Nga tung đòn “nghi binh”, Syria dàn trận đương đầu Mỹ-phương Tây tấn công
Phú Lộc
Ngày 11/4, hãng tình báo ISI của Mỹ công bố những bức ảnh vệ tinh cho thấy Nga đã điều động hầu hết số tàu chiến của nước này khỏi quân cảng Tartus ở Syria. Quân đội Syria cũng đã sơ tán các sân bay và căn cứ quân sự, cũng như trụ sở bộ Quốc phòng và bộ Tổng tham mưu quân đội ở Damascus, trước mối đe dọa bị Mỹ tấn công.
Theo không ảnh, Nga được cho là chỉ để lại duy nhất một tàu ngầm lớp Kilo tại Tartus. Các chiến hạm Nga đột ngột biến mất không lâu sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Nga “hãy sẵn sàng” vì các tên lửa “mới, đẹp và thông minh” của Mỹ sắp bay tới Syria. Trước đó, tướng lĩnh và quan chức Nga đã tuyên bố sẽ bắn hạ bất kỳ tên lửa nào bay về phía Syria.
Hãng Interfax dẫn lời nghị sĩ Vladimir Shamanov, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Hạ viện Nga nói rằng các tàu của Nga đã rời cảng hải quân Tartus vì lý do an toàn và nhận định đây là “hành động bình thường” khi xuất hiện các mối đe dọa về một cuộc tấn công.
Một số nhà phân tích lo ngại rằng việc Nga điều hàng loạt tàu chiến rời cảng và tiến ra Địa Trung Hải có thể là dấu hiệu cho thấy sắp xảy ra trận đối đầu căng thẳng ở khu vực này. Vẫn InterFax cho biết: các chiến hạm của Hải quân Nga bắt đầu từ ngày 11.04.2018 tiến hành diễn tập trên vùng nước quốc tế gần bờ biển Syria. Vùng nước này sẽ hạn chế tàu thuyền, các máy bay qua vùng trời này buộc phải thông báo danh tính theo thông lệ quốc tế (NOTAM).
Bình thường các chiến hạm Nga neo đậu tại quân cảng Tartus nhưng nay đã gần như trống trơn
Hải quân Nga thông báo đăng tải tọa độ khu vực cấm truy cập, hạn chế tiếp cận, đồng thời cũng thông báo về cuộc diễn tập sẽ có sử dụng đạn thật. Vùng nước diễn ra cuộc diễn tập nằm trong khu vực biển quốc tế của Địa Trung Hải, nằm sát hải phận nước Cộng hòa Ả rập Syria sẽ bị đóng trong các ngày 11-12, 17-19 và 25-26.04.2018 từ 10.00 đến 18.00 theo giờ Moscow.
Trong biên chế của cụm binh lực Hải quân Nga ở Địa Trung Hải thời điểm này có khoảng 15 chiến hạm các loại và tàu hậu cần kỹ thuật thuộc Hạm đội Biển Đen, trong đó có các chiến hạm mang tên lửa hành trình Kalibr là các khu trục hạm hạng nhẹ Đô đốc Grigorovich và Đô đốc Essen, cùng 2 chiếc tàu ngầm dự án 636.3 lớp Kilo, thường xuyên tấn công các mục tiêu khủng bố ở Syria.
Ryan Bohl, nhà phân tích về Trung Đông tại hãng tư vấn địa chính trị Stratfor nhận định, động thái di dời tàu chiến của Nga có thể chỉ đòn nghi binh để Moscow xem xét phản ứng của Washington. Ông Bohl cho rằng Nga sẽ không triển khai các tàu chiến này đối đầu với Mỹ trong một cuộc xung đột nóng trong khu vực.
Theo chuyên gia Bohl, việc đột ngột điều 11 tàu chiến đồng loạt tiến ra biển cùng một lúc có thể là cách để Nga phô diễn sức mạnh trước Mỹ và các đồng minh. Trước đó, Hạm đội Biển Đen của Nga cũng được đặt trong tình trạng báo động cao nhất. Đồng thời, Nga cũng chuyển quân đội sang tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao, bao gồm khu vực biên giới phía tây và vùng viễn đông.
Các nguồn tin tại Syria cho biết, trước khả năng bị Mỹ tấn công, lực lượng Hezbollah đã phân tán quân, tại đất nước mà phe này đã chiến đấu bên cạnh quân chính phủ Syria từ năm 2013.
Hezbollah có từ 5.000 đến 8.000 chiến binh, hiện diện xung quanh Damascus, kể cả Đông Ghouta, Aleppo, Quneitra, gần khu vực Golan bị Israel chiếm đóng, và tại Deir Ezzor ở phía đông. Cũng theo nguồn tin trên, tổ chức theo hệ phái Shia này đã cho sơ tán các căn cứ, tung ra chiến dịch quy mô nhằm ngụy trang các khẩu đại pháo và pháo phản lực nhiều nòng.
Phe Hezbollah và Vệ binh Cách mạng Iran cũng triệt thoái khỏi những vị trí trong các sân bay quân sự ở Choueirat và T4, tại tỉnh Homs ở miền trung, nơi họ bố trí một đội máy bay không người lái. Sân bay T4 hôm 9/4 đã trở thành mục tiêu của một loạt tên lửa, giết chết nhiều lính Iran. Damascus và Matxcơva cáo buộc Israel đã tiến hành vụ không kích này.
Hezbollah tham gia hầu hết các trận đánh lớn ở Syria trong bốn năm gần đây, khoảng 2.000 chiến binh của phe này đã bị chết và trên 5.000 người bị thương.
Tại Douma, quân chính phủ Syria đã cho thượng cờ chiến thắng tại đây. Quân nổi dậy đã đầu hàng rút khỏi thành phố này, và từ nay chính quyền Syria đã kiểm soát hoàn toàn Đông Ghouta. Một nhân vật thân cận với tổng thống Bashar Al Assad cho rằng việc chiếm được Đông Ghouta đánh dấu một «bước ngoặt», khiến phương Tây tiến hành chiến tranh tâm lý, đe dọa không kích Syria.