Theo Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 17/7, trong suốt một thời gian dài, Hồng Kông luôn là một trong những nền kinh tế tự do nhất thế giới, hấp dẫn với nền kinh tế tự do và cởi mở. Thành phố này đã phục hồi từ đáy cuộc khủng hoảng hết lần này đến lần khác, nhưng Luật An ninh quốc gia gây tranh cãi doTrung Quốc thông qua lần này dường như đã tác động toàn diện đến nền kinh tế Hồng Kông.
Kể từ nay, Hồng Kông sẽ nhận được "sự đối xử giống như với Trung Quốc đại lục", Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói như trên khi ông ban hành lệnh hủy bỏ địa vị kinh tế đặc biệt của Hồng Kông.
Mỹ cho rằng luật An ninh quốc gia do Bắc Kinh ban hành đã phá hoại các điều kiện mà Hồng Kông đã đạt được từ năm 1984 về việc Anh bàn giao Hồng Kông cho Trung Quốc, nhằm giữ cho Hồng Kông được tự do. Năm 1997, khi chủ quyền của Hồng Kông được trở về với Bắc Kinh, chính phủ Trung Quốc đã đảm bảo Hồng Kông có quyền tự trị cao cho đến năm 2047.
Cảnh sát Hồng Kông bắt giữ những người biểu tình ngày 1/7 ngay sau khi Luật An ninh Quốc gia có hiệu lực (Ảnh: Deutsche Welle).
|
Ông Khổng Hạo Phong (Ho-Fung Hung), Giáo sư Kinh tế chính trị tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ), nói với Deutsche Welle: “Tôi muốn nói rằng Luật an ninh quốc gia, cũng giống như Luật dẫn độ năm ngoái, đang khiến những người giàu có ở Hồng Kông, bao gồm những người giàu người địa phương, giới tinh hoa Đại Lục và những người nước ngoài khác lo lắng, bởi vì luật tương tự ở Trung Quốc đại lục thường được áp dụng để buộc tội các doanh nhân khi có tranh chấp kinh doanh”.
Ông cho rằng những người này cuối cùng sẽ chuyển tài sản của họ ra nước ngoài. Ông nói: "Tất nhiên, trong ngắn hạn, chúng ta có thể không thấy một lượng lớn tiền chảy khỏi Hồng Kông ... Về lâu dài, Luật An ninh quốc gia sẽ thay đổi môi trường kinh doanh và pháp lý của Hồng Kông và làm cho nó tồi tệ hơn”.
Các công ty ở Hồng Kông lo ngại
Có những dấu hiệu cho thấy các công ty ở Hồng Kông đang ngày càng lo lắng. Trước đây, Trung Quốc đã chỉ trích nhiều công ty đã thúc đẩy chủ nghĩa ly khai và gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của Trung Quốc, như nhiều hãng hàng không coi Hồng Kông hoặc Đài Loan là điểm đến của họ. Ngân hàng HSBC tập trung vào các khoản đầu tư ở châu Á, cũng bị cáo buộc đã hợp tác với chính quyền Mỹ, cung cấp bằng chứng giúp điều tra Huawei.
Ông Khổng Hạo Phong nói: "Theo Luật An ninh quốc gia, những hành động này trong tương lai có thể bị truy tố”. Luật này chắc chắn mang lại mức độ không chắc chắn cao cho người giàu Hồng Kông, mà đó chính là nền tảng cho sự thịnh vượng của Hồng Kông”.
Địa vị là trung tâm tài chính châu Á của Hồng Kông sẽ bị mất trong tương lai? (Ảnh: Deutsche Welle).
|
Người dùng phương tiện truyền thông xã hội ở Trung Quốc đại lục đã bắt đầu hành động chống lại điều họ gọi là giới nhà giàu Hồng Kông chống chính phủ. Tỷ phú Hồng Kông và nhà phát triển bất động sản Lưu Luyến Hùng (Joseph Lau) đã phủ nhận trên các phương tiện truyền thông địa phương việc ông và vợ ủng hộ những người biểu tình dân chủ Hồng Kông.
Chu Trác Hoa (Zhou Zhuohua), Giám đốc điều hành của Suncity Group, Tập đoàn kinh doanh sòng bạc chính Ma Cao, cũng phủ nhận rằng ông đã sử dụng các phần tử tội phạm có tổ chức để tài trợ cho những người biểu tình.
Người nước ngoài cũng lo sợ
Tại Hồng Kông có 9.000 doanh nghiệp vốn nước ngoài, trong đó 1.300 đến từ Mỹ. Do những bất ổn chính trị vào nửa cuối năm 2019, Hồng Kông chính thức rơi vào suy thoái. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Hồng Kông đã giảm 47% trong năm ngoái xuống còn 55 tỷ USD (hay 48 tỷ euro).
