Ngoại trưởng Anh đe dọa trừng phạt Trung Quốc, Bắc Kinh phản ứng quyết liệt

VietTimes – Gần đây, chính phủ Anh không chỉ cấm hoàn toàn thiết bị 5G của Huawei mà còn tấn công Trung Quốc trong các vấn đề Hồng Kông và Tân Cương. Bộ trưởng Ngoại giao Anh nói “sẽ có hành động với Trung Quốc”.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab tuyên bố sẽ có các biện pháp cứng rắn trừng phạt chống lại Trung Quốc (Ảnh: Đa Chiều).
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab tuyên bố sẽ có các biện pháp cứng rắn trừng phạt chống lại Trung Quốc (Ảnh: Đa Chiều).

Tờ Daily Express của Anh ngày 19/7 đưa tin, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab đã cảnh báo, việc kinh doanh với Trung Quốc sẽ không trở lại bình thường và ông ám chỉ rằng mối quan hệ giữa Anh và Bắc Kinh sẽ có thay đổi lớn. Raab cũng cho biết Anh có thể đình chỉ hiệp ước dẫn độ đối với Hồng Kông.

Ông Raab nói rằng nhân quyền của người dân tộc thiểu số ở Tân Cương rõ ràng đã bị vi phạm nghiêm trọng, ông đã thề sẽ có các biện pháp trừng phạt chống lại Trung Quốc.

Ngoài ra, khi được hỏi trong một cuộc phỏng vấn của truyền thông liệu ông có đồng ý với lời kêu gọi của cựu lãnh đạo MI6, cơ quan Tình báo Quân đội Anh về việc xác định lại quan hệ với Trung Quốc hay không? Ngoại trưởng Raab nói cần phải rất thận trọng khi xử lý quan hệ với Trung Quốc. Anh hy vọng có mối quan hệ tích cực, hợp tác với Trung Quốc trong các vấn đề thương mại, đầu tư và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, trong các vấn đề lợi ích then chốt và quan niệm giá trị quan trọng, Anh cần nêu rõ quan điểm của mình với Trung Quốc, giống như trong các vấn đề Hồng Kông và Huawei. Ông Raab nhấn mạnh, quan hệ Anh-Trung có thể không thể giống như trước đây.

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab tuyên bố, quan heeh Anh với Trung Quốc có thể sẽ không giống như trước đây. Trong ảnh, ông Raab gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Bangkok ngày 31/7/2019 (Ảnh: Tân Hoa xã).
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab tuyên bố, quan heeh Anh với Trung Quốc có thể sẽ không giống như trước đây. Trong ảnh, ông Raab gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Bangkok ngày 31/7/2019 (Ảnh: Tân Hoa xã).

Reuters ngày 19/7 đưa tin, hôm 6/7, Ngoại trưởng Anh cũng đã tuyên bố sẽ trừng phạt 49 cá nhân và tổ chức của Nga, Ả Rập Saudi, Myanmar và Bắc Triều Tiên vì bị nghi ngờ "vi phạm nhân quyền". Được biết, đây là lần đầu tiên Anh tuyên bố trừng phạt sau Brexit, và cũng là lần đầu tiên Vương quốc Anh tuyên bố riêng rẽ các lệnh trừng phạt. Trước đây, London đều hành động phối hợp với Liên minh châu Âu và Liên hợp quốc.

Theo Reuters, một số nghị sĩ quốc hội của đảng Bảo thủ Anh tuyên bố rằng các lệnh trừng phạt mới của Anh cũng nên được áp dụng cho các quan chức Trung Quốc.

Về vấn đề này, Đại sứ Trung Quốc tại Vương quốc Anh Lưu Hiểu Minh ngày 19/7 đã chấp nhận trả lời phỏng vấn đài BBC và nói: “Nếu chính phủ Anh áp đặt trừng phạt bất kỳ cá nhân nào ở Trung Quốc, Trung Quốc nhất định sẽ kiên quyết đáp trả”.

