Không phải đến thời điểm này, mà cách đây sáu năm, nguy cơ dư thừa của ngành thép đã được báo động.Vì tại thời điểm đó, người ta nhìn thấy, nếu thực hiện theo Quyết định 145/QĐ-CP năm 2007 (Quy hoạch phát triển ngành thép Việt Nam giai đoạn 2007-2015, có xét đến 2025) thì chỉ sau vài năm, cung đã gấp đôi cầu.
Đến năm 2013, Bộ Công Thương phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và phân phối thép giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2025, có điều chỉnh quy mô phát triển thị trường trên cơ sở loại những dự án lớn mà thiếu khả thi. Theo đó, quy hoạch ngành thép năm 2013 khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào ngành thép; hạn chế đầu tư sản xuất các sản phẩm trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng.
Tại thời điểm đó, mục tiêu sản xuất gang đến năm 2015 là 6 triệu tấn; sản xuất phôi thép từ gang, sắt xốp và thép phế đến năm 2015 đạt khoảng 12 triệu tấn; sản xuất thép thành phẩm năm 2015 đạt khoảng 13 triệu tấn.
Nhưng thực tế, theo văn bản cập nhật mới nhất hôm 7-6-2016 của Hiệp hội Thép Việt Nam gửi Bộ Công Thương và Bộ Tài chính thì tính đến hết 2015, năng lực sản xuất thực tế của ngành thép đã cân đối với nhu cầu. Nhưng đáng nói nhất là nhìn chung các doanh nghiệp chỉ vận hành được gần 60% công suất lắp đặt.
Ngoại trừ sản xuất gang chưa đạt đến mục tiêu như quy hoạch đề ra (sản lượng 2015 là 1,7 triệu tấn, công suất lắp đặt là 2,7 triệu tấn), còn lại các sản phẩm thép đều dư thừa. Đến hết năm 2015, sản lượng phôi thép là gần 5,7 triệu tấn (công suất lắp đặt 12,61 triệu tấn); sản lượng thép xây dựng 7,1 triệu tấn (công suất lắp đặt 12,78 triệu tấn); sản lượng thép cuộn cán nguội 2,9 triệu tấn (công suất lắp đặt 5,75 triệu tấn); sản lượng ống thép hàn 1, 54 triệu tấn (công suất lắp đặt 3,07 triệu tấn); sản lượng tôn mạ màu và kim loại 3,34 triệu tấn (công suất lắp đặt 4,7 triệu tấn).
Với sản lượng thực tế và công suất lắp đặt như vậy, đến năm 2015, ngành thép đã đáp ứng đủ nhu cầu trong nước về các sản phẩm thép xây dựng, phôi thép, cuộn cán nguội, ống thép hàn, tôn mạ kim loại và sơn phủ màu. Ngoài ra, cung dư thừa nên nhiều doanh nghiệp đã xuất khẩu
Mấy năm trước, do cầu suy giảm và thép Trung Quốc bán phá giá tràn sang, nhiều doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, thậm chí đóng cửa. Chỉ có khoảng 50% số nhà máy luyện thép lớn còn hoạt động. Tình hình tiêu thụ thép có cải thiện từ đầu năm đến nay nhờ áp thuế tự vệ tạm thời đối với thép dài và phôi thép nhập khẩu. Tuy nhiên, biện pháp tự vệ này chỉ được xem là tạm thời và tối đa được áp dụng không quá hai năm. Điều đó đồng nghĩa với việc ngành thép hiện đang dư cung phải đối diện với các vấn đề của chính mình nhiều hơn là trông chờ vào việc “bảo hộ” ngắn hạn của chính sách.
Dư thừa hàng loạt mặt hàng nhưng ngành thép lại phát triển không cân đối vì sản phẩm thép không đa dạng. Các loại thép chất lượng cao, thép hợp kim, thép tấm cán nóng, thép mạ kim loại phục vụ cho cơ khí chế tạo, công nghiệp đóng tàu thay thế nhập khẩu hầu như vẫn vắng bóng trong danh mục sản xuất trong nước. Do vậy, khi Công ty Formosa Hà Tĩnh xin phép đầu tư vào lĩnh vực sản xuất thép cán nóng với công suất 7 triệu tấn/năm, chủ yếu để xuất khẩu, họ dễ dàng nhận được cái gật đầu của chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý ngành thép.
Vấn đề nữa của ngành thép hiện nay là mục tiêu tăng dần tỷ lệ xuất khẩu các sản phẩm thép các loại, như tỷ lệ xuất khẩu năm 2015 khoảng 15%, nếu cố gắng thì có thể đạt được nhưng các doanh nghiệp trong nước lại đang phải “chiến đấu” với cuộc cạnh tranh ngay trên sân nhà còn khốc liệt hơn với thép Trung Quốc giá rẻ. Ví dụ, năm 2015, tỷ lệ xuất khẩu phôi của các doanh nghiệp trong nước không đáng kể nhưng ngành thép đã “mất” 26,5% thị phần phôi do Trung Quốc xuất sang. Tương tự, thép dài Trung Quốc dưới các hình thức gian lận thương mại, lách thuế khác nhau đã lấy đi 24% thị phần của các nhà sản xuất nội địa.
Như vậy, sau nhiều bản quy hoạch ngành thép bị vỡ hoặc được thực thi nhưng phát triển không đều, đến nay, bức tranh toàn cảnh về những phần nổi và chìm của ngành thép là khá rõ.
Không thể phủ nhận những năm qua, ngành thép đã dần loại bỏ được các doanh nghiệp quy mô nhỏ, lẻ, công nghệ lạc hậu và dần hình thành những khu công nghiệp thép được đầu tư đồng bộ, khép kín. Song các giải pháp bảo vệ môi trường như bản quy hoạch đến năm 2020 đề ra đến nay lại thất bại. Việc hạn chế, giảm thiểu mức độ ô nhiễm môi trường, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường... không hoàn thành, ngược lại ngày càng có nhiều vi phạm, với quy mô lớn hơn và mức độ thiệt hại nặng hơn. Như trường hợp gây ô nhiễm môi trường của Khu liên hợp Luyện thép của Formosa vừa qua, dù khu này chưa làm lễ khánh thành và chạy đủ công suất thiết kế.
Theo TBKTSG