Phản ứng của Trung Quốc và Đài Loan trước sự kiện UAV bị bắn hạ ở Kim Môn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Việc quân đồn trú Kim Môn của Đài Loan lần đầu tiên bắn hạ một máy bay không người lái được cho là của Trung Quốc hôm 1/9 đã gây nên những phản ứng khác nhau ở hai bên eo biển.
Đây là loại máy bay không người lái được cho là của Trung Quốc bị Đài Loan bắn hạ hôm 1/9 (Ảnh: Getty).
Đây là loại máy bay không người lái được cho là của Trung Quốc bị Đài Loan bắn hạ hôm 1/9 (Ảnh: Getty).

Trước việc máy bay không người lái của Trung Quốc quấy nhiễu các đảo bên ngoài của Đài Loan, các nhà lập pháp của đảng Dân Tiến (DPP) cầm quyền ở Đài Bắc đều ủng hộ chính phủ thực hiện các hành động mạnh mẽ hơn chỉ xua đuổi chúng. Ông La Chí Chính, một nghị sĩ của DPP nói, theo quy trình mới, các binh sĩ đồn trú sau khi cảnh báo không có hiệu quả cần lập tức tiến hành bắn phòng vệ, không chỉ bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ, mà còn giúp nâng cao tinh thần của quan binh, củng cố lòng tin của dân chúng đối với quân đội, “đáng bắn hạ thì bắn, không có vùng xám”.

Hồng Mạnh Khải, một nhà lập pháp của Quốc Dân đảng đối lập cũng thẳng thắn tuyên bố, trọng điểm không phải là máy bay không người lái quân sự hay dân sự, mà là UAV "không rõ ý đồ". Ông nói: “Đương nhiên cần lên án bất kỳ máy bay không người lái nào có ý định xâm phạm không phận của chúng ta, nhưng phản ứng của chính quyền Thái Anh Văn lúc đầu quá chậm, máy bay không người lái thường xuyên quấy nhiễu Đài Loan đã hơn nửa năm; đến nay vẫn không tìm ra biện pháp công nghệ nào để khắc chế, mà là dùng súng đạn. Trong tình hình thiếu sự liên lạc, rất dễ gây nên va chạm, đụng độ giữa hai bên eo biển, các học giả quốc tế đã cảnh báo điều đó, không thể không đề phòng”.

Binh sĩ phòng thủ Kim Môn bắn đạn tín hiệu xua đuổi UAV (Ảnh: UDN).

Binh sĩ phòng thủ Kim Môn bắn đạn tín hiệu xua đuổi UAV (Ảnh: UDN).

Ông nói rằng Đài Loan đã có các hệ thống che chắn điện tử để ngăn chặn máy bay không người lái; cần bố trí ra phía trước để ngăn chặn làn sóng UAV tới đây, đó mới là việc cấp bách lúc này của chính quyền, nếu không làm sẽ đặt tính mạng binh sĩ ở tuyến trước vào tình trạng nguy hiểm.

Ủy ban các vấn đề Đại lục của Đài Loan tuyên bố rằng máy bay không người lái của PLA không hoàn toàn được sử dụng vì mục đích dân dụng. Để đối phó với việc Trung Quốc sử dụng máy bay không người lái để xâm phạm Đài Loan, cơ quan phòng vệ cần kịp thời áp dụng các biện pháp đối phó cần thiết và mạnh mẽ.

Ông La Chí Chính cho rằng chính quyền phải có các biện pháp đối phó tích cực hơn, đặc biệt là khi tình hình, hình thức và tần suất của các cuộc xâm phạm tiếp tục gia tăng, chính quyền cần phải có những thay đổi toàn diện cách làm. Ông kêu gọi “không mập mờ trong việc đáp trả các hành động khiêu khích của Trung Quốc dùng máy bay không người lái xâm phạm Đài Loan”, “khi cần thiết phải bắn hạ mới có tác dụng răn đe, ngăn chặn từ cửa ngõ”.

