Truyền thông Đức: Chính sách ngoại giao châu Á mới của Đức tạo đa cực và giảm phụ thuộc Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày 2/9, Đức đã đưa ra phương châm chỉ đạo chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặt mục tiêu thiết lập và tăng cường quan hệ chiến lược với ASEAN. Điều này không chỉ cho thấy quyết tâm của Đức trong việc mở rộng quan hệ đối tác, tham gia nhiều hơn vào việc xây dựng trật tự quốc tế trong tương lai, mà còn là sự điều chỉnh chính sách Trung Quốc của Đức: một mặt giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, mặt khác tạo ra sự đa cực để gây sức ép lên Trung Quốc.
Chính sách ngoại giao mới cho thấy quyết tâm của Đức trong việc mở rộng quan hệ đối tác, còn là sự điều chỉnh chính sách Trung Quốc của Đức, giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, mặt khác tạo ra sự đa cực để gây sức ép lên Trung Quốc (Ảnh: Deutsche Welle).
Chính sách ngoại giao mới cho thấy quyết tâm của Đức trong việc mở rộng quan hệ đối tác, còn là sự điều chỉnh chính sách Trung Quốc của Đức, giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, mặt khác tạo ra sự đa cực để gây sức ép lên Trung Quốc (Ảnh: Deutsche Welle).

Theo bài viết trên trang Deutsche Welle (tiếng Trung) ngày 4/9, từ nay về sau Đức sẽ mở rộng hợp tác hơn nữa với các nước châu Á như Nhật Bản, Ấn Độ và các nước ASEAN. Bộ Ngoại giao Đức mới đây đã đưa ra phương châm chỉ đạo chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương, đây là một văn kiện có tính cương lĩnh để Đức thúc đẩy việc xây dựng trật tự quốc tế thế kỷ 21 ở trong nước và cấp độ EU nhằm tăng cường chủ nghĩa đa phương, tăng cường hòa bình, an ninh và ổn định; xúc tiến mậu dịch tự do dựa trên luật lệ, công bằng và hòa bình; dốc sức chống lại biến đổi khí hậu và thúc đẩy quyền con người và pháp trị.

Lấy đa cực thay cho lưỡng cực

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas trong Lời mở đầu đã đề cập đến “sự lưỡng cực mới” của thế giới ngày nay, chỉ ra rằng Đức, với tư cách là một quốc gia thương mại toàn cầu năng động và là người bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, không thể khoanh tay ngồi nhìn mà phải tăng cường quan hệ với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương: “Chúng tôi rất quan tâm đến việc thúc đẩy chủ nghĩa đa phương trong khu vực, đặc biệt là việc củng cố ASEAN - tức là tăng cường sự đa cực của khu vực dựa trên chủ nghĩa đa phương và các quy tắc”, “Chính phủ Đức đồng thời ủng hộ Ủy ban châu Âu đàm phán một hiệp định thương mại tự do với mỗi quốc gia trong khu vực và về lâu dài, với khối ASEAN”.

Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vào ngày 1/9, ông Heiko Maas đã công khai bày tỏ quan điểm của Đức về các vấn đề Hồng Kông, người Uyghur (Duy Ngô Nhĩ) và Đài Loan (Ảnh: Deutsche Welle).

Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vào ngày 1/9, ông Heiko Maas đã công khai bày tỏ quan điểm của Đức về các vấn đề Hồng Kông, người Uyghur (Duy Ngô Nhĩ) và Đài Loan (Ảnh: Deutsche Welle).

Ông Gabriel Felbermeyr, Giám đốc Viện Kinh tế Thế giới Kiel của Đức, cho rằng Đức cần mở ra nhiều khả năng thương mại hơn với các đối tác châu Á khác. Ông nói trong một cuộc phỏng vấn với  chương trình tiếng Anh của Deutsche Welle TV: “Đây là điều mà tài liệu này kêu gọi. Tôi nghĩ đây là một cách làm rất tốt. Chúng ta cần thúc đẩy đàm phán các hiệp định thương mại với Indonesia và các nước châu Á khác. Chúng ta cần kéo Trung Quốc vào bàn đàm phán và ký Hiệp định đầu tư đã đàm phán quá lâu. Đức có thể sử dụng những công cụ ngoại giao thương mại quốc tế này để đóng một vai trò lớn hơn”.

Ông Felbermeyer chỉ ra rằng trong bối cảnh Mỹ đang tách khỏi Trung Quốc, với tư cách là đối tác thương mại và đối tác công nghệ quan trọng của Trung Quốc, Đức có thể phát huy ảnh hưởng lớn hơn để thúc đẩy Trung Quốc tuân theo nguyên tắc cùng có lợi và thiết lập một mối quan hệ cân bằng hơn. Ông nói: “Tất cả chúng ta đều biết rằng Trung Quốc đã chia rẽ các nước châu Âu thông qua ‘Sáng kiến 16+1’. Tất nhiên, Đức phụ thuộc kinh tế Trung Quốc nhiều hơn so với Pháp, Tây Ban Nha, Italy; nội bộ các nước châu Âu có lợi ích khác nhau, điều này khiến việc thống nhất trở nên khó khăn hơn. Nhưng thông qua phương châm chỉ đạo mới này, Đức đang ở vị trí người lái xe, có thể đoàn kết châu Âu theo cách cân bằng và hợp lý”.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas phát biểu sau khi nội các thông qua phương châm chỉ đạo Châu Á - Thái Bình Dương: “Chúng ta sử dụng điều này củng cố thế giới đa cực để không quốc gia nào phải lựa chọn giữa hai cực”. Ông không nêu rõ tên, nhưng rõ ràng là ám chỉ Mỹ và Trung Quốc. Khi gặp gỡ Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vào ngày 1/9, ông Maas nói rõ: “Người châu Âu chúng tôi không muốn trở thành đồ chơi giữa Trung Quốc và Mỹ”. Châu Âu từ nay sẽ quan hệ với Trung Quốc một cách tự tin hơn.

Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vào ngày 1/9, ông Heiko Maas đã công khai bày tỏ quan điểm của Đức về các vấn đề Hồng Kông, người Uyghur (Duy Ngô Nhĩ) và Đài Loan.

Ông Gabriel Felbermeyr: "Chúng ta cần kéo Trung Quốc vào bàn đàm phán và ký Hiệp định đầu tư đã đàm phán quá lâu. Đức có thể sử dụng những công cụ ngoại giao thương mại quốc tế này để đóng một vai trò lớn hơn” (Ảnh: handelsblatt.com)
Ông Gabriel Felbermeyr: "Chúng ta cần kéo Trung Quốc vào bàn đàm phán và ký Hiệp định đầu tư đã đàm phán quá lâu. Đức có thể sử dụng những công cụ ngoại giao thương mại quốc tế này để đóng một vai trò lớn hơn” (Ảnh: handelsblatt.com)

Giảm phụ thuộc vào Trung Quốc

Ngoài việc xem xét vai trò của Đức trên trường chính trị quốc tế từ nay về sau, một nhân tố quan trọng khác khiến Đức điều chỉnh chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và chính sách với Trung Quốc là mong muốn giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Chu Dịch (Zhu Yi), cựu nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Mercator của Đức (Merics), gần đây đã đăng tải một bài báo trên Echowall, một nền tảng trực tuyến dành cho các chuyên gia Trung Quốc và châu Âu, bàn luận về mức độ phụ thuộc của Đức vào Trung Quốc. Bài báo nhắc lại rằng vào năm 2016, tổng kim ngạch thương mại giữa Đức và Trung Quốc lần đầu tiên vượt qua tổng kim ngạch thương mại giữa Đức và Mỹ, từ đó Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức. Năm 2017, với sự can thiệp của chính phủ Đức, Trung Quốc tuyên bố sẽ hoãn hạn ngạch bán xe điện theo luật định trong một năm để chiếu cố các hãng Volkswagen, Daimler và BMW sản xuất xe tại Trung Quốc. Năm 2018, chủ đề về sự phụ thuộc của nền kinh tế Đức vào Trung Quốc được chú ý nhiều hơn; đặc biệt, việc Trung Quốc mua lại các công ty công nghệ cao của Đức đã khiến giới truyền thông Đức lo ngại và cảnh giác.

Vào cuối năm 2018, Liên minh Công nghiệp Đức cảnh báo không nên phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Từ tháng 9 đến cuối năm 2019, trong bối cảnh các cuộc biểu tình diễn ra ở Hồng Kông, chính phủ Đức và các công ty lớn của Đức đã nhận được áp lực và chỉ trích lớn hơn từ công chúng, yêu cầu họ không vì bảo vệ lợi ích kinh doanh mà từ chối phản đối rõ ràng bạo lực của cảnh sát Hồng Kông. Bắt đầu từ tháng 10/2019, vai trò của Huawei trong chương trình 5G của Đức đã làm dấy lên cuộc tranh luận sôi nổi. Tờ Der Spiegel đưa tin, Thủ tướng Merkel lo ngại rằng nếu chính sách quácứng rắn sẽ dẫn đến việc Trung Quốc trả thù các công ty Đức đầu tư vào Trung Quốc và hàng hóa xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc. Ngoài ra, sự phụ thuộc của Đức vào lĩnh vực ăc-quy xe điện cũng làm nổi bật những điểm yếu của Đức. Dịch bệnh COVID-19 càng làm dấy lên lo ngại của công chúng Đức về hậu quả nghiêm trọng của việc phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, đặc biệt là trong việc cung cấp các vật tư y tế quan trọng.

Phương châm chỉ đạo chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương của chính phủ Đức tập trung vào hướng phát triển toàn diện quan hệ với ASEAN mà không chú ý nhiều đến việc làm thế nào để mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với Ấn Độ, một quốc gia lớn trong khu vực.

Ông Gabriel Felbermeyr, Giám đốc Viện Kinh tế Thế giới Kiel, nói: “Ấn Độ là quốc gia lớn thứ hai trong khu vực, nhưng Đức vẫn chưa hình thành một chiến lược tốt để quan hệ với Ấn Độ. Dân số Ấn Độ sắp tới có khả năng sẽ vượt qua Trung Quốc, nhu cầu phát triển kinh tế rất lớn. Việc hình thành một chiến lược với Ấn Độ cũng quan trọng như việc đối phó với Trung Quốc một cách khôn ngoan”.