Ba phần tư các công ty Mỹ hoạt động tại Hồng Kông lo lắng về Luật An ninh quốc gia. Điều họ lo lắng nhất là tính mơ hồ của luật này, liệu các cấu trúc tư pháp nổi tiếng độc lập của Hồng Kông có bị đe dọa hay không và liệu vị thế một trung tâm kinh doanh quốc tế của Hồng Kông có bị đe dọa hay không.
Tara Joseph, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hồng Kông (American Chamber of Commerce in Hong Kong), nói với Bloomberg: “Một trong những điều tốt nhất của Hồng Kông, điều tốt nhất về kinh doanh ở đây là, nó là cầu nối giữa mọi thứ và là một thành phố internet tuyệt vời. Giờ đây, kiểu kết nối này ... đã không dễ cảm nhận, nhất là sau khi Luật An ninh quốc gia được thông qua”.
Do quan hệ Trung - Mỹ căng thẳng, Trung Quốc đã trục xuất các phóng viên The New York Times khỏi văn phong Bắc Kinh (Ảnh: Deutsche Welle).
|
Theo một cuộc khảo sát được Phòng Thương mại thực hiện, hơn một phần ba các công ty Mỹ đang có kế hoạch chuyển vốn, tài sản hoặc nghiệp vụ kinh doanh ra khỏi Hồng Kông.
Các yếu tố mà luật pháp mang đến Hồng Kông quen thuộc với bất kỳ ai từng làm việc tại Trung Quốc đại lục. Có một loạt các quy tắc khó hiểu và các quy tắc này thường được áp đặt tùy tiện. Là một phóng viên hoặc doanh nhân làm việc tại Trung Quốc, bạn biết rằng bạn đã vi phạm các quy tắc tại một số điểm, nhưng điều quan trọng là làm thế nào để thực thi các quy tắc.
Ngành công nghệ chịu gánh nặng đầu tiên
Sau khi luật được ký, các nhà quan sát đang theo dõi ảnh hưởng của nó đối với nền kinh tế. Giới khoa học và công nghệ cảm nhận đầu tiên về điều này.
Trong nhiều năm, Hồng Kông được hưởng quyền tự do ngôn luận trên Internet cho đến khi Luật ANQG được ban hành. Google, Facebook và Twitter đã ngừng xử lý yêu cầu của chính phủ Hồng Kông đối với dữ liệu người dùng vì họ đang nghiên cứu tác động của luật mới.
Ngay cả TikTok, thuộc sở hữu của gã khổng lồ Internet Trung Quốc ByteDance nhưng không được sử dụng ở Trung Quốc đại lục, cũng đã rút khỏi cửa hàng trực tuyến tại Hồng Kông và tạm ngừng phục vụ người dùng hiện tại.
Ngoài ra, để đáp ứng với Luật ANQG mới, New York Times sẽ chuyển một số nhân viên từ Hồng Kông sang Seoul, Hàn Quốc. Mặc dù điều này không ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế, nhưng động thái này đã làm sâu sắc thêm tâm trạng ngày càng chán nản của Hồng Kông. Đội ngũ kỹ thuật số của cơ quan truyền thông Mỹ này chiếm khoảng một phần ba phân xã tại Hồng Kông.
Chính sách đối ngoại về di dân
Người Hồng Kông có “bỏ phiếu bằng chân” hay không? Một cuộc khảo sát trên 890 công dân Hồng Kông do tạp chí Foreign Policy thực hiện đã cho thấy khoảng một nửa trong số họ đã cân nhắc việc di cư khỏi Hồng Kông do vấn đề pháp luật.
Gần một phần ba số người được phỏng vấn thích người hàng xóm Đài Loan. Đài Loan đã đấu tranh về chế độ với Bắc Kinh trong một thời gian dài và đã mở một văn phòng mới để giúp đỡ những người Hồng Kông chạy trốn.
Mặc dù Thủ tướng Anh Boris Johnson đề xuất khoảng 3 triệu người Hồng Kông có thể đến Vương quốc Anh để xin quyền công dân, nhưng chỉ 10% những người có ý định di cư chọn Anh là sự lựa chọn đầu tiên của họ; Canada và Australia được coi là điểm đến thích hợp hơn.
