Nga và Belarus kiên định xây dựng Nhà nước liên minh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Lãnh đạo Nga và Belarus mới đây đã tiến hành thảo luận về quá trình liên minh hai nước, kết quả sẽ có một nhà nước liên minh Nga-Belarus.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nhất trí xây dựng nhà nước liên minh Nga- Belarus (Ảnh: Kp.ru)
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nhất trí xây dựng nhà nước liên minh Nga- Belarus (Ảnh: Kp.ru)

Tổng thống Putin nói: “Chúng tôi rất vui mừng thông báo với các bạn rằng: tất cả 28 chương trình đều đạt được sự đồng thuận. Những chương trình này sẽ được thông qua tại Hội đồng Bộ trưởng của nhà nước liên minh tại Belarus, sau đó đưa lên phê chuẩn tại Hội đồng nhà nước tối cao của nhà nước liên minh, dự tính từ nay đến cuối năm Hội đồng này sẽ nhóm họp”.

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Belarus đàm phán, thống nhất những vấn đề gì?

Đầu tiên là, quy định chung về đánh thuế gián tiếp, hình thành cơ chế thiết lập giá cả hàng hóa. Theo đó, hàng hóa có thể được nhập về qua biên giới của hai nước. Thuế và phí sẽ được thanh toán ở người tiêu dùng cuối cùng. Hiện nay, do hệ thống chưa hoàn thiện, việc phân bổ tài chính chưa minh bạch, còn có hiện tượng: khi thì bên này thu nhiều, lúc thì bên kia thu ít và ngược lại. Từ nay hiện tượng này sẽ chấm dứt. Đây là yếu tố rất quan trọng để liên kết kinh tế của hai nước.

Thứ hai, trong phạm vi nhà nước liên minh sẽ có không gian thanh toán chung, tiến tới hệ thống thanh toán thống nhất. Điều này cho phép chính phủ hai nước đấu tranh có hiệu quả hơn với nạn rửa tiền và tội phạm mạng. Trong tương lai, người dân Nga và Belarus có thể sử dụng thẻ ngân hàng trên lãnh thổ hai nước mà không gặp bất kỳ trở ngại nào.

Thứ ba, nhà nước liên minh Nga-Belarus sẽ có một thị trường năng lượng chung. Hai bên sẽ ký kết thành lập một thị trường dầu mỏ và các sản phẩm của dầu, một thị trường năng lượng thống nhất. Điều này giúp Minsk tránh được các lệnh trừng phạt. Khi các sản phẩm dầu được đưa ra thị trường dầu mỏ thống nhất và cung cấp cho châu Âu, không ai có thể tách ra đâu là phần của Belarus để mà áp đặt lệnh trừng phạt được.

Thứ tư, năm 2022, Nga vẫn cung cấp khí đốt cho Belarus theo giá của năm 2021, và bằng 28 USD/1.000 m khối, trong khi đó châu Âu mua khí đốt của Nga với giá 650 USD/1.000 m khối. Phía Nga thậm chí không lên chỉ số giá để chống lạm phát đối với Belarus. Hai nước sẽ thống nhất cách tiếp cận thị trường.

Cuối cùng, trên các chuyến bay giữa Nga và Belarus không cần áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Những văn bản đầu tiên về việc thành lập nhà nước liên minh Nga-Belarus được hai bên ký kết từ năm 1999, nhưng cho tới 9/9/2021 quá trình đàm phán mới được hoàn tất.

Lý giải cho sự chậm trễ này, Tổng thống Putin nói: “Trong quá trình đàm phán, một bên thì cho rằng: chỉ cần thông qua ở cấp chính phủ là được, bên kia lại cho rằng: cần phải có những biện pháp có tính nền tảng. Chúng tôi đã đạt được sự đồng thuận về chính sách kinh tế vĩ mô, suốt thời gian qua, chúng tôi tập trung vào việc xây dựng nền móng cho nhà nước liên minh”.

Tổng thống Belarus Lukashenko hài hước: “Và chúng tôi đã quyết định không lợp mái nhà, khi cái móng chưa thi công xong”. Ông nói thêm: “Chúng tôi không để thời gian làm hoen rỉ bất cứ việc gì, cái chính là việc làm của chúng tôi có hợp với lòng dân hai nước không. Nhất định sẽ có một ngày, các bạn sẽ được chứng kiến thành quả của công việc mà chúng tôi đang tiến hành”.

Nhà nước liên minh Nga-Belarus chưa có đồng tiền chung. Tổng thống Belarus Lukashenko giải thích: “Không phải là chúng tôi trì hoãn quá trình này, khi đưa vấn đề ngoại tệ chung ra bàn bạc, Ngân hàng trung ương Nga và Ngân hàng nhà nước Belarus đều cho rằng: hiện tại chưa phải là thời điểm để giải quyết vấn đề này, cả hai bên đều chưa sẵn sàng. Chúng tôi tạm hoãn lại vấn đề tiền tệ, nhất định sẽ quay lại vào một thời điểm thích hợp”.

Về vấn đề người tị nạn, Tổng thống Belarus nói: “Châu Âu từ chối tiếp nhận dòng người tị nạn từ Afghanistan qua biên giới Belarus, nhưng lại mang chuyện này ra để đàm phán với Putin. Nếu châu Âu muốn giải quyết triệt để vấn đề người tị nạn thì phải gặp lãnh đạo của Belarus, ở cấp nào cũng được”.

Tổng thống Putin cũng khẳng định sẽ không can thiệp vào tình hình biên giới giữa Belarus với Litva, và cho biết thêm rằng: “Có một nghịch cảnh: ai cũng muốn đàm phán với lực lượng Taliban (tổ chức bị cấm hoạt động ở Nga), mặc dù Liên Hợp Quốc đã đưa họ vào danh sách các tổ chức khủng bố. Không những vậy, lại giải thích rằng Taliban đã kiểm soát được lãnh thổ Afghanistan, cần phải đàm phán với lực lượng này. Ông Aleksander Grigorivich Lukashenko là nhà lãnh đạo của Belarus thông qua bầu cử, đâu có thông qua đấu tranh vũ trang. Đề nghị các nước hãy trao đổi trực tiếp với ông Lukashenko về mọi vấn đề liên quan đến Belarus, mà không cần thông qua tôi (Putin)”.

Tổng thống Putin kết luận: “Châu Âu có cách hành xử rất thiếu trung thực, họ không muốn tiếp nhận người tị nạn Afghanistan, trong khi suốt 20 năm qua vẫn hợp tác với quốc gia này”.