Theo National Interest, Nhật Bản đang dự định phát triển một loại tên lửa chống tàu mới hứa hẹn sẽ đẩy mạnh khả năng phòng thủ của Nhật Bản để ngăn chặn nguy cơ bị tấn công trên biển. Đó là tên lửa XASM-3, có thể phóng ở tốc độ Mach 3, dễ dàng tránh được các hệ thống phòng thủ tên lửa để đánh chìm tàu mặt nước của kẻ thù. Tên lửa này sẽ là một mối lo lớn đối với Trung Quốc vì nước này nếu muốn tiến ra khu vực Bắc Thái Bình Dương thì buộc phải đi vào tầm bắn của tên lửa.
Những tên lửa chống tàu truyền thống như tên lửa Harpoon của Mỹ và Exocet của Pháp dùng động cơ tên lửa và động cơ phản lực để bay ở tốc độ cận âm. Những tên lửa này được gọi chung là "tàu lượn biển" vì có thể bay ở khoảng cách trên mực nước biển chỉ 15 feet. Ưu điểm của khả năng bay tầm thấp này là tên lửa có thể giấu mình trước radar, tránh bị mục tiêu phát hiện do độ cong của bề mặt trái đất. Bay càng thấp thì nguy cơ bị phát hiện càng ít.
Một hệ thống radar cách mặt đất 60 feet có thể phát hiện ra một tên lửa tàu lượn biển bay ở độ cao 30 feet ở khoảng cách 19 dặm. Giả sử tên lửa Harpoon bay ở độ cao 10m, hệ thống phòng không của kẻ thù chỉ có thể phát hiện được tên lửa này hai phút trước khi bị tấn công, do đó hầu như không đủ thời gian để đối phó.
Việc sử dụng tên lửa cận âm đã trở thành truyền thống của phương Tây cho đến tận gần đây. Cho dù các công nghệ mới đã phát triển như tên lửa P-270 Moskit của Liên Xô, nhưng Chiến tranh lạnh đã kết thúc trước khi Mỹ, NATO và các nước đồng minh khác có thể đuổi kịp. Vì không có đối thủ tương xứng nào trong suốt những năm 1990 khiến cho việc phát triển tên lửa của Mỹ và phương Tây bị ngưng lại, và chỉ được tái tập trung trở lại vào năm 2001. Có nghĩa là tên lửa Harpoon đã chiến đấu suốt thời gian phục vụ mà không cần thay thế.
Tuy nhiên, có một nước vẫn duy trì sự chú ý đến chiến tranh hải quân, đó chính là Nhật Bản. Theo National Interest, Nhật Bản nhận ra người láng giềng và cũng là đối thủ lâu đời của mình đang nhanh chóng nâng cấp chất lượng và số lượng các trang thiết bị hải quân, xây dựng tàu khu trục, tàu đổ bộ và cũng đã bắt tay xây dựng hạm đội tàu sân bay.
Hải quân Trung Quốc đã phát triển từ một quân đội gần bờ chỉ có khả năng hoạt động ở các khu vực gần Đại Lục thành lực lượng hải quân hoạt động xa bờ, có khả năng triển khai đến tận Ấn Độ Dương và biển Baltic. Hải quân Trung Quốc giờ đây đã lớn hơn Lực lượng phòng vệ biển của Nhật Bản cả về trọng tải và số lượng tàu.
Được phát triển từ giữa những năm 2000, tên lửa chống tàu mới XASM-3 hứa hẹn sẽ đi theo hướng chuyển hướng cân bằng quyền lực sang phía Nhật Bản. Giống như tên lửa Moskit, XASM-3 sử dụng động cơ phản lực và có tốc độ cực đại trên cả Mach 3. Giống như các tên lửa chống hạm trước đó, XASM-3 cũng bay chỉ cách đầu sóng một chút. Sự kết hợp của hai khả năng về tốc độ và độ cao này khiến cho mọi con tàu nếu bị xác định là mục tiêu sẽ không có đến 30 giây để phát hiện và phản ứng.
