Nhật Bản gia tăng can thiệp Biển Đông: 1 tên trúng 3 đích

VietTimes -- Nhật Bản muốn bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, giảm rủi ro Mỹ thay đổi chính sách khu vực, tăng cường vai trò lãnh đạo khu vực, kiềm tỏa ảnh hưởng của Trung Quốc.
Ngày 12/9/2016, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada (bên phải) cùng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tham dự một buổi lễ của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Ảnh: EPA
Ngày 12/9/2016, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada (bên phải) cùng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tham dự một buổi lễ của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Ảnh: EPA

Tờ Liên hợp buổi sáng Singapore ngày 21/9 đăng bài viết "Nhật Bản tuần tra Biển Đông: Một mũi tên trúng 3 đích" cho rằng người Nhật Bản làm việc luôn luôn hết sức cẩn thận, có kế hoạch chu đáo nổi tiếng, hiếm khi có trường hợp tùy tiện.

Lựa chọn thời điểm hiện nay để mạnh mẽ can dự Biển Đông, thậm chí không ngại kích động Trung Quốc, bản thân Nhật Bản đã có sự cân nhắc chiến lược toàn diện, đặc biệt, cũng có thể gọi là "một mũi tên trúng ba đích".

Trước hết, để bảo đảm cho sự sinh tồn, phát triển có hiệu quả với tư cách là một đảo quốc thiếu thốn tài nguyên chiến lược, tầng lớp lãnh đạo Nhật Bản đã quyết định không ngừng tăng cường sức mạnh quân sự, sửa đổi Hiến pháp, đồng thời tăng cường can dự và gây ảnh hưởng đối với các tuyến đường thương mại trên biển trọng điểm ở nước ngoài và khu vực điểm nóng.

Hồi trung tuần tháng 9/2016, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada đến thăm Mỹ. Ngày 15/9/2016, bà Tomomi Inada tuyên bố Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ tiến hành tuần tra chung với Mỹ ở Biển Đông. Ảnh: Stripes
Hồi trung tuần tháng 9/2016, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada đến thăm Mỹ. Ngày 15/9/2016, bà Tomomi Inada tuyên bố Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ tiến hành tuần tra chung với Mỹ ở Biển Đông. Ảnh: Stripes

Mục đích chiến lược "quay trở lại thành quốc gia bình thường" của Nhật Bản đã không còn là “thực dân bành trướng xâm lược toàn diện” thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ hai, mà là để bảo vệ lợi ích trên tuyến đầu một cách chủ động, tích cực hơn.

Trong tình hình này, xác suất Nhật Bản gây ra chiến tranh xung đột ở chiều sâu hoặc lãnh thổ của nước khác không cao, nhưng khả năng xuất hiện đối đầu quân sự thậm chí tranh chấp ở các khu vực tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải và khu vực điểm nóng quốc tế tăng cao.

Thứ hai, thời gian bầu cử Tổng thống Mỹ chỉ còn lại chưa đầy hai tháng, bất kể ai trúng cử, Nhật Bản đều phải giảm tối đa rủi ro chính quyền mới của Mỹ thay đổi chính sách "quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương" hiện nay của chính quyền Obama.

Trong khi đó, biện pháp đề phòng rủi ro hiệu quả nhất chính là Nhật Bản trực tiếp "ra trận", bảo đảm cho Mỹ và các nước khác như Australia tiếp tục can dự đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong tương lai.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada thị sát tàu sân bay trực thăng Izumo ở Yokosuka, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản. Ảnh: Japantimes
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada thị sát tàu sân bay trực thăng Izumo ở Yokosuka, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản. Ảnh: Japantimes

Cuối cùng, thông qua mạnh mẽ can dự vào vấn đề Biển Đông, tranh thủ xây dựng lại và tăng cường hình tượng và vai trò của Nhật Bản như là một lực lượng lãnh đạo của khu vực Tây Thái Bình Dương, đồng thời ngăn chặn và làm suy yếu vai trò ảnh hưởng khu vực của Trung Quốc.

Nhìn vào góc độ cán cân sức mạnh quân sự, Nhật Bản giống như Mỹ, đều tin tưởng vào sức mạnh hải, không quân của mình, bất kể về trang bị kỹ thuật, tố chất con người hay kinh nghiệm chiến đấu thực tế, Nhật Bản đều có ưu thế đáng kể so với Trung Quốc. Một khi xảy ra xung đột với Trung Quốc, Nhật Bản sẽ có cơ thắng tương đối lớn.