Thông tin trên được TS. Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết tại cuộc họp nhóm đối tác y tế về tham vấn Dự thảo Luật Khám bệnh, Chữa bệnh (sửa đổi) do Bộ Y tế tổ chức sáng nay, 21/11.
Nhiều nội dung sửa đổi mới
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Luật Khám bệnh, Chữa bệnh lần đầu tiên dược Quốc hội thông qua đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, sau gần 10 năm thực hiện, Luật đã phát sinh một số hạn chế, bất cập: một số quy định chưa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ; không phù hợp với quy định quốc tế.
Do đó, Bộ Y tế đã xây dựng Dự thảo Luật Khám bệnh, Chữa bệnh (sửa đổi) để nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.”
TS. Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế
|
Theo TS. Quang, các nội dung sửa đổi lớn trong Dự thảo Luật Khám, Chữa bệnh gồm: Đổi mới đào tạo chuyên khoa đặc thù gắn với tổ chức thi đánh giá năng lực trước khi cấp chứng chỉ hành nghề; phân tuyến chuyên môn kỹ thuật theo 3 cấp, chuyển giá dịch vụ khám, chữa bệnh từ tính theo hạng bệnh viện sang tính theo chất lượng cơ sở khám, chữa bệnh; cải cách thủ tục hành chính trong cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động trên cơ sở giảm bớt thủ tục hành chính và phân cấp triệt để cho địa phương thực hiện.
Giải pháp đột phá để bảo vệ bác sĩ
Thời gian qua, tình trạng bác sĩ bị bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tấn công đã gây xôn xao dư luận.
“Nguyên nhân chính khiến các vụ việc người nhà bệnh nhân bạo hành bác sĩ vẫn diễn ra là vì một bộ phận người dân đã “nhờn luật”; có sự băng hoại về đạo đức, người nhà bệnh nhân không hiểu giá trị của việc các bác sĩ đang ngày đêm tận tình chăm sóc, cứu chữa cho người bệnh. Khi các vụ việc xảy ra thì bệnh nhân chính là người chịu thiệt thòi vì không được khám, chữa bệnh kịp thời.” – TS. Quang cho hay.
Toàn cảnh cuộc họp
|
Vì vậy, trong Dự thảo Luật Khám bệnh, Chữa bệnh (sửa đổi) đã quy định: Người có hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng hoặc xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhân viên y tế là hành vi chống người thi hành công vụ sẽ bị xử lý hành chính, hình sự theo quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, người có hành vi vi phạm buộc phải xin lỗi công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại nơi cư trú, nơi làm việc hoặc tại cơ sở khám, chữa bệnh, nơi người đó có hành vi xâm phạm tinh thần, sức khỏe, tính mạng của thầy thuốc, nhân viên y tế.
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng Luật
TS. Kidong Park – Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam - chia sẻ: “Cuộc họp hôm nay là cơ hội để trao đổi, tham vấn các nội dung chính về Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Trong 10 năm qua, ngành Y tế Việt Nam đã có những thay đổi tích cực. Dự thảo Luật Khám bệnh, Chữa bệnh (sửa đổi) sẽ đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ở Việt Nam, xây dựng những cơ sở y tế có chất lượng tốt, lấy người dân làm trung tâm của hoạt động khám, chữa bệnh.”
TS. Kidong Park – Trưởng Đại diện tổ chức y tế thế giới tại Việt Nam
|
Chia sẻ về kinh nghiệm quốc tế về một số nội dung trong Dự thảo Luật Khám bệnh, Chữa bệnh (sửa đổi), TS. Annie Chu (Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam) thông tin: Phạm vi của Luật Khám bệnh, Chữa bệnh sẽ được xác định thông qua quá trình quản trị hệ thống y tế (phân công nhiệm vụ, chức năng, trách nhiệm); quy định pháp luật về quyền của người bệnh và bác sĩ, các cơ sở y tế phải đảm bảo chăm sóc sức khỏe liên tục.
Trong quá trình giải quyết tranh chấp y khoa cần xây dựng cơ chế hiệu quả, làm rõ phạm vi, trách nhiệm của bác sĩ trong khám, chữa bệnh.