Tuy nhiên còn một vấn đề cơ bản hơn và sẽ là mối quan tâm lâu dài hơn nhưng lại ít nhận được sự chú ý. Mỹ và phương Tây cáo buộc cách Zapad (cũng như các cuộc tập trận quân sự khác của Nga) gây mất ổn định nền an ninh khu vực bằng cách né tránh những cam kết xây dựng lòng tin mà Mátxcơva đã thực hiện ở Châu Âu.
Theo War On The Rocks, quan ngại của phương Tây về quy mô và mục đích của Zapad 2017 là hệ quả trực tiếp của việc Nga mập mờ về các hoạt động quân sự trong những năm qua. Nga đã không công bố về số quân tham gia trong cuộc tập trận để tránh sự nhòm ngó từ bên ngoài, và liên tục thực hiện các cuộc diễn tập lớn để kiểm tra sự đáp trả của phương Tây đối với các hoạt động quân sự bất ngờ này.
Hành động này xâu chuỗi với việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014 và cuộc chiến với Georgia năm 2008 đã hình thành nên ở phương Tây một nhận thức là Nga lại đang chuẩn bị sử dụng sức mạnh quân sự chống lại các nước láng giềng và khiến phương Tây lo ngại Mátxcơva không cảm thấy có nghĩa vụ phải tuân theo những luật lệ mà mình đã ký kết.
Các cuộc diễn tập lớn và bất ngờ đều gây lo ngại. Đó là lý do vì sao Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) lại đặt ra các ngưỡng bắt buộc thông báo trước và thực hiện giám sát. Và cho dù Nga đã ký vào thỏa thuận này, phương Tây cho rằng Nga vẫn thông báo số lượng quân tham gia các cuộc diễn tập ít hơn so với thực tế.
Đường lối yêu cầu giám sát các cuộc tập trận quân sự lớn chỉ là để tăng cường lòng tin và sự ổn định ở các nước Châu Âu, giảm nguy cơ hiểu nhầm và xung đột bằng cách bắt buộc phải minh bạch. Những vi phạm của Nga đối với đường lối này hết sức đáng lo ngại. Sau khi Nga sáp nhập Crimea, các hoạt động quân sự đã dấy lên nỗi sợ hãi rằng các cuộc tập trận quân sự lớn có thể là vỏ bọc của một cuộc tấn công. Trong giai đoạn căng thẳng giữa Nga và phương Tây gia tăng, hành vi này của Nga bị phương Tây cho là “thiếu trách nhiệm, không thể chấp nhận được".
Theo chỉ đạo năm 2011, các nước OSCE thực hiện tập trận với quá 13.000 lính sẽ buộc phải thông báo cho tất cả các nước thành viên OSCE trước khi diễn ra tập trận. Các nước cũng phải thực hiện chương trình giám sát cho các nước khác trong suốt thời gian diễn ra các cuộc tập trận như vậy, bao gồm tóm tắt về bối cảnh, cơ hội đàm phán với các sĩ quan và các chuyến bay trong cuộc diễn tập. Các cuộc tập trận nếu có sự tham gia của 300 xe tăng hoặc 500 xe thiết giáp cũng bắt buộc phải được giám sát. Điều này giúp các nước thành viên OSCE biết trước quy mô của các cuộc tập trận để không bị bất ngờ hoặc cảm thấy báo động quá mức, War On The Rocks cho biết.
Quân đội các nước phương Tây cũng tiến hành giám sát nếu các cuộc tập trận vượt quá 13.000 quân (như cuộc tập trận Saber Guardian 2017 do Mỹ dẫn đầu với 25.000 lính tham gia). Trong khi đó Nga tuyên bố tất cả các cuộc tập trận mà nước này thực hiện từ năm 1991 đến nay đều không vượt quá 13.000 quân. Theo OSCE, Nga đã tránh được việc bị giám sát cho dù không rõ Zapad 2017 thực tế có bao nhiêu lính tham gia.
Ba cuộc tập trận hàng năm gần đây nhất của Nga đã minh chứng cho điều này. Nga tuyên bố cả ba cuộc tập trận đều không quá 13.000 quân, nhưng cuộc tập trận Vostok 2014, theo thông tin từ cơ quan thông tấn Nga TASS lại có đến 100.000 quân. Năm 2015, TASS lại đưa tin cuộc tập trận Tsentr có đến 95.000 lính tham gia, và cuộc tập trận Kavkaz 2016 thì có đến 120.000 lính.
