Nguồn cơn cho khoản lỗ nghìn tỷ đồng của Lọc hóa dầu Bình Sơn trong quý 4/2018. (Ảnh: Internet) |
Tại văn bản giải trình gửi tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) và Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. HCM (HoSE), BSR cho biết trong quý 4/2018, nhà máy lọc dầu này đã đạt sản lượng tiêu thụ lên đến hơn 1,882 triệu tấn sản phẩm các loại, tương ứng tăng 18,4% so với Quý 3/2018.
Sản lượng tăng đáng kể là thế, nhưng trái ngược với con số lợi nhuận nghìn tỷ đồng ghi nhuận trong quý 3, BSR lại bị lỗ "khủng" vào quý cuối năm.
Cụ thể, quý 4/2018, theo BCTC hợp nhất, BSR lỗ ròng (sau thuế) 1.026 tỷ đồng. Còn theo BCTC riêng, số lỗ tương ứng là 1.016 tỷ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu của nghịch lý trên, theo BSR, đến từ việc "giá dầu thô và giá sản phẩm giảm đột ngột và nhanh trong thời gian ngắn".
"Giá dầu thô (Dated Brent) giảm từ 86,16USD/thùng tại ngày 4/10/2018 xuống còn 50,21 USD/thùng tại ngày 28/12/2018, tương đương giảm gần 36 USD/thùng (giảm 42%) đã làm cho giá sản phẩm giảm theo, như giá xăng Mogas 92 từ 91,81 USD/thùng, còn 53,78 USD/thùng, giảm 38,03 USD/thùng" - P.TGĐ BSR Đặng Thái Hà viết trong báo cáo giải trình.
Mà theo BSR, do đặc thù về sản xuất, chế biến liên tục của Nhà máy lọc dầu, nên tổng công ty này luôn phải duy trì một lượng dầu thô và cần thời gian chế biến để từ dầu thô cho ra sản phẩm xuất bán. “Điều này dẫn đến khi giá dầu thô và sản phẩm giảm thì giá vốn bị ảnh hưởng của tồn kho có giá cao hơn giá thị trường. Ảnh hưởng này ngược lại khi giá thị trường dầu mỏ tăng”- BSR lý giải.
Bên cạnh đó, BSR còn chịu tác động từ tháng 10/2018, trên thị trường dầu mỏ, khoảng chênh lệch giữa giá dầu thô và giá các sản phẩm chính (Crack margin) suy giảm nghiêm trọng, có những thời điểm giá xăng Mogas 92 thấp hơn cả giá dầu thô Dated Brent đã khiến cho hiệu quả sản xuất kinh doanh các tháng cuối năm của doanh nghiệp bị giảm sút mạnh.
Cụ thể, lợi nhuận gộp (Doanh thu-Giá vốn hàng bán) quý 4/2018 lỗ 812 tỷ đồng (trong đó trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho là 310 tỷ đồng) đã làm cho lợi nhuận sau thuế quý 4/2018 lỗ 1.016 tỷ đồng trên Báo cáo tài chính riêng. Đây cũng là nguyên nhân trực tiếp làm cho lợi nhuận sau thuế lỗ 1.026 tỷ đồng trên Báo cáo tài chính hợp nhất.
"Để ứng phó với biến động này, Công ty đã chủ động, linh hoạt trong việc thực hiện các giải pháp xử lý như thúc đẩy bán hàng, giảm hàng tồn kho để giảm thiểu tác động giá dầu giảm, đồng thời thực hiện các giải pháp hỗ trợ như tiếp tục kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất kinh doanh khác", P.TGĐ Đinh Thái Hà cho biết.
Kết quả tiêu cực trong quý 4 đã ảnh hưởng đáng kể đến thành tích lợi nhuận cả năm của BSR, tuy vậy, doanh nghiệp này vẫn ghi nhận một kết quả kinh doanh không đến nỗi tồi trong năm vừa qua.
Theo đó, lũy kế cả năm 2018, tổng doanh thu của BSR đạt 110.951 tỷ đồng, với giá trị lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 3.572 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận thuộc về công ty mẹ là 3.630 tỷ đồng.
Nhưng cũng phải lưu ý rằng đó mới là các kết quả mang tính tự lập của doanh nghiệp, chứ chưa qua soát xét của đơn vị kiểm toán./.