng bởi các trạm nguồn được kết hợp tối ưu hóa theo sơ đồ CODLAG.
Trong cấu trúc này, các động cơ trạm nguồn điện diesel và tuabin khí kết hợp thành một hệ thống duy nhất, cải thiện việc kiểm soát quản lý năng lượng, đơn giản hóa những yêu cầu về bảo trì bảo dưỡng và vận hành buồng máy. Việc tối ưu hóa trạm nguồn của tàu có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc cung cấp năng lượng cho hệ thống radar và các hệ thống trang thiết bị khác.
Siêu khu trục hạm Maya sẽ là chiến hạm thứ 7 của hạm đội Nhật Bản, được trang bị hệ thống phòng không - phòng thủ tên lửa Aegis. Maya được lắp đặt hệ thống Aegis Baseline J7, trang bị radar AN / SPY-1D của hãng Lockheed Martin. Hệ thống có khả năng phát hiện và giám sát các mục tiêu tên lửa chống tàu có tốc độ siêu âm, trần bay thấp trong điều kiện thời tiết phức tạp.
Trang The Drive cho biết, hệ thống các trang thiết bị, khí tài hiện đại cho phép các tàu Nhật Bản trao đổi các cơ sở dữ liệu chiến thuật với nhau trong thời gian thực, đồng thời trao đổi thông tin với các chiến hạm Mỹ trong một cuộc khủng hoảng bất kỳ. Ngoài ra, chiến hạm sẽ nhận được dữ liệu đa nguồn chất lượng cao, được trang bị tên lửa đất đối không hoặc tên lửa đánh chặn do Nhật Bản sản xuất. Những tên lửa này có thể tấn công mục tiêu nằm ngoài phạm vi các cảm biến (radar – hồng ngoại) trên tàu. Loại tên lửa này mạnh hơn nhiều so với tên lửa đánh chặn SM-3, đang có trong biên chế của hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo.
Theo kế hoạch, siêu khu trục hạm sẽ được đưa vào trực chiến vào tháng 03.2020.