Ngân hàng quốc tế lo ngại về đống nợ của Trung Quốc

Sức hút từ thị trường Trung Quốc đã khiến các ngân hàng quốc tế đổ xô vào đây. Giờ đây, các tổ chức tài chính đang đau đầu giải quyết bài toán tín dụng trong tình hình bong bóng bất động sản và chứng khoán phình to.
Ngân hàng quốc tế lo ngại về đống nợ của Trung Quốc

Để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế đúng như những cam kết mà các nhà lãnh đạo tuyên bố, Trung Quốc đã cho phép các tổ chức tài chính liên tục tăng cường bơm tín dụng vào nền kinh tế, khiến nước này trở thành một trong những quốc gia đang phát triển có nhiều nợ nhất thế giới.

Tính đến tháng 12/2014, tổng nợ của các hộ gia đình và doanh nghiệp ngoài ngành tài chính đã tăng từ mức 118% GDP sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 lên 192% GDP. Con số này chưa bao gồm khoảng 4 nghìn tỷ USD nợ của chính quyền địa phương.

Hầu hết các khoản vay tại Trung Quốc đều được dùng cho đầu tư mở rộng sản xuất, vốn đã quá dư thừa, và cho đầu tư bất động sản, hiện đang trong nguy cơ vỡ bong bóng.

Hiện vẫn chưa thể xác định được sẽ có bao nhiêu khoản vay tín dụng trở thành nợ xấu hoặc tổ chức tài chính nào sẽ bị tổn thương nhiều nhất.

 Tuy nhiên, không chỉ các nhà lãnh đạo đang đau đầu với rủi ro tín dụng mà các nhà đầu tư nước ngoài cũng vô cùng lo ngại về tình hình vay nợ của Trung Quốc. Nguyên nhân rất đơn giản, sức hút từ thị trường khổng lồ của Trung Quốc đã khiến các ngân hàng quốc tế gia tăng cho vay tại quốc gia này.

Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, tính đến tháng 12/2014, tổng mức cho vay của các ngân hàng quốc tế đối với chính phủ, ngân hàng và các công ty Trung Quốc đạt mức 1,3 nghìn tỷ USD, cao gấp 5 lần so với thời kỳ trước khủng hoảng 2008.

Ảnh hưởng từ rủi ro tài chính Trung Quốc có thể diễn ra theo nhiều cách. Tiến trình này có thể xảy ra chậm như trường hợp Nhật Bản thập niên 90 khi nền kinh tế bị trì trệ và các ngân hàng hoạt động không hiệu quả do những khoản nợ xấu. Tác động này cũng có thể xảy ra đột ngột khi các ngân hàng quốc tế bị ảnh hưởng nặng từ rủi ro tín dụng tại thị trường Trung Quốc, khiến hệ thống tài chính quốc tế bị tổn thương. Thậm chí, cả hai cách trên có thể xảy ra cùng lúc.

 Theo Bloomberg/NĐH