Hôm 31-7, báo cáo của SNB cho biết trong 50,1 tỷ franc thua lỗ có tới 47,2 tỷ franc dotỷ giá. Vì khoản lỗ quá lớn,ngân hàngsẽ phải kiếm một khoản lợi nhuận khổng lồ để bù vào trong nửa cuối năm nay, nếu không sẽ không thể chia cổ tức. Cổ đông của ngân hàng là chính quyền liên bang và 26 tiểu bang. “Việc trả cổ tức năm 2015 cho chính quyền liên bang và các tiểu bang có thể không thực hiện được nếu tình hình không cải thiện vào cuối năm” - nữ phát ngôn viên SNB Walter Meier nói.Quý II, SNB bị lỗ 20 tỷ franc, theo sau khoản lỗ hơn 30 tỷ franc vào quý I. Trước đó, SNB từng gây ngạc nhiên khi bất ngờ bỏ neo giá với đồng EUR vào ngày 15-1. Vào thời điểm đó, SNB áp mức trần giá trị của đồng franc là 1,2 franc/EUR. Kể từ khi bỏ neo giá, đồng franc đã tăng tới 12% so với EUR, 5,8% so với USD và 3,3% so với bảng Anh.
“Khi bạn có tài sản tới 530 tỷ franc bằng ngoại tệ, rõ ràng sẽ có một khoản tiền lớn bị bốc hơi vì giá ngoại tệ rớt so với franc. SNB đã biết rõ điều đó khi họ quyết định dỡ bỏ việc neo giá” - Lukas Gehrig, một nhà phân tích của Credit Suisse, nói. SNB đã phải tung tiền mua lại đồng EUR nhằm ngăn chặn đà tăng của đồng franc, nhưng xem ra biện pháp đó không mấy hữu hiệu.
SNB cảnh báo kết quả cả năm sẽ phụ thuộc nhiều vào diễn biến của thị trường hối đoái, vàng và các thị trường vốn. Hy vọng lớn nhất của SNB có lẽ là vào đồng bạc màu xanh lá của Hoa Kỳ. Trong thời gian gần đây, USD tăng giá đã giúp SNB bớt lỗ chút đỉnh. Năm ngoái, SNB đã chia 2 tỷ franc lợi nhuận cho chính quyền liên bang và các tiểu bang. Năm 2013, ngân hàng này lần đầu tiên không thể trả tiền cổ tức vì thua lỗ, nhưng chính quyền các tiểu bang năm đó có những khoản thu nhập để bù lại. Tình hình năm nay khó khăn hơn.
“Nếu SNB tiếp tục thua lỗ trong năm nay và không thể trả cổ tức vào năm 2016, tài chính của một số tiểu bang có thể rơi vào vùng đỏ. Họ sẽ phải hoạt động trên một khoản ngân sách rất chặt” - ông Gehrig cảnh báo. Những khoản cổ tức từ SNB chủ yếu đi vào ngân sách chi trả cho các dịch vụ công của chính quyền liên bang và tiểu bang.
Báo cáo bán niên của SNB cũng cho biết ngân hàng bị lỗ 3,2 tỷ franc vì dự trữ bằng vàng. Trong quý II, tài sản của SNB cũng bị thiệt hại do sự hỗn loạn của thị trường trái phiếu châu Âu. Thomas Jordan, Chủ tịch SNB, nhiều lần bày tỏ quan ngại về sự tăng giá của đồng franc. Đồng franc tăng giá đang làm tổn hại tới ngành xuất khẩu củaThụy Sĩvì các sản phẩm, dịch vụ trong nước trở nên đắt đỏ hơn.
Theo dữ liệu của BBC, tính đến nay xuất khẩu của Thụy Sĩ đã giảm 2,2% so với cùng kỳ. SFS, một công ty kỹ thuật, tuần trước cho biết đồng franc mạnh hơn đã khiến doanh số và lợi nhuận của công ty trong nửa đầu năm bị sụt giảm mạnh. Bởi vì giá các đơn hàng công nghiệp phải mất hàng tháng trời mới có thể điều chỉnh, một số nhà phân tích lo ngại tác động của đồng tiền mạnh có thể vẫn chưa được hiển lộ đầy đủ. “Chúng ta vẫn chưa thấy được chân tướng” - một nhà ngân hàng cảnh báo. Ngành du lịch cũng báo cáo có ít lượt du khách hơn, trong khi ngành bán lẻ cũng chứng kiến doanh số sụt giảm.
Đồng franc đã tăng giá 12% so với EUR kể từ ngày 15-1.
Việc cải thiện doanh thu của SNB sẽ càng khó khăn hơn nữa vì cuộc khủng hoảng gần đây của Hy Lạp, khiến người giàu xứ thần thoại đổ xô gửi tiền vào “thiên đường trú ẩn” Thụy Sĩ, sẽ càng làm đồng franc thêm tăng giá. Tuy nhiên, cũng có đôi chút hy vọng, là việc kinh tế khu vực Eurozone gần đây bất ngờ cải thiện và đồng USD tăng giá cùng với quyết định nâng lãi suất của FED đang đến gần.
Vì những lý do này, khoản lỗ khổng lồ ở SNB trong nửa đầu năm “không có gì phải hoảng sợ”, theo Markus Allenspach, Giám đốc nghiên cứu tài sản cứng của Julius Baer.