Nghị sĩ EU nói "phương Tây có quyền cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Nga phản ứng sau khi một thành viên Nghị viện châu Âu cho rằng, các nước phương Tây có quyền cấp vũ khí hạt nhân giúp Ukraine đối phó chiến dịch quân sự của Moscow.
Nga nhiều lần cảnh báo nguy cơ xung đột lan rộng khi phương Tây tiếp tục cấp vũ khí cho Ukraine (Ảnh minh họa: AFP).
Nga nhiều lần cảnh báo nguy cơ xung đột lan rộng khi phương Tây tiếp tục cấp vũ khí cho Ukraine (Ảnh minh họa: AFP).

"Phương Tây có quyền cung cấp cho Ukraine các đầu đạn hạt nhân để họ có thể tự bảo vệ nền độc lập của mình", hãng tin RT dẫn lời ông Sikorski, một thành viên Nghị viện châu Âu, trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Espreso của Ukraine hôm 11/6.

Ông Sikorski, cựu Ngoại trưởng Ba Lan từ năm 2007 đến 2014, cho rằng Nga đã vi phạm Bản ghi nhớ Budapest. Đây là thỏa thuận được ký kết năm 1994 giữa Ukraine, Nga, Anh và Mỹ, trong đó, Kiev nhất trí từ bỏ kho vũ khí hạt nhân từ thời Liên Xô. Đổi lại, các bên ký kết cam kết "tôn trọng độc lập, chủ quyền và biên giới hiện tại của Ukraine".

Ông Sikorski cáo buộc Nga đe dọa Ukraine bằng vũ khí hạt nhân và cho rằng phương Tây phải "ngăn chặn" điều này.

Đáp lại quan điểm trên của chính trị gia châu Âu, Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin hôm qua cho rằng, ý tưởng cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine có thể kéo theo "xung đột hạt nhân ở trung tâm châu Âu".

Ông Volodin cảnh báo: "Ông ấy không nghĩ về tương lai của Ukraina hay Ba Lan. Nếu đề xuất của ông ấy thành hiện thực, những quốc gia này sẽ biến mất, cùng với toàn bộ châu Âu. Người châu Âu sẽ gặp những rắc rối nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì mà họ đang phải đối mặt như tị nạn, lạm phát phi mã, khủng hoảng năng lượng".

Giới chức Nga cũng nhiều lần cho rằng nguy cơ một cuộc chiến tranh hạt nhân nếu khủng hoảng Ukraine lan rộng khi các nước NATO tiếp tục "bơm" vũ khí cho Kiev.

"Việc các nước NATO bơm vũ khí cho Ukraine, đào tạo quân đội của họ sử dụng thiết bị phương Tây, cử lính đánh thuê và tiến hành các cuộc tập trận ở những nước trong liên minh gần biên giới chúng tôi làm tăng khả năng xảy ra xung đột trực tiếp và công khai giữa NATO và Nga thay vì chiến tranh ủy nhiệm. Một cuộc xung đột như vậy luôn tiềm ẩn nguy cơ biến thành cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện. Đây sẽ là viễn cảnh thảm khốc cho tất cả mọi người", Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev cảnh báo. Mặt khác, Moscow cũng bác bỏ thông tin cho rằng Nga đang triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine.

"Sẽ không ai chiến thắng trong một cuộc chiến hạt nhân, một cuộc chiến như vậy không được phép xảy ra", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Alexey Zaytsev hồi tháng 5 nhấn mạnh.

Về phía Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky từng nhấn mạnh, Bản ghi nhớ Budapest sẽ không còn hiệu lực nếu an ninh của Ukraine không được đảm bảo. "Ukraine đã nhận được các đảm bảo an ninh để đổi lấy việc loại bỏ kho hạt nhân lớn thứ 3 trên thế giới. Chúng tôi không có các vũ khí như vậy. Chúng tôi cũng không có sự đảm bảo", ông Zelensky nói.

Theo Dantri.com.vn