Khủng hoảng hàng xa xỉ
Trong nhiều năm qua, Hồng Kông luôn là kinh đô mua sắm hàng xa xỉ của châu Á, nhưng từ các cuộc biểu tình năm ngoái, đến COVID-19 rồi luật an ninh mới hiện hành, một loạt các sự cố đã khiến Hồng Kông “thất thủ”.
Thị trường hàng xa xỉ của Trung Quốc đang hồi phục sau đại dịch COVID-19, nhưng người mua hàng không chuyển hướng sang Hồng Kông. Ngược lại, ngành bán lẻ Hồng Kông đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ Đại lục.
Theo nghiên cứu của công ty tư vấn Bain, Trung Quốc chiếm khoảng 90% tăng trưởng doanh số bán hàng xa xỉ toàn cầu năm ngoái. Các thương hiệu như Louis Vuitton, Gucci, Cartier, Chanel và Dior đã chứng kiến doanh số tăng 40 đến 90% vào đầu tháng 6.
Công ty tư vấn McKinsey cho rằng tầng lớp trung lưu của Trung Quốc có khoảng 550 triệu người, đây là một con số đáng kinh ngạc, nhiều hơn tổng dân số của Hoa Kỳ. Về sức mua bình quân đầu người, Trung Quốc vẫn thua kém Hoa Kỳ, nhưng rõ ràng đang ở mô thức mở rộng.
Hồng Kông vốn là kinh đô hàng xa xỉ. Cảnh khách mua xếp hàng để vào cửa hàng Chanel trước đây. Nay hệ thống cửa hàng này đã đóng cửa do dịch COVID-19 (Ảnh: Deutsche Welle).
|
Giới tài chính không lo lắng
Mặc dù vị thế là cửa ngõ vào châu Á của Hồng Kông có thể được thay thế bằng Singapore, thậm chí Đài Bắc, nhưng vai trò là cửa ngõ vào Trung Quốc thậm chí còn mạnh mẽ hơn. Ngành dịch vụ tài chính có thể vẫn hoạt động tốt.
Đồng thời, Mỹ đang siết chặt kiểm soát đối với các công ty nước ngoài được lên sàn ở New York, vốn từ lâu đã ít được xem xét kỹ lưỡng hơn so với các cổ phiếu niêm yết trong nước. Sau khi Thượng viện Mỹ thắt chặt các quy định đối với các công ty Trung Quốc, các công ty Trung Quốc đang chuyển sang thị trường Hồng Kông.
Yum China, nhà điều hành của Pizza Hut và KFC tại Trung Quốc đại lục, đã đăng ký niêm yết tại Hồng Kông với giá 2 tỷ USD và đơn vị phân phối của Alibaba là Zhongtuo Express cũng đang xem xét bán cổ phiếu của họ tại Hồng Kông.
Các công ty này sẽ được niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông cùng với Tập đoàn Alibaba, nhà phát triển trò chơi Netease và nhà bán lẻ trực tuyến JD.com. Kể từ tháng 11 năm ngoái, họ đã huy động được tổng cộng 20 tỷ USD thông qua niêm yết thứ cấp ở Hồng Kông.
Hai tác giả J. Stewart Black và Allen J. Morrison đã đăng tải một bài báo trên tạp chí Harvard Business Review, cho rằng sự phát triển tình hình gần đây ở Hồng Kông là mối đe dọa lớn đối với các công ty nước ngoài hoạt động tại Hồng Kông. Điều này phần lớn phụ thuộc vào lý do các công ty nước ngoài có mặt ở Hồng Kông: họ chỉ vì thị trường Hồng Kông, vì thị trường Trung Quốc hay toàn bộ châu Á?
Mặc dù họ cho rằng các công ty nên chú ý đến việc bảo vệ an toàn nhân viên, xem xét các tình huống tiềm ẩn và lập kế hoạch khi cần phải di dời, nhưng nhìn chung họ vẫn lạc quan.
Bài báo đề cập: "Vào cuối ngày, Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào Hồng Kông về thương mại, đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn chủ sở hữu, vốn nợ và ngoại hối. Những quyền lợi này cần khiến các nhà lãnh đạo của họ không quá phóng tay khi thực thi luật an ninh”.
Deutsche Welle kết luận, Phương Tây trong quá khứ cũng đã trừng phạt Trung Quốc. Năm 1989, Washington đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc sau Sự kiện Thiên An Môn. Nhưng chỉ sau mấy năm, nhiều lệnh trừng phạt đã được dỡ bỏ. Đặng Tiểu Bình, nhà lãnh đạo Trung Quốc lúc đó, đã nói: "Các nước phương Tây rất chóng quên". Liệu lần này tình hình có giống khi xưa? Hãy chờ xem!