Ngoại trưởng Ukraine: Quân đội Ukraine hiện mạnh thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – "Ukraine đã được chứng minh là có một trong những quân đội mạnh hàng đầu thế giới, có lẽ là quân đội hùng mạnh thứ hai, chỉ đứng sau Mỹ" – đó là khẳng định của ông Dmytro Kuleba trên đài NBC .
Ông Kuleba trả lời phỏng vấn của Đài NBC (Ảnh: Twitter).
Ông Kuleba trả lời phỏng vấn của Đài NBC (Ảnh: Twitter).

Ngày 10/4, theo giờ địa phương, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba khi trả lời phỏng vấn chương trình "Meet the Press" (Gặp gỡ báo chí” của hãng truyền hình Mỹ NBC đã nói, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã chứng tỏ sức mạnh của quân đội Ukraine "chỉ đứng sau mỗi Mỹ". Ông nhân cơ hội này yêu cầu phương Tây viện trợ vũ khí, nói rằng “chính cuộc chiến đấu của Ukraine đã khiến các nước phương Tây không phải đối đầu với Putin”.

Ông Kuleba cũng một lần nữa đề cập đến việc NATO từ chối kết nạp Ukraine, cho rằng việc Đức và Pháp năm 2008 từ chối Ukraine gia nhập NATO là một "sai lầm chiến lược" của hai nước và Ukraine đã phải trả giá cho điều đó. "Nếu chúng tôi là thành viên của NATO, chiến tranh đã không xảy ra."

Trong cuộc trả lời phỏng vấn được thực hiện qua mạng, ông Kuleba đã ca ngợi những biểu hiện của quân đội Ukraine trong cuộc xung đột Nga-Ukraine và gọi việc Nga rút quân khỏi phía bắc Kiev là một chiến thắng của quân đội Ukraine.

Ông Kuleba khi trả lời phỏng vấn trong chương trình Meet the Press của NBC.

Ông Kuleba khi trả lời phỏng vấn trong chương trình Meet the Press của NBC.

"Thực tế là chúng tôi biết cách chiến đấu như thế nào và chúng tôi có khả năng chiến đấu", ông Kuleba nói trong chương trình: "Tôi tin rằng không hề quá lời khi nói rằng Ukraine đã được chứng minh là quốc gia có một trong những quân đội mạnh nhất thế giới; có lẽ là quân đội hùng mạnh thứ hai chỉ sau Mỹ. Điều này không phải về quân số, mà là bởi kinh nghiệm chiến đấu và khả năng tác chiến."

Ông Kuleba cũng đã nhân cơ hội này để yêu cầu các nước phương Tây viện trợ vũ khí, và thẳng thừng gọi đây là một "vụ giao dịch công bằng".

Ông Kuleba nói: “Những gì chúng tôi cần là cung cấp cho chúng tôi những loại vũ khí tiên tiến nhất. Vì vậy chúng tôi đề nghị phương Tây và NATO đưa ra một giao dịch công bằng: các ngài cung cấp cho chúng tôi tất cả những gì chúng tôi cần được viện trợ, chúng tôi chiến đấu; như thế các ngài không phải đứng ra đối đầu với Putin."

Ông Kuleba cũng cho biết nói trong cuộc phỏng vấn rằng Đức và Pháp đã mắc "sai lầm chiến lược" (strategic mistake) khi từ chối chấp nhận Ukraine gia nhập NATO vào năm 2008.

Truyền thông Mỹ đưa tin về tuyên bố của ông Kuleba.

Truyền thông Mỹ đưa tin về tuyên bố của ông Kuleba.

Tại hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2008 ở Bucharest (Romania), Mỹ đề xuất cho Ukraine và Gruzia gia nhập NATO, nhưng không thành công do bị Đức và Pháp phản đối. Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhân sự việc này chỉ trích nặng nề các chính trị gia Đức và Pháp lúc bấy giờ sợ Nga, nhằm xoa dịu Nga mà đã phạm sai lầm và khiến Ukraine rơi vào vực thẳm chiến tranh sau 14 năm.

Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel, người đã từ chức đã đáp lại thông qua phát ngôn viên của mình rằng bà vẫn khẳng định rằng quyết định của mình tại hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2008 là đúng đắn.

Khi trả lời phỏng vấn NBC, ông Kuleba lặp lại giai điệu cũ và vẫn không từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO.