Lý Hiểu Minh nói: "Các vị đã thấy những gì đã xảy ra ở Mỹ: họ trừng phạt các quan chức Trung Quốc và chúng tôi đã trừng phạt các quan chức và nghị sĩ của họ. Tôi không muốn điều này xảy ra giữa Trung Quốc và Anh”.

Về vấn đề Hồng Kông, Lưu Hiểu Minh nhấn mạnh ý nghĩa cốt lõi của "Tuyên bố chung Trung-Anh" là xác nhận Trung Quốc thu hồi Hồng Kông. "Tuyên bố chung" không có một từ hoặc điều khoản nào cho phép Vương quốc Anh chịu trách nhiệm gì đối với Hồng Kông sau khi Hồng Kông trở về với Trung Quốc. Anh không có chủ quyền, quyền quản trị hoặc giám sát đối với Hồng Kông sau khi nó trở về Trung Quốc. Hồng Kông là một khu vực hành chính đặc biệt của Trung Quốc. Ông nói: “Mọi công việc của Hồng Kông hoàn toàn là vấn đề nội bộ của Trung Quốc và không cho phép sự can thiệp từ bên ngoài. Trung Quốc kiên định quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia, lợi ích an ninh và phát triển của quốc gia. Chúng tôi kêu gọi phía Anh ngừng ngay lập tức việc nhúng tay vào vấn đề Hồng Kông và ngừng can thiệp vào các công việc nội bộ của Trung Quốc”.

Trong một diễn biến khác, tờ Sunday Times của Anh ngày 19/7 đưa tin, Bộ trưởng Ngoại giao Dominic Raab sẽ đưa ra một tuyên bố tại Quốc hội vào ngày 20/7, nói chính phủ Anh lo lắng rằng sau khi luật An ninh Quốc gia cho Hồng Kông có hiệu lực sẽ trở thành công cụ để Bắc Kinh buộc những người bất đồng chính kiến ở nước ngoài im lặng; vì vậy Anh có thể tạm ngừng thực thi Hiệp định dẫn độ được ký giữa chính phủ Anh và Hồng Kông.

Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh nói, Trung Quốc sẽ đáp trả nếu bị Anh trừng phạt như đã hành động với Mỹ (Ảnh: Đa Chiều).
Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh nói, Trung Quốc sẽ đáp trả nếu bị Anh trừng phạt như đã hành động với Mỹ (Ảnh: Đa Chiều).

Sunday Times nói, ông Raab sẽ đưa ra các bước tiếp theo mà Anh sẽ áp dụng đối với Hồng Kông vào ngày 20. Báo này nói, Bộ Ngoại giao Anh đã xác nhận họ sẽ cung cấp cho các thành viên của Quốc hội thông tin cập nhật về các biện pháp sẽ áp dụng trước việc Trung Quốc thực thi luật ANQG mới ở Hồng Kông, nhưng từ chối bình luận về những biện pháp bổ sung sẽ được thực hiện.

Ông nói các quan chức hiện đang làm việc theo cam kết của chính phủ Anh cho phép những người Hồng Kông mang hộ chiếu hải ngoại (BNO) đủ tiêu chuẩn công dân Anh được định cư tại nước này.

Ông Tom Tugendhat, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại, người của Đảng Bảo thủ và 18 nghị sĩ ngày 18/7 đã gửi cho ông Raab một lá thư chung, yêu cầu ông xác nhận việc đình chỉ Hiệp định dẫn độ với Hồng Kông.

Họ chỉ ra trong thư rằng các đồng minh của Anh như Mỹ, Canada và Australia đều đã đình chỉ Hiệp định dẫn độ với Trung Quốc. New Zealand cũng đã bắt đầu xem xét các thỏa thuận có liên quan của nước này.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố, vấn đề lập pháp Hồng Kông bất cứ quốc gia nào cũng không được can thiệp, phía Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp trả đũa cần thiết.