Ngoại trưởng Mỹ chỉ trích Trung Quốc có hành vi xâm lược trong khu vực, Bắc Kinh phản ứng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngoại trưởng Blinken tuyên bố: “Khắp mọi nơi đều lo ngại về hành vi xâm lược của Bắc Kinh”, cam kết Mỹ "quyết tâm đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông" và "hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan"...
Phát biểu tại Đại học Indonesia, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc (Ảnh: Deutsche Welle).
Phát biểu tại Đại học Indonesia, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc (Ảnh: Deutsche Welle).

Theo trang tin Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức), sau khi kết thúc Hội nghị ngoại trưởng Nhóm 7 nước (G7) tại Anh vào cuối tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bay tới Jakarta hôm 13/12 để bắt đầu chuyến công du đầu tiên tới Đông Nam Á kể từ khi ông nhậm chức. Indonesia là chặng dừng chân đầu tiên, sau đó ông sẽ đến thăm Malaysia và Thái Lan.

Hãng tin Anh Reuters chỉ ra rằng Đông Nam Á đã trở thành chiến trường chiến lược giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc.

Trong cuộc gặp với Tổng thống Indonesia Joko Widodo, ông Blinken bày tỏ cam kết vững chắc của Mỹ đối với Indonesia. Ông Blinken đã giải thích về chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ và nhấn mạnh quan hệ đối tác chiến lược giữa Mỹ và khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Ngoại trưởng Mỹ cũng cho biết, Mỹ quyết tâm đảm bảo quyền tự do hàng hải ở Biển Đông và hòa bình, ổn định ở eo biển Đài Loan, đồng thời có nhiều biện pháp ngoại giao nhằm ngăn chặn xung đột bùng phát.

Sau cuộc gặp với Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 13/12, ông Blinken đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi vào 14/12 và hai bên đã ký một bản ghi nhớ hợp tác. Các quan chức Mỹ cho biết Indonesia là nền dân chủ lớn thứ ba thế giới, và quan hệ đối tác chiến lược giữa Hoa Kỳ và Indonesia dựa trên nhiều giá trị cốt lõi được chia sẻ. Trong chuyến thăm của Blinken, các quan chức của Mỹ và Indonesia đã thảo luận về cách tăng cường hợp tác song phương để cùng đối phó với những thách thức về dân chủ và nhân quyền, cũng như cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19.

Ông Antony Blinken gặp Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Ảnh: AP).

Ông Antony Blinken gặp Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Ảnh: AP).

Trong bài phát biểu về Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ tại Đại học Indonesia hôm thứ Ba (14/12), ông Blinken nói rằng Washington sẽ hợp tác với các đồng minh và đối tác để "bảo vệ một trật tự dựa trên luật lệ", Ông nói rằng tất cả các quốc gia đều phải có quyền "lựa chọn lối đi riêng của mình."

Ông nói: "Đây là lý do tại sao có những lo ngại về hành vi xâm lược của Bắc Kinh ở khắp mọi nơi từ Đông Bắc Á đến Đông Nam Á, từ sông Mekong đến các đảo ở Thái Bình Dương."

Ông Blinken chỉ ra: “Tuyên bố vùng biển quốc tế là của riêng mình, trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước gây méo mó thị trường, không đồng ý với các chính sách (của Trung Quốc) liền bị ngừng xuất khẩu hoặc hủy bỏ thương mại – tất cả các nước trong toàn khu vực đều muốn thay đổi kiểu hành vi này - chúng tôi (Mỹ) cũng vậy."

Ông Blinken nói thêm rằng Washington “quyết tâm đảm bảo quyền tự do hàng hải ở Biển Đông”. Ông nói, cách làm của Bắc Kinh gây ra mối đe dọa đối với hoạt động vận chuyển thương mại của vùng biển trị giá hơn 3 nghìn tỷ USD/năm này.

