Một tổ chức khủng bố có khả năng phát triển với tốc độ chóng mặt, đe dọa cả thể giới như “nhà nước Hồi giáo”, ngay cả liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu không làm chúng chậm phát triển, đó là vấn đề lớn.
Nga bắt đầu tiến hành trận chiến chống một tổ chức cực đoan tôn giáo, hiện diện như một lực lượng khủng bố quốc tế. Những ngày qua, có thể thấy Nga sử dụng rất hiệu quả lực lượng không quân của mình chống tổ chức “nhà nước Hồi giáo”, theo truyền thông đại chúng, có vẻ như các lực lượng khủng bố đang có những tổn thất nặng nề. Nhưng có thể vấn đề không đơn giản như vậy.
Thực lực lực lượng “nhà nước Hồi giáo” thế nào? Các chiến binh IS được trang bị đến 20% là vũ khí Mỹ, những loại vũ khí điển hình mà IS có trong tay là súng trường tấn công M-16 ХМ15Е2S.
Vũ khí trang bị nói chung của IS khá đa dạng, bao gồm từ súng lựu đạn chống tăng M-79 "Hornet" 90 mm, sản xuất ở Nam Tư, được cung cấp cho Saudi Arabia, phe đối lập với tên gọi là “Quân đội Syria tự do” sở hữu vào năm 2013 và sau đó chúng xuất hiện ở nhóm IS. Các loại vũ khí như súng tiểu liên Kalashnikov, súng phóng lựu RPG các loại cũng được trang bị khá phổ biến, có cả súng bắn tỉa Croatia, Trung Quốc như Type 79.
Hơn nữa, lực lượng khủng bố Syria sở hữu những loại vũ khí mạnh hơn như súng máy hạng nặng như DShK từ nhiều nguồn sản xuất. Súng phòng không hạng nhẹ như ZU- 23-2 (tổ hợp súng phòng không hạng nhẹ 23 mm hai nòng).
Trong sở hữu vũ khí của IS còn có các tổ hợp tên lửa vác nổi tiếng như "Stinger", "Strela-2" và "Igla", các loại tên lửa vác này IS đoạt được từ các kho vũ khí của Iraq và Syria. Tầm bắn hiệu quả có thể đến 5 km.
Các lực lượng khủng bố cũng chiếm được một số tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại hơn như “Cube”, có thể chưa có chuyên gia kỹ thuật và lực lượng được huấn luyện để khai thác sử dụng, nên không xuất hiện. Cho đến hôm nay, chưa có biểu hiện của vũ khí phòng không, dù là phòng không tầm thấp có thực lực đáng kể. Nhưng việc sử dụng tên lửa vác như Stringer, Strela, Igla hoàn toàn có khả năng xảy ra nay, mai.
Lực lượng IS chiếm giữ được khá nhiều xe tăng, xe bọc thép khác nhau từ Iraq và Syria, trong đó, ngoài T-55, T-72, các xe bộ binh cơ giới khác như BMP-1, BMP-2 còn có các xe thiết giáp địa hình, xe tăng Mỹ điển hình là Abrams M1A1 từ Iraq. Có thông tin cho rằng chúng đã được đưa đến Syria nhưng cho đến thời điểm này, trinh sát đường không chưa phát hiện được. Theo thông tin trên mạng của IS thì chiến binh “nhà nước Hồi giáo” sở hữu đến 140 chiếc Abrams, con số này vì nguyên nhân nào đó cũng được Mỹ thừa nhận. Nhưng số tăng đó ở đâu vẫn chưa rõ ràng?
Tổ chức khủng bố IS cũng đã từng khoe khoang đã chiếm được tên lửa “Scud” có khả năng bắn tới mọi điểm trên toàn bộ lãnh thổ Syria. Nhưng việc chiếm được khác với việc sử dụng được, vấn đề vẫn chưa rõ ràng rằng hiện nay tổ hợp tên lửa “Scud” đó ở đâu? Liệu IS có khả năng sử dụng không?
Một con số khác cũng không rõ ràng, đó là quân số của IS được coi là có từ 38 nghìn đến 50 nghìn quân. Nhưng đó là nhiều nhóm khủng bố từng tuyên thệ trung thành với Caliphate hay chỉ một nhóm thuần nhất? đó cũng là vấn đề cần phải làm rõ.
Một điểm khá rõ ràng là – sức mạnh của IS dựa chủ yếu trên sợ hãi. Đại tá Anatoly Matveichuk, cựu cố vấn quân sự Nga tại Syria cho rằng: Các hình thức hành quyết tập thể, thảm sát hàng loạt có mục đích chính xác là reo rắc sự sợ hãi. Sự sợ hãi đã tước đi một phần khả năng chống cự của con người khi đối mặt với sự tàn bạo. Đó là một phần của chiến tranh thông tin.
