Theo trang Deutsche Wells (Tiếng nói nước Đức), Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas tối 2/12 đã nói, những thay đổi trong cán cân sức mạnh và sự trỗi dậy quân sự của Trung Quốc cần phải trở thành chủ đề thảo luận về kế hoạch cải tổ của NATO. Trước đó, ngoại trưởng của 30 quốc gia thành viên NATO đã tổ chức cuộc hội đàm kéo dài hai ngày.
Trong một tuyên bố do Bộ Ngoại giao Đức đưa ra, ông Maas nói: "Chúng ta phải tìm ra một chính sách thấu đáo về Trung Quốc". Ông nói trong tuyên bố, trong vài thập kỷ tới, chúng ta sẽ có những cơ hội cần nắm lấy và cả những thách thức phải chuẩn bị đối phó.
Các đại diện của Australia, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc cũng tham gia cuộc hội nghị truyền hình hôm thứ Tư. Tại hội nghị, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói: “Mặc dù Trung Quốc và NATO có những quan niệm giá trị khác nhau nhưng không phải là đối thủ của nhau. Điều đáng chú ý là trong khi Trung Quốc đầu tư mạnh để gia tăng sức mạnh quân sự thì tình hình nhân quyền ở nước này cũng ngày càng trở nên tồi tệ hơn”.
Một bản báo cáo đánh giá dài 67 trang được đệ trình cho các Bộ trưởng Ngoại giao của NATO để thảo luận hôm 1/12, yêu cầu NATO mở rộng phạm vi áp dụng được hình thành trong Chiến tranh Lạnh để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc và "sự liên tục gây hấn có tính xâm lược của Nga".
Dựa trên phản hồi của các quốc gia thành viên, Tổng thư ký Stoltenberg sẽ xây dựng một kế hoạch hành động để thảo luận và thông qua tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào quý II năm 2021.
Việc Đức đưa ra Chuẩn tắc Ấn Độ - Thái Bình Dương được cho là sự xem xét lại chính sách đối với Trung Quốc (Ảnh: Deutsche Wells). |
Chuẩn tắc Ấn Độ - Thái Bình Dương của Đức
Ngại trưởng Heiko Maas nói rằng do chính phủ Liên bang Đức đã thông qua Chuẩn tắc về Ấn Độ - Thái Bình Dương hồi tháng 9 năm nay, Đức sẽ có thể đóng góp vào các cuộc thảo luận về cải tổ NATO.
Trong Chuẩn tắc về Ấn Độ - Thái Bình Dương của chính phủ Đức, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Ấn Độ được mô tả là "các đối tác ngày càng tin tưởng" ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, do đó, cần hợp tác với các nước này trong việc "chống biến đổi khí hậu và bảo vệ các loài trên toàn cầu".
Ông Maas nói rằng trong bối cảnh nhiều cuộc khủng hoảng đã xảy ra giữa các nước láng giềng châu Âu, chẳng hạn như vai trò của Nga ở Ukraine và Gruzia, châu Âu đang cố gắng đảm nhận những trách nhiệm lớn hơn trong nội bộ NATO. Ông Maas nhấn mạnh, ưu tiên hàng đầu của NATO là chấm dứt tranh chấp giữa các quốc gia thành viên. Nhưng ông không đề cập trực tiếp đến những tranh chấp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp về Síp và tài nguyên biển.
Báo cáo đánh giá cấp cao được đệ trình cho các bộ trưởng ngoại giao của NATO để thảo luận hôm thứ Ba cũng cảnh báo "sự bất đồng chính trị trong nội bộ NATO sẽ rất nguy hiểm".
Việc rút quân khỏi Afghanistan phải có "điều kiện tiên quyết rõ ràng"
Khi nói về sứ mệnh tại Afghanistan của nhiều quốc gia thành viên NATO trong đó có Đức, ông Maas nói: “Mục tiêu của chúng ta là bảo vệ các quyền phải khó khăn mới giành được của người dân Afghanistan". Về đề xuất của Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Donald Trump về việc rút quân khỏi Afghanistan và rút khỏi các cuộc đàm phán hòa bình giữa lực lượng Taliban với chính phủ Afghanistan, ông Maas nói, “quyết không để cho Afghanistan lại rơi vào tình trạng chiến tranh”.
Ngoại trưởng Đức nói rằng hành động rút quân phải có "những điều kiện tiên quyết rõ ràng"; "Chúng ta không bao giờ được dễ dàng từ bỏ con bài thương lượng của mình trong tiến trình hòa bình".
Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier quyết định ngăn chặn Trung Quốc mua Công ty IMST vì lo ngại gây nguy hiểm cho An ninh quốc gia (Ảnh: Deutsche Wells) |
Đức cấm bán công ty công nghiệp quân sự cho Trung Quốc
Theo Deutsche Wells ngày 4/12, một công ty quy mô vừa ở bang North Rhine-Westphalia nghiên cứu và phát triển công nghệ thông tin không dây và vệ tinh, gần đây đã trở thành mục tiêu mua lại của Tập đoàn Công nghiệp và Khoa học Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (China Aerospace Science and Industry Corporation, COSIC). Tuy nhiên, chính phủ liên bang Đức đã ra tay hành động ngăn chặn giao dịch, chỉ ra rằng việc Trung Quốc mua lại sẽ gây nguy hại cho an ninh quốc gia của Đức.
Bộ Kinh tế Đức tiết lộ với Hãng thông tấn DPA và các cơ quan truyền thông khác rằng Chính phủ Liên bang ngày 2/12 đã quyết định dừng vụ mua bán này theo các quy định của "Luật Kinh tế Đối ngoại". Bộ Kinh tế chỉ ra rằng công ty IMST của Đức có liên quan đã làm chủ các công nghệ đặc biệt trong lĩnh vực thông tin vệ tinh, công nghệ radar và mạng thông tin 5G. Theo kế hoạch ban đầu, công ty quy mô vừa này sẽ được Công ty TNHH Phát triển Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc thuộc Tập đoàn COSIC mua lại thông qua một công ty trung gian là EMST GmbH được thành lập tại Đức dùng cho vụ mua bán sáp nhập này.
Theo "Luật Kinh tế Đối ngoại" của Đức và các quy định đồng bộ đã bị thắt chặt trong những năm gần đây, Chính phủ Liên bang Đức có quyền kiểm tra xem việc nước ngoài mua bán và sáp nhập các công ty Đức liệu có gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của Đức hay không. Bộ Kinh tế Đức tuyên bố rằng việc xem xét lại thương vụ mua lại IMST cho thấy giao dịch này "thực sự gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các đối tượng được pháp luật bảo vệ".
Tài liệu của chính phủ Liên bang do Hãng thông tấn DPA có được cũng cho thấy IMST đã phát triển một thành phần quan trọng cho vệ tinh quan sát trái đất TerraSAR-X mà Đức phóng vào năm 2007. Bộ Quốc phòng Đức đã chi hàng trăm triệu euro để mua các dữ liệu thu được thông qua các cấu kiện vệ tinh. Những dữ liệu này được sử dụng để lập mô hình 3D có độ chính xác cao và quân đội sử dụng các mô hình này trong các lĩnh vực cụ thể như trinh sát, dẫn đường, mô phỏng và điều khiển vũ khí.
Công ty công ty IMST của Đức bị ngăn không cho Trung Quốc thu mua do đã làm chủ các công nghệ đặc biệt trong lĩnh vực thông tin vệ tinh, công nghệ radar và mạng thông tin 5G (Ảnh: Deutsche Wells). |
Theo thông tin công khai, IMST có hơn 100 nhân viên và doanh thu hàng năm xấp xỉ 13 triệu euro. Bộ Quốc phòng Đức đã chi hàng trăm triệu euro trong 13 năm từ khi vệ tinh này được phóng lên, đây chắc chắn là một số tiền không hề nhỏ đối với công ty này. Ngoài ra, IMST còn là đối tác quan trọng của Trung tâm Hàng không Vũ trụ Đức (DLR). DLR cũng là đại diện của Đức trong Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA), .
Bộ Kinh tế Đức cho rằng Công ty TNHH Phát triển Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc là một doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực công nghiệp quân sự. Nếu không dừng lại vụ thu mua này, các công nghệ mà IMST nắm giữ sẽ rơi vào tay người Trung Quốc, giúp cho Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự. Tài liệu nội các chính phủ cũng đặc biệt nhấn mạnh, vì IMST đã tham gia nghiên cứu và phát triển công nghệ thông tin di động thương mại trong 25 năm, trường hợp mua lại này cũng có thể đe dọa quyền tự chủ về công nghệ của mạng thông di động Đức trong tương lai. "Công nghệ 5G đóng vai trò then chốt trong lĩnh vực kỹ thuật số. Nếu vụ giao dịch này hoàn thành, IMST sẽ rơi vào tầm kiểm soát của một doanh nghiệp quân đội Trung Quốc, do đó sẽ không còn là đối tác đáng tin cậy".
Deutsche Welle đã gửi yêu cầu bình luận tới công ty IMST. Công ty tuyên bố rằng họ "đã biết" quan điểm của chính phủ liên bang Đức, nhưng sẽ cần "vài ngày" để đưa ra tuyên bố chính thức về vụ việc này.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu