Nhà thầu Trung Quốc: Nên hay không?

TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết thế giới nhận xét nhiều doanh nghiệp Trung Quốc làm ăn với đối tác theo “quan hệ” là chính chứ không dựa vào hợp đồng
Dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông do doanh nghiệp Trung Quốc làm tổng thầu bị chậm tiến độ nghiêm trọngẢnh: VĂN DUẨN
Dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông do doanh nghiệp Trung Quốc làm tổng thầu bị chậm tiến độ nghiêm trọngẢnh: VĂN DUẨN

Việc một doanh nghiệp Trung Quốc tiếp tục trúng thầu cung cấp đường ống nước bằng gang dẻo cho dự án xây dựng đường ống nước sông Đà số 2 (Hà Nội) tiếp tục dấy lên nhiều lo ngại về chất lượng công trình có nguồn gốc từ người bạn láng giềng này.

Thường gặp sự cố

Là người trực tiếp làm việc trong ngành xây dựng, TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết thế giới nhận xét nhiều doanh nghiệp Trung Quốc làm ăn với đối tác theo “quan hệ” là chính chứ không dựa vào hợp đồng. Quan hệ này tức là sự tin tưởng nhau, không cần ký kết hợp đồng chặt chẽ, chuyên nghiệp.

“Trong nhiều trường hợp, Việt Nam đã làm việc với đối tác Trung Quốc theo quan hệ kiểu này. Tôi nghĩ rằng chúng ta phải kiên quyết không cho cái lệ này vào Việt Nam khi làm ăn với Trung Quốc” - TS Liêm nói. Theo ông, khi ký kết hợp đồng cần đầy đủ, quy định rõ ràng trách nhiệm, ghi chú cả những trường hợp bất khả kháng như thiên tai, sự cố bất ngờ… để 2 bên có căn cứ thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi của mình. Tiếc rằng phía Việt Nam đã chưa thực sự tỏ ra chuyên nghiệp trong nhiều hợp đồng, dẫn đến tình trạng đối tác chây ì, chậm tiến độ, đội giá công trình…

Thêm một lý do nữa dẫn đến các dự án có yếu tố nước ngoài thường gặp sự cố hoặc “tai tiếng” - theo ông Liêm - là do công tác kiểm tra, giám sát của nhiều cơ quan chức năng chưa tốt chứ không hẳn do phía đối tác làm sai. “Đối với dự án đầu tư công ở các nước khác, cơ quan quản lý nhà nước không được tự quản lý mà phải thuê tư vấn quản lý. Đó là một đơn vị chuyên nghiệp, được đào tạo sâu về quản lý dự án bởi quản lý dự án thực tế là một môn học tương đối phức tạp. Còn người quản lý của chúng ta không hề chuyên nghiệp, thường được sắp xếp từ bộ phận khác sang” - TS Liêm phân tích.

Thậm chí, theo TS Phạm Sỹ Liêm, có một thực tế là ban quản lý dự án không có năng lực nhưng vẫn “ôm” lấy việc quản lý, giám sát vì có thể tận dụng để kiếm chác, xà xẻo. “Ở Trung Quốc, dự án công quá 5 triệu nhân dân tệ là bắt buộc phải thuê tư vấn quản lý; còn ở Việt Nam, năng lực không có mà cứ ôm lấy. Phải thay đổi tư duy quản lý ngay, nếu không thì nhận đủ thiệt thòi” - TS Liêm khuyến cáo.

Lấp lỗ hổng của luật pháp

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng - Bộ Xây dựng, ông Bùi Trung Dung, thừa nhận khi tổng kết Luật Xây dựng 2003, cơ quan soạn thảo của Chính phủ cùng với các hiệp hội đã chỉ ra rất nhiều thiếu sót dẫn đến chất lượng các công trình xây dựng bị ảnh hưởng. Do đó, Luật Xây dựng 2014 khi ban hành đã khắc phục được các hạn chế này về mặt pháp lý. “Nội dung về ban quản lý dự án đã được quy định trong luật là ban quản lý phải chuyên nghiệp, có năng lực chứ không phải cứ có công trình mới vội vàng thành lập ban quản lý dự án như trước kia” - ông Dung dẫn chứng.

Về khâu giám sát, Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng cho rằng chúng ta phải “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. “Chúng tôi đã nhận ra rằng chuyện chất lượng công trình xây dựng kém và chuyện nhà thầu nước ngoài có năng lực không tốt là do công tác quản lý dự án, công tác giám sát điều kiện hợp đồng của phía Việt Nam chưa ổn. Do đó, tôi đánh giá Luật Xây dựng đã khắc phục được điểm yếu này và hơn một năm nay, rõ ràng chất lượng công trình xây dựng đã tốt lên” - ông Dung nói.

Phân tích rõ thêm, ông Dung cho hay các quy định về đầu tư, xây dựng đã được ban hành kỹ càng hơn rất nhiều. Nếu như ngày trước cứ có vốn là “cuống cuồng” lên thực hiện dự án thì nay, vốn trung và dài hạn đều được công bố minh bạch theo quy định của Luật Đầu tư công để lên kế hoạch thực hiện hợp lý. Thêm nữa, chủ đầu tư phải chứng minh được nguồn vốn mình có mới đủ điều kiện đầu tư nên tình trạng “dây dưa”, kéo dài trong các dự án đã được hạn chế rất nhiều.