Người dân Syria thực sự kinh khiếp sự tàn bạo của IS, những người lính đảo ngũ sang bên IS hoặc chạy trốn, di tản một phần cũng vì không có được cảm giác an toàn ở sau lưng, không thấy được sự ủng hộ thật sự. Chính vì vậy, khi Nga chính thức không kích tổ chức IS, người dân, binh sĩ Syria cảm thấy vững tâm hơn, quân nhân Syria nhờ có sự ủng hộ giúp đỡ của Nga đã lấy lại được ý chí và họ sẽ chiến đấu không tồi.
Trên thực tế, IS là một lực lượng thật sự nguy hiểm. Nguy hiểm chủ yếu đó là sự cực đoan cuồng tín và sự giật dây, ủng hộ từ phía các thế lực phản động bên ngoài. Nguồn gốc của nó bắt đầu từ cuộc chiến trang ở Iraq do Mỹ và liên minh tiến hành chống ông Saddam Hussein.
Trong sự hỗn loạn ở Iraq vào năm 2004, các nhóm thánh chiến có ảnh hưởng nhất trong nước, "Jamaat al-Tawhid wal-Jihad" do Abu Musab al-Zarqawi, gia nhập "Al Qaeda" và trở thành chi nhánh của tổ chức khủng bố nổi tiếng thế giới này. Hai năm sau, dưới sự bảo trợ của "al-Qaeda" ở Iraq đã thành lập tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo".
Hai sự kiện năm 2011 đã khiến IS nổi lên mạnh mẽ – Mỹ rút quân khỏi Iraq và bùng nổ nội chiến, tư tưởng “nhà nước Hồi giáo” được phổ biến rộng rãi trong các nhóm khủng bố cực đoan. Các tổ chức khủng bố ở Algeria, Ai Cập, Philippines, Pakistan và các nước khác đều thề trung thành với “nhà nước Hồi giáo”.
Nhóm đầu tiên tham gia IS, là nhóm chiến binh từ Trung Á, "Sabri Jamaat". một số nhóm nhỏ của các nhóm cực đoan "Al-Qaeda ở bán đảo Ả Rập" và "Al-Qaeda ở Maghreb Hồi giáo" tuyên bố ủng hộ IS, nhóm thánh chiến Philippines "Abu Sayyaf," Pakistan "Jamaat-ul-Ahrar," Sinai "Ansar Beit al-Maqdis" Nigerian "Boko haram" và Algeria "Al-Murabitun " tuyên bố trung thành với Caliphate “nhà nước Hồi giáo”.
Tháng 6 năm 2015, thủ lĩnh một số nhóm vũ trang ở Dagestan, Chechnya, Ingushetia, Kabardino-Balkaria và Karachay-Cherkessia thề trung thành với IS. Những kẻ khủng bố của nhóm gọi là "Tiểu vương quốc Caucasus" cũng tuyên thệ trung thành. Sau đó, thủ lĩnh IS tuyên bố thành lập tỉnh (wilayat) ở Bắc Kavkaz. Tất cả các nhóm khủng bố này đều đã có những tội ác trên mảnh đất quê hương và là những tổ chức bị tuyên khủng bố trên toàn thế giới.
Trên chiến trường hiện nay ở Syria có bốn lực lượng có sức mạnh chủ chốt: quân chính phủ Syria, dân quân người Kurd, “Mặt trận Hồi giáo” ", "Jabhat al-Nusra” và IS. Mỗi lực lượng này hầu như phải chiến đấu ít nhất trên ba mặt trận, quân đội chính quyền Syria chiến đấu chống “mặt trận Hồi giáo”, "Jabhat al-Nusra” và IS, người Kurd chống “mặt trận Hồi giáo”, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và IS. Nhưng kẻ thù trực tiếp của người Kurd là IS và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Nội chiến còn có sự tham gia của lực lượng "Hezbollah" và có thể có một số đơn vị nhỏ lực lượng quân đội Iran, nhưng chủ yếu hoạt động trên biên giới với Lebanon, trên thực tế thực hiện vai trò của lực lượng quân sự - biên phòng chống lại các nhóm khủng bố dọc biên giới, phối hợp với quân đội Syria.
Trong sự hỗn độn các lực lượng đối lập nhau ở Syria, Nga trong chiến dịch không kích ủng hộ Syria có sứ mệnh trước mắt là tiêu diệt tổ chức khủng bố IS, Nga không gộp lực lượng “quân đội Syria tự do” hoặc các tổ chức chống chính phủ khác vào mục tiêu chính, ngoại trừ chúng có biểu hiện tấn công lực lượng Nga hoăc liên minh lại với tổ chức IS.
Những ngày vừa qua, đòn không kích của Nga đã có những hiệu quả đáng kể: hủy diệt hoàn toàn 50 căn cứ, vị trí của IS. Tiêu diệt các sở chỉ huy, hầm ngầm trú quân, kho tàng vũ khí và đường cơ động ngầm của lực lượng khủng bố. Diệt nhiều binh lực và sinh lực không phải là điều trọng tâm. Vấn đề quan trọng là hủy diệt hạ tầng quân sự, vũ khí trang bị, phương tiện chiến tranh và tâm lý cuồng tín của kẻ thù.
