Nhà Trắng công bố bán 1,16 tỉ USD vũ khí cho Đài Loan, Bắc Kinh cảnh báo sẽ đáp trả thích đáng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đúng một tháng sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Pelosi, Mỹ thông báo bán 1,16 tỉ USD vũ khí cho Đài Loan. Trung Quốc lập tức cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả “thích đáng và cần thiết”.
100 tên lửa không đối không AIM-9 AIM-9 Sidewinder sẽ được trang bị cho các máy bay F-16V của Đài Loan (Ảnh: Getty).
100 tên lửa không đối không AIM-9 AIM-9 Sidewinder sẽ được trang bị cho các máy bay F-16V của Đài Loan (Ảnh: Getty).

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 3/9, vào ngày 2/9 theo giờ Washington, Chính phủ Mỹ đã công bố bán số vũ khí trị giá hơn 1,16 tỉ USD cho Đài Loan, liên quan đến tên lửa không đối không, tên lửa chống hạm, hỗ trợ hậu cần radar giám sát. Đây là lần thứ sáu chính quyền Joe Biden thông báo bán vũ khí cho Đài Loan và là lần thứ năm trong năm nay, cũng là hợp đồng bán vũ khí lớn nhất cho Đài Loan dưới thời Joe Biden. Trung Quốc đại lục lập tức yêu cầu Mỹ hủy bỏ việc bán vũ khí cho Đài Loan và cảnh báo sẽ có những biện pháp đáp trả thích đáng và cần thiết.

Cục Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ (Defense Security Cooperation Agency, DSCA) cho biết Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã phê duyệt ba dự án bán vũ khí cho Đài Loan, đó là 100 tên lửa không đối không AIM-9 Sidewinder trị giá 355 triệu USD, 60 tên lửa hành trình chống hạm AGM-84 Harpoon giá 85,6 triệu và hợp đồng radar giám sát, đang chờ Quốc hội phê duyệt. DSCA nhấn mạnh rằng việc bán vũ khí này là phù hợp với lợi ích quốc gia, kinh tế và an ninh của Hoa Kỳ, đồng thời hỗ trợ Đài Loan duy trì khả năng phòng vệ đáng tin cậy; sẽ giúp cải thiện an ninh của Đài Loan, cũng như duy trì ổn định chính trị khu vực, cân bằng quân sự và phát triển kinh tế.

Quan hệ quân sự Mỹ - Đài Loan ngày càng chặt chẽ, Washington liên tiếp bán vũ khí cho Đài Bắc (Ảnh: Deutsche Welle).

Quan hệ quân sự Mỹ - Đài Loan ngày càng chặt chẽ, Washington liên tiếp bán vũ khí cho Đài Bắc (Ảnh: Deutsche Welle).

Tên lửa AIM-9 Sidewinder được cho là giúp Đài Loan nâng cao hiệu quả chiến đấu, chống lại hoặc ngăn chặn sự xâm lược bằng cách đối phó chính xác với các mục tiêu trên không; tên lửa AGM-84 Harpoon được sử dụng để chống lại hoặc ngăn chặn hành vi xâm phạm trên biển, phong tỏa bờ biển và các cuộc tấn công đổ bộ; các hợp đồng radar giám sát giúp Đài Loan cải thiện khả năng nhận thức tình huống và cảnh báo mối đe dọa của Trung Quốc đại lục, là rất quan trọng đối với an ninh khu vực. Tên lửa AIM-9 Sidewinder và tên lửa AGM-84 Harpoon là loại trang bị chủ động của máy bay chiến đấu Đài Loan, hợp đồng radar giám sát là sử dụng cho trạm radar cảnh báo sớm tầm xa tại căn cứ Lạc Sơn ở huyện Tân Trúc. Hợp đồng này trị giá 665 triệu USD được sử dụng để bảo trì và nâng cấp hệ thống radar cảnh báo sớm đã hoạt động từ năm 2013. Hệ thống này do công ty Raytheon của Mỹ chế tạo có thể đưa ra cảnh báo sớm về các cuộc tấn công bằng tên lửa.

Dự án bán vũ khí này dự kiến ​​sẽ chính thức có hiệu lực sau một tháng, Cục Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ cho biết nó phù hợp với luật pháp và chính sách của Mỹ và sẽ không làm thay đổi cán cân quân sự cơ bản trong khu vực.

Tên lửa AIM-9 Sidewinder gắn trên máy bay F-16 (Ảnh: UDN).
Tên lửa AIM-9 Sidewinder gắn trên máy bay F-16 (Ảnh: UDN).

Văn phòng nhà lãnh đạo Thái Anh Văn và “Bộ Quốc phòng” Đài Loan đã lên tiếng bày tỏ cám ơn phía Hoa Kỳ vì quyết định bán vũ khí, điều này sẽ không chỉ giúp phía Đài Loan thiết lập phản ứng đối với sự áp bức ở vùng biển và vùng xám trên không, đồng thời tối đa hóa hiệu quả của cảnh báo sớm tên lửa tầm xa, nhưng đồng thời thể hiện Mỹ sẽ giúp Đài Loan tăng cường khả năng phòng vệ tổng thể và cùng nhau bảo vệ eo biển Đài Loan cũng như an ninh và hòa bình ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Ông Chương Đôn Hàm, người phát ngôn của nhà lãnh đạo Đài Loan hôm 3/9 đã bày tỏ lòng biết ơn đối với Hoa Kỳ vì đã coi trọng nhu cầu quốc phòng của Đài Loan và thực hiện các cam kết an ninh của nước này đối với Đài Loan theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan và "Sáu điều đảm bảo".