War On The Rocks cho rằng Nga có thể chống lại các biện pháp nhằm minh bạch hóa của phương Tây bằng nhiều cách. Nga thường tuyên bố mình sẽ tổ chức diễn tập trong khoảng thời gian ngắn và ít hơn 13.000 quân. Nga thông báo Zapad 2017 được tổ chức ở Balarus với 12.700 quân, ngay dưới ngưỡng mà OSCE đặt ra. Nga cũng huy động quân đội và diễn tập trước rất lâu so với ngay tuyên bố diễn tập chính thức. Mátxcơva và Minsk tuyên bố cuộc tập trận Zapad diễn ra từ 14-20/9 nhưng thực tế lại rục rịch từ đầu tháng 8 đến tận cuối tháng 9, khiến những nước thành viên NATO trong khu vực lo lắng.
Trong những năm gần đây, Nga cũng kêu gọi các cuộc diễn tập lớn và không cần thông báo, và thường trùng hợp với các cuộc tập trận chính thức. Vào tháng 2/2014, chỉ riêng cuộc tập trận của mình nước Nga đã có đến 150.000 binh sĩ tham gia ở quân khu tây, giáp biên giới Ukraine. Ngay sau đó là Nga sáp nhập Crimea, do đó phương Tây càng lo sợ trước các cuộc tập trận lớn của Mátxcơva.
Nga cũng chỉ ra rằng những cuộc tập trận như vậy hoàn toàn nằm trong mức cho phép của OSCE. Dù ký vào cam kết nhưng Mỹ và phương Tây cho rằng nước Nga đã có cách lách luật riêng, có thể nói Nga đang vẹn cả đôi đường.
Nga còn tìm cách thể hiện sự minh bạch bằng cách mời các tùy viên quân sự thường trú và các sĩ quan tới tham dự một buổi họp VIP để quan sát và tóm tắt các cuộc tập trận. Những hành động này không nằm trong điều khoản của Tổ chức OSCE và cũng chẳng làm rõ được quy mô huy động quân số thật sự. Nhưng những việc làm này lại giúp làm giảm sự chú ý của dư luận vào việc Nga không tuân thủ các điều khoản của OSCE.
Trong cuộc tập trận Kavkaz vào năm ngoái, Nga còn đi xa hơn bằng cách mời các tùy viên quốc phòng thường trú ở Mátxcơva tới tham dự một buổi tập ngắn trong một ngày, tổ chức tại Crimea, lãnh thổ Nga mới sáp nhập. Nhưng các tùy viên của NATO đã phản đối sự kiện này để thể hiện sự không chấp thuận của phương Tây đối với hành động sáp nhập của Nga.
Vì những lần tập trận trước mà lần này, nhiều chuyên gia phương Tây lo sợ Nga sẽ đưa hàng trăm nghìn quân tham dự Zapad 2017. Nhưng có vẻ như phương Tây đã quá lo xa và truyền thông Nga lại được dịp chế nhạo nỗi quan ngại của phương Tây trước thềm cuộc diễn tập. Tuy nhiên vẫn không biết chính xác có bao nhiêu quân tham gia vì Nga luôn tránh không nói rõ, do đó các nhà quan sát cũng không thể đánh giá đúng, do đó càng khiến các nước NATO giáp Nga lo lắng.
Điểm khác biệt của Zapad 2017 không phải là Nga không minh bạch, mà là Nga không minh bạch trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây gia tăng và địa điểm diễn ra cuộc tập trận lại rất gần các nước Baltic.
Theo War On the Rocks, hành vi của Nga được cho là xuất phát từ niềm tin rằng lợi ích quốc gia chỉ có thể đạt được bằng nhiều cách. Niềm tin này được hình thành do ba nguyên nhân. Thứ nhất là Nga có thể tin rằng việc mập mờ sẽ buộc phương Tây phải đoán già đoán non về ý định của Nga, khiến nước Nga trở nên khó lường và nguy hiểm hơn. Thứ hai, sự mơ hồ giúp Nga đưa ra cách diễn đạt duy nhất về cuộc tập trận, tiết lộ về vũ khí, bao biện cho những yếu kém và tối đa hóa mức độ ấn tượng của cuộc diễn tập. Điều này giúp Nga tránh bẽ mặt như vụ xe tăng T-14 Armata chết máy giữa Quảng trường Đỏ trong cuộc diễn tập diễu hành Ngày Chiến thắng năm 2015. Nga cũng tin rằng sẽ làm tăng hiệu quả răn đe của các cuộc tập trận cho dù phải gia tăng căng thẳng với châu Âu.
Dù động cơ là gì thì Nga vẫn muốn thực hiện các cuộc tập trận quân sự lớn, và nước này có quyền làm như vậy, nhưng theo War On The Rocks, Nga cần trung thực về quy mô và sẵn sàng để OSCE giám sát như nước này đã cam kết sẽ thực hiện. Điều này sẽ cho thấy Nga đã sẵn sàng tham gia một cách xây dựng vào cuộc đối thoại với NATO để củng cố tình minh bạch và làm giảm nguy cơ xảy ra các sự có bất ngờ kể từ sau khi căng thẳng gia tăng từ sau vụ sáp nhập Crimea năm 2014.