Phục vụ một nền kinh tế nội địa có mức tăng trưởng tốt, lại không vấp phải sự cạnh tranh gay gắt nào, cũng như không hề bị gánh nặng đầu tư không thể kiểm soát, bốn “ông lớn” trong ngành ngân hàng Úc —Commonwealth Bank, National Australia Bank (NAB), ANZ và Westpac — từng mang lại niềm vui cho các cổ đông với tỉ lệ cổ tức cao chót vót. Tuy nhiên trong tháng vừa qua, những lo ngại về cân đối thu chi và thị trường nhà đất ảm đạm ở quốc gia này đã khiến cổ phiếu của họ giảm 10%-16%. Các kết quả thường niên được công bố trong những tuần gần đây không còn được như xưa, với mức lợi nhuận cho vay bị sụt giảm trong khi chi phí lại tăng.
Các nhà đầu tư sợ rằng những hoàn cảnh thuận lợi giúp mang lại lợi nhuận “khủng” của những năm gần đây sắp đến hồi kết. “Siêu chu kỳ” hàng hóa từng giúp Úc và các ngân hàng lớn ở nước này tăng trưởng đã không còn. Tỉ lệ thất nghiệp cũng đang tăng cao.
Mối lo ngại lớn nhất chính là “sức khỏe” của những cuốn sổ nợ vay mua nhà tại các ngân hàng này. Các món nợ vay mua nhà trước đây là nguồn sinh lợi khổng lồ cho các ngân hàng Úc. Theo Brian Johnson của công ty môi giới CLSA, lợi nhuận từ nguồn này chiếm tới 50%, mức mà ngay cả giới ngân hàng ở phố Wall trước cuộc khủng hoảng tài chính cũng phải “thèm nhỏ dãi”. Thị trường chỉ xoay quanh 4 ngân hàng thống trị nền tài chính và những đợt điều chỉnh giá đồng bộ và giá nhà đất tăng được cho là nguyên nhân khiến cho mức lợi nhuận cao và thua lỗ thấp.
Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi giờ đây các món nợ vay mua nhà chiếm 40-60% tài sản của các ngân hàng Úc, tăng mạnh so với mức 15-30% của những năm đầu thập niên 1990. Nợ vay mua nhà ở New Zealand chiếm thêm 5-10%. Số nợ từ những công ty quản lý bất động sản hay các chủ sở hữu nhà đất chỉ mới trả được phần lãi cũng đang tăng lên. Điều đó có thể sẽ dẫn đến một thảm họa thật sự.
Giá nhà đã được hỗ trợ bởi lãi suất thấp trên khắp thế giới, giúp tiền chảy vào những tài sản sinh lợi tương đối cao (gồm cả các cổ phiếu ngân hàng). Điều này lại được “bồi thêm” bởi nguồn tiền khá rẻ trong nước – vào ngày 6/5 vừa qua, ngân hàng trung ương Úc đã giảm lãi suất xuống còn 2% – mức thấp nhất từ trước đến giờ, và thấp hơn nhiều so với mức 4,75% trong năm 2011.
Những “liều thuốc thử” của cơ quan quản lý trong tháng 11 năm ngoái cho thấy rằng một sự sụt giảm trong bất động sản sẽ ảnh hưởng nặng nề đến các ngân hàng. Khoảng 80% nợ vay mua nhà hiện tại chịu mức lãi suất không cố định, vì thế ngay cả một mức tăng lãi suất nhỏ cũng sẽ khiến cho người vay phải trả tiền nhiều hơn và có thể sẽ khiến khả năng vỡ nợ tăng cao. Các nhà điều hành lo ngại về sự thiếu đa dạng trong đầu tư của các ngân hàng, đặc biệt là khi xét tới sự phụ thuộc của họ vào ngoại tệ để cung cấp vốn. Họ muốn các ngân hàng hạn chế tăng trưởng trong lĩnh vực cho vay mua nhà nhiều rủi ro nhất và tự tạo nguồn tài chính cho mình bằng lượng cổ phần nhiều hơn và ít nợ hơn.
Chính phủ cũng đã yêu cầu hệ thống tài chính Úc kêu gọi các ngân hàng tăng cường vốn. Kết quả là tăng trưởng cổ tức đã chậm lại: vào ngày 6/5 vừa qua, NAB đã công bố họ sẽ phát hành lượng cổ phiếu mới trị giá 5,5 tỉ AUD (khoảng 4,4 tỉ USD), dù rằng một ít trong số đó sẽ giành cho việc giải phóng nó khỏi ngân hàng Clydesdale con ở Anh đang kinh doanh thất bát, lại đang muốn tách ra riêng. Tính chung, các ngân hàng Úc có thể cần đến 40 tỉ AUD nguồn vốn mới để đáp ứng được yêu cầu của các nhà điều hành.
Bốn “ông lớn” hiện vẫn có lợi nhuận cao, và lợi nhuận của họ sẽ vẫn tốt hơn so với hầu hết các ngân hàng Úc còn lại, bất chấp lượng cổ phần mới mà họ sẽ phải huy động. Đừng quên rằng các ngân hàng trên thế giới đều đang bị bắt buộc phải tự cung cấp vốn bằng nhiều cổ phần hơn. Những người dân Úc đang đi vay có thể ít bị vỡ nợ hơn so với người Mỹ, vì các ngân hàng đều có quyền đối với tất cả tài sản của họ, chứ không chỉ là nguồn bất động sản không chắc chắn. Các tỉ lệ nợ trên giá trị tài sản thế chấp cũng đang ổn định.
Tuy nhiên, những thay đổi của các nhà điều hành đã mang lại những mối lo ngại đáng chú ý khác. Tăng trưởng tín dụng ở Úc đang chậm lại, khiến sự cạnh tranh gay gắt về thị phần đang ngày càng tăng lên. Việc mở rộng vào các thị trường châu Á đông đúc dường như đang gặp khó khăn. Điều đó cũng khiến cho cơ hội đa dạng hóa mà giới điều hành mong muốn trở nên ít đi. Nếu họ không thể làm cho các ngân hàng ít phụ thuộc hơn vào các nguồn vay mua nhà thì họ sẽ phải tìm những cách khác để làm cho các ngân hàng an toàn hơn.
Theo Trí thức trẻ/The Economist