Ông nói: "Nếu chúng tôi là thành viên NATO, cuộc chiến tranh này đã không xảy ra". "Đức và Pháp đã mắc sai lầm chiến lược vào năm 2008 khi bác bỏ nỗ lực của Mỹ và các đồng minh khác trong việc đưa Ukraine vào NATO, nay chúng ta đang phải trả giá đắt về điều đó. Nhưng không phải Đức và Pháp phải trả giá cho sai lầm này mà chính là Ukraine”.

Ông Dmytro Kuleba và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.

Ông Dmytro Kuleba và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.

Ông Kuleba cũng ra sức ca ngợi Mỹ, nói rằng Mỹ "đã làm nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới khi cung cấp cho chúng tôi những vũ khí cần thiết". Ông thúc giục vũ khí cần được cung cấp nhanh hơn và các bên liên quan đang mất quá nhiều thời gian để thảo luận xem rốt cục cần cung cấp vũ khí tấn công hay phòng thủ cho Ukraine.

Trước đó, tại hội nghị ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh NATO, ông Kuleba đã chỉ trích Đức viện trợ quân sự không đầy đủ cho Ukraine và tiến hành "phân biệt một cách sai trái" vũ khí phòng thủ và vũ khí tấn công.

Ông Kuleba mạnh mẽ thúc giục phương Tây viện trợ vũ khí cho Ukraine và nhận được sự ủng hộ của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Trong cuộc phỏng vấn với cơ quan truyền thông Anh Daily Telegraph ngày 9/4, ông phê phán viện trợ của Đức cho Ukraine là "bảo thủ", nói rằng viện trợ quân sự cho Ukraine không nên phân biệt vũ khí "phòng thủ" và "tấn công", "Ukraine sử dụng tất cả các loại vũ khí đều là để phòng thủ."

Ông Stoltenberg cũng nói rằng NATO đang hoạch định kế hoạch đóng quân thường trực ở biên giới sườn phía đông của liên minh quân sự này để đối phó với cuộc xung đột Nga-Ukraine. Ông tuyên bố rằng kể từ sau cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014, NATO đã cung cấp sự tăng viện lớn nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, hiện đang tìm cách biến sự "tăng viện" (reinforcement) đó thành một sự "thiết lập lại" (reset) có tính cơ bản, thay đổi vai trò của quân đội các nước thành viên Đông Âu từ "đóng vai trò trói chân" trong trường hợp bị Nga tấn công chuyển thành "lực lượng uy hiếp toàn diện".

Tên lửa chống tăng Javelin được chở đến Ukraine với mức 500 quả/ngày.

Tên lửa chống tăng Javelin được chở đến Ukraine với mức 500 quả/ngày.

Sau khi Nga bắt đầu “Chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, Mỹ và các nước NATO đã viện trợ số lượng rất lớn vũ khí, trang thiết bị quân sự cho Ukraine. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby nói trong cuộc họp báo ngày 6/4 rằng kể từ tháng 8/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phê duyệt 6 đợt viện trợ thiết bị quân sự cho Ukraine. Đặc biệt từ sau khi Nga tiến hành “Chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, tổng số tiền Mỹ viện trợ cho Ukraine đã vượt quá 1,7 tỷ USD. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg gần đây cũng cho biết NATO đang cung cấp tên lửa phòng không, vũ khí chống tăng và các viện trợ khác cho Ukraine, và các nước NATO sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine những vũ khí, thiết bị quân sự cần thiết bao gồm hàng ngàn xe tăng, thiết giáp do Liên Xô chế tạo trước đây.

Bà Jen Psaki, Thư ký báo chí Nhà Trắng cũng đưa ra số liệu cụ thể gây bất ngờ khi cho biết, chỉ riêng số lượng tên lửa chống tăng mà Mỹ và phương Tây cung cấp cho Ukraine đã nhiều gấp 90 lần số lượng xe tăng của Nga ở Ukraine. Tức là trung bình mỗi xe tăng Nga sẽ phải đối mặt với mối đe dọa của 90 quả tên lửa chống tăng.

Ngoài ra, đối với lực lượng xe thiết giáp của Nga ở Ukraine, Mỹ đã cung cấp số lượng vũ khí chống thiết giáp nhiều hơn gấp 3 lần, nếu được đồng minh hỗ trợ thêm về quân sự thì số lượng vũ khí chống thiết giáp trong tay Ukraine dùng để đối phó xe bọc thép của Nga sẽ là 25/1 (tức cứ 1 xe thiết giáp Nga có tới 25 vũ khí chống thiết giáp đối phó).