Ngoại trưởng Nhật tới ASEAN mở đường sự hiện diện ở khu vực

Sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông giúp Nhật Bản tái lập vị thế ở Đông Nam Á theo hướng tích cực và đáng tin cậy.
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida . Ảnh: Kyodo
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida . Ảnh: Kyodo

Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida sẽ tới thăm một loạt nước ASEAN từ ngày 2/5 cho tới 6/5 trong chuyến đi nhấn mạnh tầm quan trọng của các nước Đông Nam Á đối với Tokyo. 

Chính sách của Nhật với khu vực đã được giới chuyên gia gọi là "chuyển trục" và trong ngày hôm nay ông Kishida sẽ có bài phát biểu quan trọng tại ĐH Chulalongkorn ở Bangkok để nêu chi tiết chiến lược này.

Nguyên nhân thay đổi quan trọng nhất của Nhật chính là do các động thái hung hăng ngày càng cứng rắn của Trung Quốc ở cả biển Hoa Đông và Biển Đông.

Chuyến đi “tăng cường quan hệ”

Các nước ở Đông Nam Á nhìn nhận Nhật như một nước đối trọng quan trọng, phần nào đó là bảo hộ, trong quan hệ với Trung Quốc. Với Tokyo, Đông Nam Á là những đồng minh để họ không đơn độc trong bàn cờ khu vực với Bắc Kinh. 

Sau nhiều thập kỷ thúc thủ chủ yếu tập trung kinh tế, trong những năm gần đây, Nhật Bản tiếp tục thể hiện vai trò trong việc hình thành trật tự khu vực.

The Nation trích lời quan chức cấp cao của chính phủ Nhật Bản cho biết, chuyến đi của ngoại trưởng Nhật là để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ cũng như mở đường cho sự hiện diện của Nhật Bản trong khu vực.

Thái Lan là điểm dừng chân đầu tiên của ông Kishida trong chuyến công du. Ngoài Thái Lan, ngoại trưởng Nhật cũng sẽ thăm và làm việc tại Myanmar, Lào và Việt Nam. Nguồn tin của Zing.vn cho biết ông Kishida sẽ đến Việt Nam trong hai ngày 5-6/5. 

Trên thực tế, sự trỗi dậy mạnh của Trung Quốc trong tham vọng bành trướng trên Biển Đông và biển Hoa Đông tạo lý do cho Nhật đẩy mạnh chính sách tự chủ quân sự. Phe cứng rắn ở Nhật đã lên nắm quyền sau những căng thẳng ở Senkaku/Điếu Ngư. 

Trỗi dậy nhờ sự hung hăng của Trung Quốc

Sau nhiều thập kỷ theo đuổi chiến lược phi quân sự và phụ thuộc hoàn toàn vào sự bảo hộ quân sự từ Mỹ, Nhật Bản đang chứng tỏ sức mạnh quân sự và tích cực hơn trong hình thành trật tự trong khu vực.

Tuy nhiên, trái với những gì diễn ra những thập niên đầu thế kỷ 20, Nhật Bản đang có những đóng góp trách nhiệm và đáng tin cậy vào việc duy trì trật tự cơ bản do Mỹ dẫn đầu ở châu Á.

Trong bối cảnh nhiều người tỏ ra nghi ngờ khả năng kiềm tỏa Trung Quốc của Mỹ, vai trò tái cân bằng của Nhật Bản trở nên rất cần thiết trong khu vực.

Tokyo cũng đang tăng cường quan hệ đối tác với các nước ASEAN và nhận được sự hoan nghênh nhiệt tình cho vai trò mới.

Ngoại trưởng Nhật tới ASEAN mở đường sự hiện diện ở khu vực ảnh 1

Tàu khu trục trực thăng JS Ise của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản. Ảnh:Kyodo

Trở lại năm 2012, khi thế giới tranh cãi xung quanh việc tái vũ trang của Nhật Bản, Philippines công khai ủng hộ Tokyo. Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario nêu rõ: “Chúng tôi đang tìm các yếu tố cân bằng cho khu vực và Nhật Bản có thể là một trong số đó”.

Trên thực tế, chính sách an ninh mới của Nhật Bản đã gửi thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc. Nếu Bắc Kinh xung đột với Manila, họ sẽ phải hứng chịu một loạt động thái quân sự không chỉ của Mỹ - đồng minh thân cận nhất của Philippines, mà còn từ phía Nhật Bản.

Trong bối cảnh các nước ASEAN thiếu năng lực cần thiết để ngăn chặn sự lộng hành của Trung Quốc, Philippines và một số quốc gia đã hoan nghênh Nhật Bản tham gia tuần tra chung trong khu vực. Tokyo cũng ngỏ ý hỗ trợ các nước ASEAN tăng cường khả năng tuần tra, đảm bảo an ninh trên biển.

Người đặc biệt của Nhật Bản

Thủ tướng Shinzo Abe đóng vai trò then chốt trong việc tạo ra vai trò mới cho Nhật Bản. Trở lại nắm quyền cuối 2012, Thủ tướng Shinzo Abe đã dần nới lỏng những hạn chế về pháp luật để Tokyo có thể mở rộng ảnh hưởng quân sự ra ở Đông Á.

Ngoại trưởng Nhật tới ASEAN mở đường sự hiện diện ở khu vực ảnh 2
Thủ tướng Nhật Bản Shizo Abe. Ảnh:Getty

Dưới thời Abe, Nhật Bản chấm dứt hơn một thập kỷ cắt giảm chi tiêu cho quốc phòng, bắt đầu xuất khẩu công nghệ quân sự tiên tiến cho các nước thân thiện, từng bước sửa đổi mối quan hệ quốc phòng với Mỹ.

Gần đây, lần đầu tiên trong hơn 7 thập kỷ, Nhật Bản cho phép tiến hành các hoạt động quân sự ở nước ngoài.

Là chính trị gia khôn ngoan, ông Abe đã thừa nhận không thể sửa đổi hoàn toàn hiến pháp Nhật Bản, được lập ra sau thất bại của Phát xít Nhật trong Thế chiến thứ 2.

Thay vào đó, ông Abe tiến hành diễn giải lại hiến pháp, mở đường cho sự can dự của Nhật Bản trong các hoạt động an ninh tập thể.

Cụ thể, trong trường hợp Mỹ xảy ra chiến tranh với một bên thứ 3, Nhật Bản có quyền điều Lực lượng Phòng vệ tới hỗ trợ đồng minh.

Trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh các hoạt động xây dựng và quân sự hóa trên Biển Đông và Hoa Đông bất chấp sự hiện diện của Mỹ, nguy cơ xung đột Mỹ - Trung Quốc đang ngày càng tăng lên.

Straits Times dẫn kết quả các cuộc khảo sát gần đây cho thấy, Nhật Bản đang ngày càng xuất hiện nhiều ở các nước Đông Nam Á và dường như tội ác chiến tranh lịch sử của Tokyo đã được tha thứ. Người ta đang hướng sự tập trung tới những đóng góp sau chiến tranh của Nhật Bản cho sự thịnh vượng trong khu vực.

Theo Zing