Một điều rất rõ là: những đòn không kích của Nga cùng hệ thống truyền thông, cung cấp thông tin đã có hiệu quả, trong hàng ngũ của khủng bố bắt đầu có hiện tượng đảo ngũ hàng loạt và bỏ chạy khỏi vị trí chiến đấu.
Một điểm quan trọng là: những hoạt động tác chiến ở Syria xuất phát từ kinh nghiệm chiến đấu của quân đội Xô viết trên chiến trường Afganistan. Một trong những bài học đẫm máu là các đường giao thông ngầm Mujahideen. Đặc điểm đặc trưng ở Trung Đông là những đường hầm dẫn nước nhằng nhịt dưới lòng đất đã trở thành đường cơ động di chuyển, xây dựng kho tàng, sở chỉ huy bí mật. Cách duy nhất để ngăn chặn là hủy diệt đường hầm, đó không phải nhiệm vụ dễ dàng. Lần này người Nga phải sử dụng bom xuyên bê tông có điều khiển sử dụng thuốc nổ đặc biệt chống hầm ngầm.
Lực lượng khủng bố IS có được hệ thống ngầm, đường hầm vững chắc như một sự thừa kế từ các lực lượng chống chính phủ khác và từ nền văn minh cổ đại. Trong các thành phố của Syria có những công trình ngầm có từ thời cổ đại và trung cổ, đồng thời có cả những đường hầm mới xây dựng cùng với các cửa bí mật, các lỗ hỏa lực. Có nơi các khu phố gắn liền với các đường hầm thành một hệ thống thống nhất.
Điều này thật đặc biệt vì để tổ chức như vậy phải có các chuyên gia xây dựng và quy hoạch hệ thống trình độ cao và có công nghệ ứng dụng. Những người này ở Syria và trong hàng ngũ IS không có, cần phải có các chuyên gia chiến tranh đường ngầm, chiến tranh đường phố và quy hoạch bố trí tổ chức. Những kẻ khủng bố không làm việc này.
Để đào, kết nối và quy hoạch đường hầm cần có radar địa chất, máy đo kinh vĩ, phương tiện hiện đại cho những hoạt động quy mô lớn dưới lòng đất. Những kẻ khủng bố không có được chuyên môn sâu về việc này, làm được những công trình lớn phải là các chuyên gia đường ngầm của các nước phát triển, có điều kiện kinh tế mạnh và đã tham gia xây dựng đường hầm. Tất nhiên đó chỉ có thể là các nhóm kỹ sư nước ngoài có được sự hỗ trợ của những thế lực rất lớn.
Chiến thằng và tiêu diệt được lực lượng tác chiến trong các công trình ngầm, có đường giao thông, nguồn điện, hệ thống thông gió và dự trữ lương thực thực phẩm vô cùng khó khăn hoặc có thể nói là không thể. Chính vì vậy những cuộc chiến giằng co kéo dài suốt nhiều năm ở những địa bàn then chốt của Syria.
Trong khu vực gần Barzov, quân đội Syria đã tìm thấy một đường hầm nằm ở độ sâu 12 m, có chiều rộng và chiều cao lớn đến mức xe ô tô và xe tăng có thể cơ động thoải mái. Ở Homs là nơi có nhiều đường hầm nối liền với nhau lan tỏa khắp thành phố, đây thực sự là một thành phố ngầm dưới lòng đất và được bảo vệ rất tốt. Cho đến thời điểm Nga không kích Syria, trên thế giới chưa có công nghệ quân sự nào tác chiến hiệu quả chống chiến tranh du kích đường hầm. Nhưng mọi sự có thể đã thay đổi khi Nga tấn công bằng bom xuyên bê tông có độ chính xác cao BETАB-500, có năng lực phá hủy và tiêu diệt mọi sinh lực trong hầm.
Địa hình Syria mang nét đặc trưng của vùng đồng bằng, sa mạc, vùng cao và cao nguyên, chủ yếu tương tự như Afghanistan, khó khăn cho tác chiến trên mặt đất, dễ dàng gánh chịu tổn thất. Có lẽ vì vậy, Bộ tổng tham mưu Quân đội Nga đã lựa chọn phương án tối ưu rút ra từ Afganistan và Chesnia – không kích với hỏa lực mạnh, chính xác, có hiệu suất tiêu diệt binh lực cao trong không gian đường hầm hẹp kết hợp với tuyên truyền vận động, gây xung đột giữa các nhóm vũ trang, dồn ép tinh thần buộc chúng phải chạy trốn hoặc bị tiêu diệt.
Những khó khăn khó tưởng tượng sẽ đến trong nay mai, có thể cùng với tổn thất về phương tiện chiến tranh, binh lực. Vấn đề then chốt vẫn là, không quân Nga phối kết hợp chặt chẽ với quân đội Syria tiêu diệt Caliphate – nhà nước Hồi giáo.Chỉ khi nào lực lượng chủ chốt này bị tiêu diệt, những khả năng tiếp theo làm bình ổn tình hình Syria - Iraq nói riêng và Trung Đông nói chung mới xuất hiện.
Theo QPAN