Ông Blinken nói: "5 năm trước, một tòa án quốc tế đã đưa ra phán quyết nhất trí và có ràng buộc pháp lý, cho rằng nó không phù hợp với luật pháp quốc tế, kiên quyết bác bỏ các yêu sách phi pháp của (Trung Quốc) đối với các khu vực rộng lớn trên Biển Đông. Mỹ sẽ cùng các quốc gia khác, trong đó có các bên có yêu sách ở Biển Đông tiếp tục chống lại các hành động như vậy. Điều này cũng giải thích vì sao hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan phù hợp với lợi ích lâu dài và cam kết của chúng tôi. Chúng tôi sẽ thúc đẩy hợp tác an ninh dân sự chặt chẽ hơn để chống lại một loạt thách thức bao gồm chủ nghĩa cực đoan và bạo lực, đánh bắt bất hợp pháp và buôn người. Chúng tôi cũng sẽ áp dụng chiến lược tìm kiếm liên minh và đối tác với tất cả các chức năng quyền lực nhà nước bao gồm ngoại giao, quân sự và tình báo gắn bó chặt chẽ hơn với nhau."

Trung Quốc và Indonesia đang có tranh chấp tại vùng biển Bắc Natuna (Ảnh: Reuters).

Trung Quốc và Indonesia đang có tranh chấp tại vùng biển Bắc Natuna (Ảnh: Reuters).

Trong bài phát biểu hôm 14/12, ông Blinken trực tiếp đề cập đến hành vi cưỡng bức kinh tế của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và hành vi cưỡng ép của nước này trên Biển Đông. Ông nói: "Chúng tôi đang hợp tác với các đồng minh và đối tác để đảm bảo rằng khu vực này vẫn mở cửa và tất cả mọi người có thể tiếp cận được. Chúng tôi quyết tâm đảm bảo quyền tự do hàng hải ở Biển Đông... Những gì chúng tôi đã làm không phải để gây ra xung đột mà là ngăn chặn xung đột. Ngoại giao sẽ tiếp tục là công cụ ưu tiên hàng đầu của chúng tôi trong việc thực hiện trách nhiệm này, nhằm giảm thiểu, kiểm soát và cuối cùng là ngăn chặn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương xảy ra xung đột."

Trong vấn đề chiến lược của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương không có sự khác biệt cơ bản giữa Tổng thống Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump. Cả hai chính quyền đều cho rằng “trước sự gia tăng thế lực hung hăng của Trung Quốc, khu vực châu Á-Thái Bình Dương cần duy trì tự do và cởi mở”.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Châu Á-Thái Bình Dương, Daniel Kritenbrink, nói với phóng viên Reuters trước chuyến thăm rằng, Ngoại trưởng Blinken sẽ cam kết thực hiện các mục tiêu của Tổng thống Biden, sẽ tăng cường liên hệ với ASEAN lên mức độ "chưa từng có"; trọng điểm là tăng cường thiết chế cơ sở hạ tầng an ninh khu vực để đối phó với “sự bắt nạt” của Trung Quốc và thảo luận về tầm nhìn của Tổng thống Joe Biden về khuôn khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Ông Ben Bland, Giám đốc Dự án Đông Nam Á của Viện nghiên cứu Lowy của Australia, đã đăng một bài bình luận trên New York Times, nêu rõ: “Nếu mục tiêu thực sự của cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc là đảm bảo một 'khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở' thay vì theo đuổi cạnh tranh giữa các cường quốc vì lợi ích của mình, Mỹ không thể chỉ dựa vào một vài người bạn có cùng thế giới quan. Mỹ cần phải dựa vào các quốc gia không liên kết mới phát triển đôi khi thích tranh cãi như Indonesia, giúp họ giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc."

Bài viết chỉ ra: “Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joko Widodo, Trung Quốc đã trở thành một trong những nhà đầu tư lớn nhất của Indonesia, đã bỏ ra hàng tỷ USD xây dựng các đường cao tốc mới, nhà máy điện và một tuyến đường sắt cao tốc. Khoảng 80% vaccine COVID-19 của Indonesia cũng đến từ Trung Quốc. Mặc dù có hợp tác với Mỹ trong các dự án quân sự, chống khủng bố và phát triển, nhưng Indonesia cũng cảnh giác về các sáng kiến ​​an ninh mới của Mỹ trong khu vực, chẳng hạn như liên minh Australia-Anh-Mỹ nhằm trang bị cho nước láng giềng Australia tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân."