Ông Chương nói rằng vụ mua bán vũ khí này "không chỉ giúp quân đội Đài Loan đối phó với sự áp bức trong vùng xám, mà còn phát huy tác dụng cảnh báo sớm tên lửa tầm xa, giúp nâng cao khả năng phòng thủ tổng thể."

Tên lửa hành trình chống hạm AGM-84 Harpoon Mỹ bán cho Đài Loan (Ảnh: Đông Phương).

Tên lửa hành trình chống hạm AGM-84 Harpoon Mỹ bán cho Đài Loan

(Ảnh: Đông Phương).

Ông cũng nhấn mạnh rằng Đài Loan sẽ không leo thang xung đột hoặc gây ra tranh chấp, nhưng sẽ kiên định thể hiện quyết tâm và khả năng tự vệ , “không chỉ bảo vệ chủ quyền và An ninh Quốc gia, sẽ tiếp tục làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác với các quốc gia có chung quan niệm giá trị, giữ gìn hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”.

Một ngày trước khi chính phủ Hoa Kỳ chấp thuận bán vũ khí cho Đài Loan, lực lượng phòng vệ Đài Loan xác nhận rằng họ đã lần đầu tiên bắn hạ một máy bay không người lái không xác định trên đảo Kim Môn. Đây là lần đầu tiên Đài Loan bắn hạ máy bay không người lái bằng đạn thật kể từ khi máy bay không người lái của Trung Quốc thường xuyên xâm phạm Kim Môn và nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã ra lệnh thực hiện "các biện pháp đối phó cần thiết và mạnh mẽ" kịp thời.

Đáp lại vụ bán vũ khí mới nhất cho Đài Loan, ông Lưu Bằng Vũ, phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, ngày 3/9 đã đưa ra tuyên bố nói rằng Đài Loan là một "phần không thể tách rời" của lãnh thổ Trung Quốc và yêu cầu Hoa Kỳ "rút lại ngay lập tức" dự án bán vũ khí, chấm dứt tiếp xúc quân sự với Đài Loan để tránh gây leo thang căng thẳng hơn nữa”.

Ông Lưu nói rằng việc chính quyền Joe Biden bán vũ khí cho Đài Loan đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc một Trung Quốc và ba bản thông cáo chung Trung-Mỹ, khuyến khích các thế lực ly khai chủ trương "Đài Loan độc lập", và dẫn đến leo thang căng thẳng ở eo biển Đài Loan.

Ông nói: “Điều này đã gửi thông điệp sai trái tới những kẻ theo chủ nghĩa ly khai độc lập của Đài Loan và gây nguy hiểm nghiêm trọng cho quan hệ Trung-Mỹ cũng như hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan”, "Trung Quốc sẽ kiên quyết thực hiện các biện pháp đối phó hợp lý và cần thiết tùy theo diễn biến của tình hình."

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Vedant Patel cho biết việc bán vũ khí là "quan trọng đối với an ninh của Đài Loan" và nhấn mạnh rằng chính sách của Hoa Kỳ đối với Đài Loan sẽ không thay đổi. Ông nói: "Chúng tôi kêu gọi Bắc Kinh ngừng gây áp lực quân sự, ngoại giao và kinh tế đối với Đài Loan và tham gia vào các cuộc đối thoại có ý nghĩa với Đài Loan."

Người phát ngôn cũng nhấn mạnh rằng những vụ mua bán vũ khí này là "để hỗ trợ việc Đài Loan tiếp tục hiện đại hóa các lực lượng vũ trang và duy trì khả năng phòng vệ đáng tin cậy", "Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ủng hộ việc giải quyết hòa bình các vấn đề xuyên eo biển, đó là mong muốn và lợi ích tốt nhất của người dân Đài Loan."

Trạm radar cảnh báo sớm tên lửa Lạc Sơn, Tân Trúc (Ảnh: LTN).

Trạm radar cảnh báo sớm tên lửa Lạc Sơn, Tân Trúc (Ảnh: LTN).

Mặc dù vẫn cần được Quốc hội thông qua, nhưng Đài Loan nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cả lưỡng đảng ở Mỹ và việc thông qua thương vụ bán vũ khí gần như là điều chắc chắn.

Tờ Wall Street Journal hôm thứ 2/9 đưa tin, Bộ Quốc phòng Mỹ đang đẩy nhanh việc bán vũ khí cho đồng minh để cạnh tranh tốt hơn với Trung Quốc và để bổ sung vào kho vũ khí của các đồng minh cung cấp thiết bị quân sự cho Ukraine.

Lầu Năm Góc tháng trước đã thành lập một đội đặc nhiệm mới có tên Tiger Team (Đội Hổ), gồm các quan chức cấp cao để kiểm tra sự kém hiệu quả kinh niên trong việc bán vũ khí của Hoa Kỳ cho nước ngoài. Nhóm sẽ nghiên cứu cách đơn giản hóa các chương trình cho Bộ Quốc phòng, với mục tiêu đưa các máy bay không người lái, súng ống, trực thăng, xe tăng và các vũ khí khác của Mỹ đến tay đồng minh nhanh chóng hơn.