“Ngáo ộp” lãi suất FED có đe tỷ giá USD/VND?

Ngày 3/8, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia công bố báo cáo tình hình kinh tế tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2015. Những ảnh hưởng/áp lực đối với tỷ giá USD/VND những tháng cuối năm được nhìn nhận là có.
Tính đến cuối tháng 7/2015, dự trữ ngoại hối của Việt Nam là 37 tỷ USD, nếu tính thêm các khoản khác thì ở khoảng 40 tỷ USD, riêng vàng thì có 10 tấn.
Tính đến cuối tháng 7/2015, dự trữ ngoại hối của Việt Nam là 37 tỷ USD, nếu tính thêm các khoản khác thì ở khoảng 40 tỷ USD, riêng vàng thì có 10 tấn.

Theo báo cáo trên, thị trường ngoại hối tiếp tục duy trì ổn định trong tháng qua, tỷ giá USD/VND chủ yếu đi ngang trong biên độ 21.805 - 21.815 VND (tỷ giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng - PV).

Các yếu tố giúp thị trường ngoại hối duy trì sự ổn định, qua phân tích trong báo cáo, là do Ngân hàng Nhà nước cho thấy sự nhất quán trong điều hành tỷ giá; mức giá định hướng bán ra của nhà điều hành 21.820 VND vẫn giữ vai trò ngưỡng chặn trên vững chắc của thị trường.

Ngoài ra, theo Tổng cục Hải quan, cán cân thương mại có sự cải thiện trong nửa cuối tháng 6, cả tháng 6 nhập siêu 140 triệu USD, thấp hơn mức ước tính 700 triệu USD trước đây.

Ở nguồn cung, riêng kiều hối năm nay, theo dự kiến đưa ra trong báo cáo của Ủy ban Giám sát, có thể lên tới 13 - 14 tỷ USD. Cùng đó, vốn FDI giải ngân 6 tháng đầu năm 2015 đạt 6,3 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ 2014.

Trong những tháng cuối năm, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia dự báo sẽ có những ảnh hưởng/áp lực nhất định đối với mục tiêu điều hành tỷ giá.

Cụ thể, trong nước, do yếu tố mùa vụ nên cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao; đặc biệt trong bối cảnh sản xuất phục hồi tốt, khu vực doanh nghiệp mở rộng quy mô.

Bên ngoài, triển vọng tăng lãi suất của FED vào cuối năm làm tăng xu hướng đảo chiều của dòng vốn gián tiếp ra khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam (mặc dù tác động này tới Việt Nam không lớn); cũng như làm giảm tính hấp dẫn của VND.

Mặt khác, đồng USD tăng giá cũng ảnh hưởng nhất định lên tỷ giá trong nước.

Về khả năng FED nâng lãi suất, báo cáo đưa ra dự tính là “khả năng chắc chắn”.

Cụ thể, Mỹ tiếp tục là điểm sáng của kinh tế thế giới khi đón nhận nhiều thông tin tích cực trong tháng 6. Trước những tín hiệu khả quan này, Mỹ đã hạ dự báo thâm hụt ngân sách năm 2015 xuống 455 tỷ USD, giảm 128 tỷ USD so với mức ước tính đưa ra hồi tháng 2, nhờ cắt giảm chi tiêu và nguồn thu ngân sách ước tính tăng cao. Và điều này sẽ làm tăng khả năng chắc chắn FED nâng lãi suất vào cuối năm nay.

Trước đó, tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2015 hồi tháng 4 vừa qua, TS. Hà Huy Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cũng từng nhấn mạnh đến dự báo tác động trên đối với mục tiêu ổn định tỷ giá USD/VND.

Cùng thời điểm đó, một số chuyên gia cũng nhận định khả năng FED sẽ tăng lãi suất vào tháng 6/2015. Đây là một trong những yếu tố tác động nổi bật đối với tâm lý thị trường, tỷ giá USD/VND có biểu hiện căng thẳng vào cuối tháng 4 đầu tháng 5.

Và ngày 7/5, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh nốt 1% còn lại trong định hướng không quá 2% cho cả năm nay, với mục tiêu và cam kết giữ ổn định tỷ giá. Quyết định điều chỉnh đó cũng có một đích ngắm là hạn chế bớt kỳ vọng của thị trường về khả năng FED nâng lãi suất.

Lần này, tình huống FED nâng lãi suất vào cuối năm nay, như trên, được nhận định là “chắc chắn”. Tác động liên quan cũng đã được Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đánh giá ở trên.

Đáng chú ý, trong diễn biến thông tin gần đây, trong bối cảnh thị trường ngoại hối ổn định, tỷ giá êm, nhưng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình bất ngờ đưa ra dữ liệu về quy mô dự trữ ngoại hối. Thông thường, việc công bố thông tin như trên là một liệu pháp để góp phần ổn định tâm lý thị trường khi cần thiết.

Theo đó, tính đến cuối tháng 7/2015, dự trữ ngoại hối của Việt Nam là 37 tỷ USD, nếu tính thêm các khoản khác thì ở khoảng 40 tỷ USD, riêng vàng thì có 10 tấn.

Việc công bố quy mô này là gián tiếp nói về nguồn lực và mức độ sẵn sàng của Ngân hàng Nhà nước nếu cần can thiệp. Liên quan ở đây là tình huống “ngáo ộp” lãi suất FED sẽ nâng lên vào cuối năm và ảnh hưởng đến tỷ giá.

Nếu tình huống đó xảy ra, thị trường có “xao xuyến”, Ngân hàng Nhà nước có thể bán ra can thiệp. Nguồn lực và mức độ sẵn sàng sẽ như thế nào?

Trong một báo cáo mới đây, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) có nhận định: “Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể bán ra đến 5 - 6 tỷ USD, tương đương với mức thâm hụt cán cân thương mại trong kịch bản xấu. Vì vậy, nếu thị trường không xuất hiện đồng thời các cú sốc lớn thì nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ hoàn thành mục tiêu điều hành tỷ giá trong năm nay”.

Quy mô trên không hẳn là nhận định riêng của BIDV. Ngay trong đợt biến động cuối tháng 5 vừa qua, tức chỉ rất ngắn sau quyết định điều chỉnh thêm 1% ngày 7/5, tỷ giá USD/VND lại có hơi hướng căng thẳng, thậm chí có đồn đoán về khả năng tiếp tục có phá giá.

Lãnh đạo chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước một lần nữa lên tiếng, tái khẳng định cam kết giữ ổn định và không phá giá tiếp từ nay đến cuối năm. Cùng đó, nhà điều hành tuyên bố sẵn sàng bán ra can thiệp, và thực tế đã bán ra can thiệp.

Tại thời điểm đó, giới thạo tin đã từng trao đổi với nhau, trong kịch bản xấu từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước có thể “chịu chơi” cỡ 5 - 6 tỷ USD, chứ không hẳn là “rón rén” trong can thiệp. Chính thông tin về mức độ “chịu chơi” đó đã góp phần định hình tâm lý và kỳ vọng của một số, hoặc nhiều, thành viên trực tiếp giao dịch trên thị trường.

Theo Minh Đức - TBKTVN