Chỉ số VN-Index kết thúc tuần từ 15/8 – 19/8 ở mức 1.269,18 điểm, tăng 6,85 điểm (tương đương mức tăng 0,54%). Khối lượng giao dịch trung bình trên sàn HOSE tăng nhẹ 0,5% so với tuần trước, đạt 15.658 tỉ đồng/phiên.
Sau 6 tuần tăng điểm liên tiếp, thị trường bắt đầu cho thấy những áp lực và rủi ro điều chỉnh ngắn hạn đang ngày một tăng lên khi nhiều cổ phiếu đã chững lại và chịu áp lực bán lớn kể cả khi chỉ số tăng điểm.
Theo CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI), nhiều cổ phiếu đã hết động lực hồi phục. Các hoạt động giao dịch ngắn hạn "T+" đang dần rơi vào tình trạng có lãi ít hoặc thua lỗ nhiều hơn là có lợi nhuận.
“Thị trường và nhiều cổ phiếu đang đối mặt với áp lực điều chỉnh ngắn hạn và chúng tôi cho rằng những nhà đầu tư ngắn hạn đã giảm tỷ trọng trong tuần này nên tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi thêm trước khi nghĩ tới ý định gia tăng tỷ trọng trở lại”, TVSI nhận định.
Tương tự, CTCP Chứng khoán MB (MBS) nhận thấy độ rộng thị trường 3 phiên liên tiếp đều nghiêng về bên bán, dấu hiệu nhịp điều chỉnh đã xuất hiện ở nhóm midcap và smallcap.
Tuy nhiên, MBS đánh giá, chỉ số VN-Index tiếp tục không vượt cản ở ngưỡng MA100 ngày cũng có thể là tín hiệu điều chỉnh kỹ thuật. Do vậy, nhà đầu tư có thể chốt dần ở các cổ phiếu đã tăng mạnh và cơ cấu danh mục nhóm cổ phiếu chưa tăng nhiều.
Theo CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), trong tuần từ 22/8 – 26/8, thị trường có thể tiếp tục sự giằng co theo xu hướng giảm. Chỉ số VN-Index nhiều khả năng sẽ kiểm định hỗ trợ MA10 ngày tại 1.265 điểm.
Nếu lực bán tiếp tục áp đảo lực mua tại hỗ trợ, VN-Index có thể sẽ giảm sâu hơn về vùng hỗ trợ của đường MA20 ngày tại khu vực quanh 1.240-1.250 điểm để tìm điểm cân bằng.
Ngược lại, ở kịch bản khả quan nhưng có xác suất xảy ra thấp hơn, VN-Index đảo chiều tăng trở lại sau nhịp kiểm định MA10 và vượt qua mốc 1.280 điểm. Khi đó, chỉ số sẽ củng cố đà tăng để hướng lên kháng cự tiếp theo quanh 1.310 điểm./.