Nhà lập pháp Vương Định Vũ của DPP chỉ ra rằng đây là một phương pháp điển hình để “tạo ra xung đột trong khu vực xám” của Trung Quốc.

Các đảo do Đài Loan kiểm soát thuộc Khu vực phòng thủ Kim Môn và nơi chiếc UAV bị bắn hạ (Ảnh: Đông Phương).

Các đảo do Đài Loan kiểm soát thuộc Khu vực phòng thủ Kim Môn và nơi chiếc UAV bị bắn hạ (Ảnh: Đông Phương).

Phản ứng trước sự kiện binh sĩ Đài Loan lần đầu tiên bắn hạ UAV ở Kim Môn, tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 1/9 ông Uông Văn Bân, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi trả lời yêu cầu bình luận của một phóng viên, lúc đầu đã nói “tôi không biết về tình hình liên quan”, nhưng tiếp đó lại tuyên bố: "Chính quyền Đài Loan thổi phồng căng thẳng thật vô nghĩa”. Bà Chu Phượng Liên, người phát ngôn Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Quốc vụ viện Trung Quốc, tuyên bố: "Các nhà chức trách DPP mưu đồ thổi phồng làm leo thang cuộc đối đầu xuyên eo biển thật vô cùng phi lý và nực cười."

Trong khi đó, tuyên bố của Hồ Tích Tiến, cựu Tổng biên tập, hiện là bình luận viên đặc biệt của Thời báo Hoàn cầu nói máy bay không người lái không của PLA, đã bị phản bác.

Ông Hồ Tích Tiến, người đã "vạch ra ranh giới đỏ" cho Đài Loan, đe dọa nếu bắn hạ UAV sẽ hứng chịu đòn giáng trả, ngày 1/9 đã viết trên Weibo của ông ta rằng, theo hiểu biết cá nhân của ông, những chiếc máy bay không người lái xuất hiện gần Kim Môn gần đây có lẽ là của những người đam mê máy bay không người lái dân dụng ở Hạ Môn. Hiện nay ở Trung Quốc đại lục có rất nhiều người chơi máy bay không người lái và họ thích chụp ảnh trên không.

Bà Chu Phượng Liên, Người phát ngôn Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Quốc Vụ viện (Ảnh: ETtoday).

Bà Chu Phượng Liên, Người phát ngôn Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Quốc Vụ viện (Ảnh: ETtoday).

Đáp lại, ông Trương Diên Đình, Phó Tư lệnh Không quân Đài Loan nói: “Đây không phải là lãnh thổ đại lục, quân đội Đài Loan không phải là người ăn không ngồi rồi, phía Đại lục không thể đến đây như thế này. Kim Môn là lãnh thổ của họ sao? Đó là của Đài Loan. Làm sao họ có thể cứ đến và đi mà không có bất kỳ thông báo nào".

Nhiều cư dân mạng Đại lục đã chế nhạo ý kiến của ông Hồ Tích Tiến. Một người viết: "Đây rõ ràng là được chính quyền cho phép. Máy bay không người lái này do quân đội vận hành, rất có thể được quân đội dùng để kiểm tra phản ứng của Kim Môn”. Một ý kiến khác: “Dám nhiều lần chơi máy bay không người lái ở khu vực nhạy cảm chiến tranh sao? Ông thấy có người dân nào dám làm như thế không?”.

Một người khác chế giễu: "Lão Hồ hôm qua nói rằng Đài Loan đã nổ phát súng đầu tiên, và bây giờ ông ấy nói rằng máy bay không người lái không phải của quân đội. Haha… Đây đều có thể coi là cưỡi trên đường phân thủy rồi đấy!".

Một cư dân giễu cợt: “Thầy Hồ (Tích Tiến) đúng là một người đàn ông thực sự, có thể uốn cong và duỗi thẳng tùy thích.”

