Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani hôm 26-4 cho biết quyết định của Canberra là “vô cùng đáng tiếc”. Ông nói thêm: “Chúng tôi sẽ yêu cầu Úc giải thích tại sao họ không chọn thiết kế của chúng tôi”.
Cùng ngày, phát biểu tại TP Adelaide, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull cho rằng quyết định của Úc trong việc chọn nhà thầu là “vấn đề chủ quyền”.
“Tôi muốn cảm ơn công ty TKMS (Đức) và chính phủ Nhật Bản vì những đề xuất chất lượng cao. Tuy nhiên, sau quá trình đánh giá của Bộ Quốc phòng và các chuyên gia, thiết kế của Pháp đáp ứng tốt nhất các yêu cầu đặc biệt của Úc” - ông Turnbull nói thêm.
Nhà lãnh đạo này tự tin cho rằng mối quan hệ đối tác chiến lược quan trọng giữa Úc và Nhật Bản sẽ ngày càng lớn mạnh thông qua những kênh ngoại giao khác và mối quan hệ đặc biệt của hai nước “đủ mạnh để vượt qua được chuyện này”.
Trước đó, nhiều nhà phân tích đánh giá Nhật Bản sẽ giành chiến thắng trong cuộc đấu thầu. Cựu Thủ tướng Úc Tony Abbott cũng công khai ủng hộ Tokyo và cho rằng thỏa thuận tàu ngầm này đóng vai trò chiến lược trong quan hệ 2 nước.
Tuy nhiên, rốt cuộc tập đoàn DCNS (Pháp) đã giành hợp đồng đóng mới 12 tàu ngầm của Úc trị giá 50 tỉ USD thay thế cho hạm đội lớp Collins đã lỗi thời.
Hồ sơ đấu thầu của Nhật đề nghị đóng một phiên bản tàu ngầm lớp Soryu 4.000 tấn dài hơn 6-8 m so với phiên bản gốc (84 m).
Trong khi đó, hồ sơ dự thầu của công ty TKMS (Đức) đề xuất đóng phiên bản 4.000 tấn của tàu ngầm lớp 214 (hiện có tải trọng 2.000 tấn).
Phía DCNS đề xuất loại tàu ngầm dài hơn 90 m và chạy êm hơn tàu ngầm sử dụng hệ thống cánh quạt đẩy trước đây. Các tàu này sẽ sử dụng thép của Úc và được đóng tại ở TP Adelaide, đồng thời giúp tạo ra 2.800 việc làm.
Hợp đồng đóng tàu ngầm nói trên nằm trong kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng của Úc nhằm tìm cách bảo vệ lợi ích chiến lược và thương mại của nước này trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương giữa lúc Trung Quốc đang trỗi dậy về quân sự.
Theo Business Insider, Reuters, NLĐ