Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh cấp bộ trưởng tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 16/7 rằng thế giới nên giải quyết “những nguyên nhân gốc rễ” dẫn đến “cuộc khủng hoảng” ở châu Âu và cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine.
Ông nói, việc chấm dứt tình trạng bế tắc giữa Moscow và Kiev phải đi kèm với việc loại bỏ mối đe dọa do phương Tây gây ra đối với an ninh của Nga.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga lưu ý rằng các điều kiện cho nền “hòa bình bền vững” giữa Nga và Ukraine đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra.
Trong tháng 6, ông Putin đã phác thảo các điều khoản của Moscow để bắt đầu lệnh ngừng bắn. Chúng liên quan đến việc rút toàn bộ quân đội Ukraine khỏi tất cả các vùng lãnh thổ mà Nga tuyên bố, bao gồm Donetsk và Lugansk, cũng như các khu vực Kherson và Zaporozhye, đồng thời cam kết pháp lý từ Kiev không bao giờ gia nhập NATO.
Ông Putin nói thêm rằng bất kỳ thỏa thuận cuối cùng nào cũng phải được các thủ đô phương Tây công nhận và mở đường cho việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống lại Nga. Cả Kiev và những bên ủng hộ phương Tây đều bác bỏ lời đề nghị này.
Mọi “giải pháp chính trị và ngoại giao [của cuộc xung đột Ukraine] nên đi kèm các bước cụ thể để giải quyết các mối đe doạ đối với Liên bang Nga mà phương Tây gây ra”, ông Lavrov phát biểu trước Hội đồng Bảo an, khi ông liệt kê các biện pháp cần thiết để “vãn hồi niềm tin và ổn định tình hình” trên trường quốc tế. “Những nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng bùng phát ở châu Âu cần được giải quyết một lần và mãi mãi”.
Nga và phương Tây cần có “sự đảm bảo và thỏa thuận” chung, Ngoại trưởng Nga nói, đồng thời cho biết thêm rằng “thực tế địa chiến lược mới trên lục địa Á-Âu” cũng cần được tính đến. Theo ông Lavrov, một “kiến trúc liên lục địa với an ninh thực sự bình đẳng và không thể chia cắt” đang được hình thành.
“Cân bằng quyền lực toàn cầu và khu vực cũng cần được khôi phục, cùng với việc sửa chữa những bất công trong nền kinh tế thế giới”, ông Lavrov nói.
Ông thêm rằng, một thế giới đa cực không nên có bất kỳ sự độc quyền nào trong việc điều tiết tài chính, tiền tệ, thương mại hoặc công nghệ, đồng thời kêu gọi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cải tổ để phản ánh “sức nặng thực sự” của các trung tâm tăng trưởng và phát triển ngoài phương Tây.
Moscow từ lâu đã đổ lỗi cho tham vọng bá chủ của Washington và các đồng minh của họ về nhiều cuộc khủng hoảng khác nhau trong những thập kỷ gần đây. Vào tháng 6, Putin cho biết thế giới đã bỏ lỡ cơ hội tạo ra một trật tự quốc tế tốt hơn, công bằng hơn và an toàn hơn vào những năm 1990. Ông nói vào thời điểm đó, Mỹ và các quốc gia phương Tây khác tin rằng họ đã “chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh và từ chối tôn trọng lợi ích của bên khác”.
Cách tiếp cận đó thể hiện ở chính sách của NATO trong việc giải quyết các xung đột bắt nguồn từ việc “cáo buộc những bên mà họ không ưa về mọi tội lỗi và đè bẹp bên đó”, ông Putin nói. Theo Tổng thống Nga, cách tiếp cận như vậy đã được chứng tỏ là một thảm họa. Ông cũng phủ nhận việc Nga là mối đe dọa chính đối với châu Âu, cho rằng mối nguy hiểm lớn nhất đối với các quốc gia châu Âu đến từ sự phụ thuộc quá lớn vào Mỹ.