Cư dân Wait16plz viết: "Thắng! Đài Loan không bắn thì nói ‘đây là chiếc máy bay không người lái mạnh mẽ của ta mới dám bay qua!’. Khi nó bị bắn hạ thì nói đó là một chiếc drone dân dụng. Kiểu gì cũng thắng!".

Cư dân mạng bình luận phê phán, giễu cợt ông Hồ Tích Tiến (Ảnh: Weibo).

Cư dân mạng bình luận phê phán, giễu cợt ông Hồ Tích Tiến (Ảnh: Weibo).

Ông Đường Tịnh Viễn, một bình luận viên thời sự của Đài Loan cho rằng, núp bóng dân sự là cách làm quen thuộc của Trung Quốc; dù là tranh chấp với Nhật Bản về quần đảo Điếu Ngư hay ở Biển Đông, lao ra tuyến đầu để kích động tranh chấp, khiến các nước liên quan không thể chịu nổi và khó có thể trở mặt, tất cả đều được coi là tàu đánh cá tư nhân, không có ngoại lệ.

Ông nói: “Nếu phương pháp này thành công, Trung Quốc có thể thu được lợi ích chính trị và quân sự, nếu thất bại họ có thể dễ dàng cắt bỏ”.

Ông Hồ Tích Tiến cũng viết trên Weibo: "Phía Kim Môn nên kiềm chế, đừng biến mọi thứ trở thành điểm căng thẳng mới giữa hai bên eo biển Đài Loan."

Vào ngày 30/8, ông Hồ Tích Tiến đã viết trên Weibo rằng những người bảo vệ Đài Loan và Kim Môn nói máy bay không người lái đại lục đã 4 lần "quấy rối các đảo Đại Đảm, Nhị Đảm và Sư Dữ của Kim Môn", sau khi bắn đạn tín hiệu cảnh báo không hiệu quả, họ đã bắn đạn thật xua đuổi. Đây là lần đầu tiên quân đội Đài Loan bắn đạn thật vào một vật thể bay của Đại lục trong nhiều năm qua. Mặc dù có vẻ không bắn trúng máy bay không người lái, nhưng bản chất của vụ bắn đạn thật là rất tồi tệ, chắc chắn tác động tiêu cực đến tình hình ở eo biển Đài Loan".

Ông cũng viết: "Nói đúng ra, quân đội Đài Loan đã bắn 'phát súng đầu tiên', điều này rất nghiêm trọng. Nếu tới đây quân đội Đài Loan dám bắn hạ máy bay không người lái của Đại lục, thì sẽ càng tồi tệ hơn và nghiêm trọng hơn, tạo nên một tình huống cực kỳ nguy hiểm và hiệu quả khôn lường chưa từng có. Quân Đài Loan làm như thế có nghĩa là Đại lục sẽ có lý do để nã đạn thật vào mục tiêu bên phía Đài Loan, phá hủy hoặc bắn hạ nó."

Thiết bị chống UAV của lực lượng phòng vệ Đài Loan (Ảnh: Sina).

Thiết bị chống UAV của lực lượng phòng vệ Đài Loan (Ảnh: Sina).

Tề Lạc Nghĩa, một nhà bình luận quân sự của Đài Loan, hôm 1/9 nói rằng các quan chức Đài Loan chưa bao giờ đáp lại những lời của Hồ Tích Tiến và không có điều nào trong số đó trở thành sự thật.

Ông Tề cho rằng Trung Quốc không muốn gây sự vào lúc này vì Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc sắp được tổ chức, ít nhất là không được phép để Hoa Kỳ làm bất cứ điều gì, điều đó thực sự bất lợi đối với Trung Quốc. Nếu có sự cố xảy ra vào thời điểm này, Đại hội 20 sẽ không thể diễn ra.

Theo quan điểm của ông Tề, Trung Quốc muốn sử dụng những hành động này để ép phía Mỹ không nâng cấp thêm quan hệ với Đài Loan.