“Những hạn chế từ trong nước làm ảnh hưởng đến chất lượng dự án đã được hoàn chỉnh về mặt pháp luật và đang trong quá trình thực thi. Chúng tôi đang nắm tình hình thực hiện từng tháng, từng quý một để báo cáo Chính phủ, báo cáo Quốc hội điều chỉnh nếu cần” - ông Dung thông tin.

Nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm

Nhìn nhận về gói thầu đường ống sông Đà số 2, Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (Hà Nội) khẳng định theo Luật Đấu thầu và quy chế đấu thầu thì ai cũng có quyền tham gia, bất kể là nhà thầu trong nước hay ngoài nước. Tuy nhiên, phải tùy yêu cầu của từng gói thầu một để xem xét thầu. Trong trường hợp đường ống nước sông Đà, do có nhiều dư luận nên đề nghị hội đồng chấm thầu và hội đồng chọn thầu công bố công khai toàn bộ chỉ tiêu kỹ thuật của gói thầu. Trong đó, bao gồm chỉ tiêu kỹ thuật về ống, tuổi thọ của đường ống, độ an toàn, tuổi thọ công trình, giá cả, ngày khởi công và kết thúc... để sau này không bao giờ được đội giá nữa. Chỉ có như vậy người dân mới giám sát được tiến độ và chất lượng công trình.

Vì đã có tiền lệ đường ống số 1 vỡ tới 17 lần, ảnh hưởng lớn đến an ninh cuộc sống, an sinh xã hội của mười mấy ngàn hộ dân Hà Nội nên bắt buộc yêu cầu những người được chấm thầu, chỉ định thầu lần này phải chịu trách nhiệm toàn bộ với UBND TP Hà Nội và nhân dân Hà Nội về vấn đề chất lượng đường ống. Bất kỳ ai đứng ra chịu trách nhiệm về thi công gói thầu này cũng như chọn thầu, chấm thầu phải chịu trách nhiệm đến cùng trước pháp luật, dù đã nghỉ hưu!

Ông Bùi Trung Dung, Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng - Bộ Xây dựng:

Thận trọng nên ảnh hưởng tiến độ dự án

Tôi đánh giá kể cả nhà thầu Trung Quốc vẫn có thể vào Việt Nam bởi khi chính sách đã chặt chẽ hơn thì sẽ khắc phục được rất nhiều điểm đang tồn tại và tiêu cực như trong thời gian vừa qua. Chúng ta phải có cái nhìn khách quan, nhiều mặt để tìm ra cách khắc phục vấn đề, không cứ nhà thầu Trung Quốc thì mới có sự cố. Đại lộ Đông Tây, cầu Cần Thơ, nút giao cầu Thanh Trì… là của nhà thầu Nhật mà cũng vẫn xảy ra việc này việc khác.

Về đường ống nước sông Đà số 2, Xinxing là nhà thầu bán ống nước cho Việt Nam chứ không phải là nhà thầu thực hiện dự án. Như vậy, chỉ cần họ bảo đảm chất lượng, chúng ta kiểm tra, giám sát, chấm thầu đúng quy trình… thì không có gì phải lo ngại. Vật tư của Trung Quốc có phải cái gì cũng tồi đâu. Việt Nam có đủ năng lực, trình độ để kiểm soát thế nào là không tồi. Hơn nữa, đây là một dự án đầu tư xây dựng có yếu tố nước ngoài nên phải quản lý theo quy chuẩn nước ngoài và pháp luật trong nước. Tại thời điểm này, ban quản lý dự án chính vì khá thận trọng nên cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch (TP HCM):

Không nên ác cảm chung chung

Lâu nay, chúng ta bị lệch lạc khi chỉ xem xét đến vấn đề giá thầu và ngay trong Luật Đấu thầu cũng đã nêu ý kiến về việc tiền nào của nấy, dự án giá rẻ nhưng cuối cùng lại đắt. Dự án giá rẻ nhưng cuối cùng chất lượng kém, kéo dài thời gian thành đắt và đây là bài học nhãn tiền. Nếu đấu thầu những công trình mà chỉ dựa vào giá sẽ là lợi bất cập hại. Giá chỉ là một điểm tham khảo, còn yếu tố quan trọng hơn, đó là thời gian và đây chính là tiền bạc. Tuy nhiên, chúng ta xem thường vấn đề này và theo tôi, chúng ta cũng nên học Trung Quốc ở thời gian. Họ làm 3 ca chứ không làm 1 ca như chúng ta hay những tòa nhà ở đô thị dưới 6 tầng thì họ quy định không được xây quá 6 tháng.

Nói riêng về vấn đề nhà thầu Trung Quốc, lâu nay chất lượng của nhiều công trình nhà do thầu Trung Quốc thi công quá kém dẫn đến tâm lý của người dân cảm thấy sợ. Từ xi măng lò đứng tới nhà máy điện, đường sắt trên cao…, nhà thầu Trung Quốc làm giá rẻ nhưng cuối cùng lại kéo dài thời gian thi công, đội giá lên đã làm cho người ta mất cảm tình. Tuy nhiên, nên nhìn cụ thể và không nên ác cảm chung chung. Khi xét duyệt một dự án, phải nhìn xem công nghệ của đơn vị đó sử dụng như thế nào, thời gian ra sao…                             

Ph.Nhung ghi

Theo NLĐ