​Nhật tăng ngân sách quốc phòng kỷ lục để bảo vệ đảo

Bộ Quốc phòng Nhật vừa đệ trình ngân sách quân sự cao kỷ lục để thực hiện chiến dịch bảo vệ các đảo xa trước sự nhòm ngó của Trung Quốc.
Tàu tuần tra Nhật và Trung Quốc vờn nhau ở vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư -  Ảnh: Today Online
Tàu tuần tra Nhật và Trung Quốc vờn nhau ở vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư - Ảnh: Today Online

Theo Reuters, trong văn bản trình lên chính phủ, Bộ Quốc phòng Nhật đề xuất tăng ngân sách quốc phòng thêm 2,2% lên mức 5.090 tỉyen, tương đương 42,38 tỉUSD cho năm tài khóa 2016. Nếu được thông qua, đây sẽ là ngân sách quốc phòng lớn nhất từ trước đến nay của Nhật.

Với ngân sách mới, Bộ Quốc phòng Nhật cho biết sẽ mua một tàu khu trục trang bị hệ thống tên lửa Aegis, các tàu đổ bộ tấn công AAV7, máy bay chiến đấu tàng hình F-35, máy bay vận tải lên thẳng Osprey, máy bay do thám không người lái Global Hawk, các hệ thống tên lửa di dộng, máy bay trực thăng và nhiều thiết bị quân sự khác.

Tuy nhiên, ngân sách quốc phòng Nhật vẫn thua xa Trung Quốc. Năm 2015, ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng hơn 10% lên 138,37 tỉUSD, chỉ thua mức 581 tỉUSD của Mỹ. Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), Trung Quốc chiếm 38% chi tiêu quốc phòng toàn châu Á năm 2014trong khi Nhật chỉ chiếm 14%.

Tuy nhiên lực lượng quân sự Nhật vẫn được đánh giá là hiện đại và tinh nhuệ vào loại bậc nhất thế giới với các vũ khí, thiết bị tiên tiến mua từ Mỹ.

Bảo vệ đảo xa

Mục tiêu là tăng cường lực lượng bảo vệ hệ thống các đảo của Nhật, kéo dài 1.400km từ Nhật tới gần Đài Loan. Bộ Quốc phòng Nhật cũng muốn đổ tiền xây dựng và nâng cấp các căn cứ quân sự trên một số đảo xa. Tokyo muốn trang bị hệ thống rađahiện đại và tên lửa di động cho các đảo này.

Hiện tại Nhật đang xây một trạm rađatrên đảo Yonaguni, nơi có 1.500 dân. Bộ Quốc phòng còn lên kế hoạch chi 90 triệu USD mở rộng căn cứ quân sự trên đảo Miyakojima và 72 triệu USD để xây căn cứ trên đảo Amami.

Giới chuyên gia quân sự quốc tế nhận định do Trung Quốc đang ngày càng tăng cường sức mạnh quân sự trong khu vực, Nhật buộc phải chuyển hướng từ bảo vệ biên giới phía bắc với xe tăng và thiết bị hạng nặng sang bảo vệ các đảo ở biển Hoa Đông và Tây Thái Bình Dương bằng lực lượng linh hoạt hơn.

Với việc tăng cường sự hiện diện quân sự tại các đảo xa bằng trạm rađa, căn cứ quân sự, khẩu đội tên lửa… Nhật có thể giành lợi thế chiến thuật trước Trung Quốc. Bởi Bắc Kinh không kiểm soát nhiều đảo trên biển Hoa Đông, do đó thường phải điều các tàu lớn để triển khai lực lượng hải quân trên biển.

Hiện Trung Quốc đang đòi chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật kiểm soát. Hôm qua cảnh sát biển Nhật cáo buộc tàu tuần tra Trung Quốc lại xâm nhập vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư lần thứ 23 trong năm nay.

Các quan chức Nhật cũng cáo buộc Trung Quốc vi phạm thỏa thuận hợp tác khai thác dầu khí chung trên vùng tranh chấp ở biển Hoa Đông. “Do đó, mối quan hệ Tokyo - Bắc Kinh không thể cải thiện” - một quan chức Chính phủ Nhật nhấn mạnh.

NGUYỆT PHƯƠNG theo Tuổi Trẻ