Nhưng đầu năm nay, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã bỏ qua Indonesia khi họ đến thăm Đông Nam Á.

Ông Ben Bland chỉ ra trong bài viết đăng trên New York Times: "Ông Blinken có kế hoạch đến thăm Jakarta. Đây là sự sửa chữa sơ suất trước đó và là rất cần thiết. Tuy nhiên, một chuyến đi thăm không thể thiết lập nên mối quan hệ, đặc biệt là giữa Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc và Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia đã có các cuộc tiếp xúc trực tiếp thường xuyên hơn. Chính quyền Biden nên sử dụng chuyến thăm này để khởi động một cuộc tấn công lôi cuốn liên tục nhằm đưa quốc gia dân chủ lớn thứ ba thế giới (Indonesia này) đến gần mình hơn."

Reuters dẫn lời các nhà ngoại giao và phân tích cho biết, ông Blinken có thể đề xuất cho phép các công ty Mỹ chuyển hoạt động sản xuất từ ​​Trung Quốc sang Đông Nam Á nhằm thể hiện sự ưu ái đối với các nước liên quan, như một trong những biện pháp đảm bảo chuỗi cung ứng nhạy cảm và nguồn tài chính. Nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ sẵn sàng cung cấp thêm nhiều cơ hội tiếp cận thị trường Mỹ hơn mà các nước Đông Nam Á mong muốn.

Bình luận về nội dung liên quan đến Trung Quốc trong phát biểu của ông Blinken tại Indonesia, trong cuộc họp báo thường kỳ vào chiều 14/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói: “Mỹ một mặt rêu rao về ‘mối đe dọa Trung Quốc’, mặt khác lại nói rằng họ không có ý định xung đột với Trung Quốc. Giọng điệu đó tự mâu thuẫn với nhau, không phù hợp với tinh thần của gặp gỡ giữa nguyên thủ hai nước, cũng rất khó sẽ khó nhận được sự đồng tình của các nước trong khu vực”.

Tàu Indonesia xua đuổi tàu Hải Cảnh Trung Quốc đi vào Vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia đầu năm 2020 (Ảnh: Reuters).

Tàu Indonesia xua đuổi tàu Hải Cảnh Trung Quốc đi vào Vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia đầu năm 2020 (Ảnh: Reuters).

Chiều ngày 15/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã chủ trì cuộc họp báo thường kỳ. Một phóng viên đặt câu hỏi: “Ngày 14/12, Ngoại trưởng Mỹ Blinken trong khi thăm Indonesia đã nói ‘từ Đông Bắc Á đến Đông Nam Á, từ sông Mekong đến quần đảo Thái Bình Dương, nhiều người lo ngại về hành vi xâm lược của Trung Quốc; Mỹ quyết tâm đảm bảo quyền tự do hàng hải ở Biển Đông’. Bài phát biểu cũng đề cập đến phán quyết trọng tài Biển Đông, Trung Quốc có bình luận gì về việc này?”.

Triệu Lập Kiên nói, không phải Trung Quốc mà Mỹ từ lâu đã gây sóng gió ở Biển Đông dưới chiêu bài tự do hàng hải, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng và nguy cơ lớn đối với hòa bình và ổn định khu vực; cố tình khuấy động tranh chấp ở Biển Đông và xúi giục quan hệ giữa các nước trong khu vực... mong rằng các quan chức Mỹ không đảo ngược trắng đen.

Triệu Lập Kiên nói Mỹ thích nói về "Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển" và cái gọi là vụ án trọng tài Biển Đông, nói về một trật tự dựa trên quy tắc. Thế thì Mỹ hãy tham gia Công ước trước khi nói về nó. Ông ta lặp lại luận điệu: “Phán quyết trọng tài về Biển Đông đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc được sự đồng ý của quốc gia, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế bao gồm cả Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, là bất hợp pháp và không có giá trị”.

Triệu Lập Kiên nói: “Cái gọi là bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông của Mỹ chẳng qua là quyền tự do của máy bay quân sự và tàu chiến tối tân của Mỹ ở Biển Đông để phô trương sức mạnh và gây rắc rối”.