Nghị sĩ Nhật Bản ủng hộ các hạn chế xuất khẩu của Mỹ để ngăn chặn Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nghị sĩ Akira Amari, nhà kiến tạo chính sách phát triển công nghiệp bán dẫn Nhật Bản tuyên bố ủng hộ các hạn chế xuất khẩu của Washington, kêu gọi chính phủ Nhật Bản hợp tác với Mỹ ngăn chặn Trung Quốc.
Akira Amari, kiến trúc sư chính sách phát triển công nghệ chip Nhật Bản. Ảnh Shoko Takayasu/Bloomberg
Akira Amari, kiến trúc sư chính sách phát triển công nghệ chip Nhật Bản. Ảnh Shoko Takayasu/Bloomberg

Một chính trị gia quyền lực của Nhật Bản ủng hộ chiến dịch ngăn chặn của Washington nhằm kiềm chế tham vọng chip của Bắc Kinh, cảnh báo Trung Quốc là một trong những quốc gia đang tranh giành quyền bá chủ toàn cầu và cần phải áp đặt những biện pháp kiềm chế mạnh mẽ.

Ngày 20/1, nghị sĩ có ảnh hưởng lớn của đảng cầm quyền Akira Amari, kiến ​​trúc sư trưởng chính sách của Tokyo nhằm thúc đẩy sự ngành công nghiệp bán dẫn Nhật Bản, trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg News tuyên bố, quốc gia này cần tham gia cùng Mỹ thực thi các biện pháp cấm xuất khẩu máy móc và vật liệu chip mới nhất sang Trung Quốc. Nhưng những biện pháp trừng phạt như vậy cần phải được hiệu chỉnh cẩn thận để tránh bị cô lập hoàn toàn, có thể đe dọa sự ổn định kinh tế toàn cầu.

Cựu bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, cơ quan chịu trách nhiệm về các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Nhật Bản, cũng lập luận rằng, một phương pháp chống Trung Quốc là hỗ trợ Nhật Bản có được khả năng thiết kế và sản xuất chất bán dẫn. Ông nhắc lại lại những quan điểm phổ biến từ Brussels, Washington và Seoul. Ông cũng ủng hộ khoản đầu tư 10 nghìn tỷ yên (78 tỷ USD) của chính phủ và doanh nghiệp để phát triển công nghệ bán dẫn, bao gồm một gói kích thích tương tự như Đạo luật CHIPS của Hoa Kỳ, cung cấp hơn 50 tỷ USD hỗ trợ các nhà sản xuất chip và phát triển công nghệ chip.

“Các quốc gia như Trung Quốc, Nga và Triều Tiên đang giành quyền bá chủ toàn cầu và chúng ta không bao giờ nên để các quốc gia này đạt được điều đó,” Amari nói với Bloomberg News trong cuộc phỏng vấn. “Chúng ta phải cùng Mỹ ngăn chặn khả năng xuất khẩu những chip tiên tiến, có thể được chuyển hướng sử dụng cho mục đích quân sự và gây ra những lo ngại nghiêm trọng về an ninh.”

Quan điểm của nhà lập pháp 73 tuổi lặp lại mối đe dọa ngày càng tăng của sức mạnh quân sự Trung Quốc đối với Nhật Bản, thực tế đã khiến thủ tướng Fumio Kishida kêu gọi tăng ngân sách quốc phòng.

Chất bán dẫn tiên tiến – cung cấp sức mạnh tính toán cho trí tuệ nhân tạo và siêu máy tính là trọng tâm sự chú ý của các chuyên gia trong lĩnh vực an ninh quốc phòng vì tiềm năng ứng dụng quân sự của linh kiện.

Nhật Bản và Hà Lan là 2 quốc gia có những doanh nghiệp lớn, cung cấp thiết bị và vật liệu sản xuất chip, điều đó cần đến sự hợp tác chặt chẽ giữa hai quốc gia để các lệnh trừng phạt chip của Mỹ có hiệu quả. Bloomberg News trong một bài báo cho biết, 2 đồng minh của Mỹ sẽ cam kết tham gia cùng Washington trong chiến dịch ngăn chặn Trung Quốc vào cuối tháng 1/2023.

Trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, cần phải thảo luận về vấn đề, loại chip nào có khả năng gây nguy hiểm đối với an ninh quốc gia, vì dường như không có sự đồng thuận giữa Mỹ và Hà Lan. Ông Amari nói. “Các nước phương Tây phải thông báo, loại chip nào gây ra mối đe dọa khi xuất khẩu, đồng thời đạt được thỏa thuận về ranh giới giữa các sản phẩm tiên tiến hoặc nhạy cảm và những sản phẩm thông thường.”

Nhà lập pháp hàng đầu Nhật Bản nhấn mạnh, sẽ không thực tế nếu cắt đứt hoàn toàn Trung Quốc, một trong những thị trường lớn nhất thế giới khỏi ngành công nghiệp bán dẫn. Ông cũng nhấn mạnh, không nên hạn chế khả năng xuất khẩu các hàng hóa khác không nhạy cảm của những doanh nghiệp sản xuất linh kiện bán dẫn.

Amari là người hậu thuẫn cho nỗ lực cung cấp tài chính hỗ trợ cho xây dựng các nhà máy sản xuất chip tại nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Gói kích thích, mặc dù thua xa Mỹ, nhưng đã giúp quốc gia này trở thành đối thủ trong cuộc đua phát triển sản xuất chip công nghệ tiên tiến trong nước. Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan đang xây dựng một nhà máy ở Kumamoto, miền tây Nhật Bản cùng với Sony Group Corp và tiếp tục nghiên cứu xem xét xây dựng một nhà máy khác. Doanh nghiệp chip nhớ khổng lồ Mỹ Micron Technology Inc cũng đang xây dựng nhà máy sản xuất chip ở quốc gia này.

Nghị sĩ Amari cho rằng, chính phủ Nhật Bản và các công ty lớn nên đầu tư ít nhất 10 nghìn tỷ yên trong thập kỷ tới để Nhật Bản giành lại vị trí dẫn đầu trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Một cơ sở quan trọng trong tham vọng của Nhật Bản là công ty Rapidus Corp. mới thành lập, đang tìm cách sản xuất những con chip hàng đầu với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Viện nghiên cứu của chính phủ và các công ty như Toyota Motor Corp., Sony, IBM. Mặc dù Nhật Bản chiếm lĩnh được thị trường về một số thiết bị và vật liệu chip, công nghệ sản xuất của quốc gia này lại bị tụt hậu rất xa trong sản xuất các mạch tích hợp logic (IC). Nhật Bản từng được coi là một cường quốc phát triển trong lĩnh vực bán dẫn đến mức xung đột với Mỹ về những chính sách công nghiệp của nước này.

Nghị sĩ Amari nói: “Đây là cơ hội cuối cùng để Nhật Bản nổi lên như một cường quốc chip. Điều quan trọng là chúng ta học hỏi từ những sai lầm trong quá khứ. Trong quá khứ, chúng tôi đã đứng lên chống lại Mỹ về chip và đó là một sai lầm.”

Theo Bloomberg