Theo Navy Recognition, XASM-3 là tên lửa động cơ phản lực thẳng có tầm bắn 92 dặm và rất có thể còn xa hơn thế. Tên lửa này dài 17 feet với trọng lượng gần 200 pound, nhỏ hơn tên lửa Tomahawk và SM-6 của Mỹ. XASM-3 được cho là sử dụng dẫn bắn bằng GPS, có khả năng chuyển sang chức năng tìm kiếm chủ động hoặc thụ động trong giai đoạn đầu cuối. Máy bay chiến đấu đa chức năng F-2 của Lực lượng phòng vệ hàng không Nhật Bản sẽ mang được hai quả tên lửa này. Và tên lửa nói trên sẽ được bắt đầu sản xuất vào đầu năm 2018.
Đồng thời, Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật được cho là đang có một loại tên lửa mới XSSM. Tên lửa mới này sẽ được trang bị trên các tàu chiến Nhật Bản và tên lửa này có vẻ phù hợp với hệ thống phóng thẳng đứng Mark 41. Điều này sẽ cho phép các tàu khu trục của Nhật Bản, trước đây mang được từ 2 đến 8 tên lửa chống tàu trong bệ phóng, giờ đây có thể mang tên lửa XSSM trong hệ thống Mark 41.
Điều này giúp nâng cao khả năng hỏa lực chống hạm, khi ngay cả tàu khu trục lớp Takanami cũ hơn cũng có đến 32 hệ thống Mark-41 và tàu khu trục Kongo Aegis có đến 90 ống phóng. Hơn nữa, giống như nhiều nước khác, Nhật cũng vẫn duy trì các tên lửa chống tàu trên mặt đất, dù trước đây lỗi thời nhưng giờ đây lại trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Như vậy, với các tên lửa mới XASM và XSSM, Nhật đã có đến ba phương cách phóng tên lửa.
National Interest cho biết Trung Quốc hiện nay thường xuyên cử lực lượng trinh sát lượn lờ gần chuỗi đảo Ryukyu của Nhật Bản. Chuỗi đảo này kéo dài từ hòn đảo Kyushu phía nam Nhật Bản đến Đài Loan. Tuy nhiên đây cũng không hẳn là một động thái khiêu khích. Vì hai hạm đội Bắc Hải và Đông Hải hải của Trung Quốc phải đi qua chuỗi đảo Ryukyu nếu muốn tiến ra Thái Bình Dương, nếu không thì phải đi con đường xa hơn là vòng qua Đài Loan.
Trong thời bình, hải quân Trung Quốc dù di chuyển qua khu vực đặc quyền kinh tế của Nhật Bản thì cũng có thể viện quyền qua lại vô hại để đi qua vùng biển này. Tuy nhiên vị trí địa lý của quần đảo Ryukyu, cùng với tên lửa chống tàu trên mặt đất với tầm tấn công 92 dặm, sẽ gây ra những rắc rối nghiêm trọng đối với hải quân Trung Quốc nếu cố tình qua lại nếu hai bên có xung đột.
Các khẩu đội tên lửa chống hạm của Nhật chủ yếu được đặt trên các đảo có cư dân sinh sống, từ đảo phía cực nam Yonaguni, tới các đảo về phía bắc gồm Ishigakijima, Miyakojima, Okinawa, Tokunoshima và cuối cùng là Amamishima sẽ tạo nên một hàng rào tên lửa chống hạm kéo dài và chồng chéo, khiến kẻ địch không thể nào trốn thoát được. Các tên lửa triển khai trên mặt đất cũng sẽ giúp định hình cuộc chiến.
Nếu tàu của hải quân Trung Quốc tiến đến phía bắc hoặc phía nam để tránh Ryukyu thì sẽ buộc phải đi vào khu vực của các tàu ngầm tấn công lớp Soryu, tàu tuần tra tên lửa dẫn đường lớp Hayabusa hay máy bay chiến đấu F-2 được trang bị tên lửa XASM-3.
Việc phát triển các tên lửa chống tàu có khả năng hơn sẽ giúp giải quyết được tình trạng mất cân bằng lực lượng giữa Trung Quốc và Nhật bản, khiến bờ biển Nhật Bản trở thành khu vực nguy hiểm nếu có chiến tranh mà không cần xây dựng thêm tàu mới, National Interest nhận định. Do đó khả năng đáng gờm của các tên lửa này sẽ là gáo nước lạnh đối với kẻ địch có ý định đe dọa Nhật Bản.