Sau khi Tổng thống Donald Trump ra tối hậu thư cho Bắc Kinh, vòng đàm phán thứ 11 đã không diễn ra theo kịch bản mà Washington muốn, dẫn đến việc Mỹ thực hiện việc tăng mức thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ như họ đe dọa. Trung Quốc cũng đáp trả bằng việc đánh thuế các mức 10, 20 và 25% đối với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ xuất sang Trung Quốc. cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ đã leo thang trở lại sau 5 tháng ngừng bắn.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng FoxNews hôm 19.5, ông Trump đã nói rõ nguyên nhân đàm phán tan vỡ: sau 10 vòng đàm phán dài dằng dặc, Mỹ và Trung Quốc vốn đã đạt được một hiệp định rất tốt, rất ổn, nhưng họ (Trung Quốc) đã thay đổi chính kiến; vì vậy, ông quyết định lập tức khởi động kế hoạch thuế quan mới.
Mục đích gây chiến tranh thương mại của Mỹ với Trung Quốc không chỉ đơn thuần vì lợi ích mậu dịch mà có ý đồ phức tạp phía sau
|
Phía Trung Quốc, (Phó Thủ tướng Lưu Hạc) cho rằng, trong thời gian diễn ra vòng đàm phán thứ 11, đoàn đàm phán Trung Quốc không phủ định điều gì đã thỏa thuận cả; nhưng cho rằng, trước khi một hiệp nghị ký kết chính thức thì bất cứ sự thay đổi hay điều chỉnh gì cũng là điều bình thường. Sau đó, truyền thông Trung Quốc liên tiếp đăng tải các bài bình luận, cho rằng Mỹ mới là bên lật lọng trước, nhiều lần sửa đổi lại những điều đã đạt được nhận thức chung.
Phản ứng của Trung Quốc vào lúc sắp đạt được một bản hiệp nghị khiến người ta vừa ngỡ ngàng, nhưng cũng có thể hiểu được. Trải qua nhiều lần mặc cả, vào lúc kết thúc vòng đàm phán thứ 10 tại Bắc Kinh, hai bên đã gần đạt được sự nhất trí về văn bản cuối cùng của hiệp nghị. Theo lời ông Trump khi trả lời phỏng vấn thì phía Mỹ không định ký một bản hiệp định bình đẳng kiểu 50:50 với Trung Quốc, mà phải là một bản hiệp nghị khiến Mỹ hoàn toàn hài lòng. Từ đó có thể suy đoán, văn bản hiệp nghị trước khi đàm phán đổ vỡ đã khiến Trung Quốc cảm thấy bất bình đẳng, rất thua thiệt. Chính vì vậy, sau khi đàm phán kết thúc, Mỹ quyết định tăng thuế, Bắc Kinh (ở đây là ông Lưu Hạc) đã chủ động nêu ra 3 vấn đề mấu chốt trọng đại đối với họ. Có ý kiến chỉ ra, Bắc Kinh cho rằng nếu hiệp nghị được ký như văn bản đạt được sau vòng 10 thì sẽ đem lại mối đe dọa thực chất đối với an ninh chính trị, tác động xấu đến nền tảng cơ sở nắm quyền của đảng.
Đồng thời với việc đối kháng về mậu dịch, những diễn biến toàn diện trong quan hệ Trung – Mỹ càng củng cố thêm ấn tượng này của Bắc Kinh. Giữa lúc các vòng đàm phán mậu dịch diễn ra rùm beng, xung đột giữa hai nước trong các vấn đề Đài Loan, Biển Đông, Tân Cương...diễn ra ngày càng gay gắt. Bà Skinner, người chủ quản đề ra chính sách với Trung Quốc của Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra “thuyết xung đột văn minh Mỹ - Trung”, lại càng trực tiếp thách thức giới hạn an toàn của Bắc Kinh.
Xu thế cải thiện toàn diện quan hệ Mỹ - Nga là một nhân tố quan trọng khiến Trung Quốc cảnh giác
|
Trong tình hình đó, Trung Quốc có thể đã đặt vấn đề mậu dịch trong toàn bộ mối quan hệ Trung – Mỹ để xem xét và từ góc độ tương lai của chính quyền xem xét lại những ảnh hưởng phức tạp mà bản hiệp nghị mậu dịch đạt được có thể gây ra, rồi căn cứ vào đó thay đổi thái độ vội vã đạt được hiệp nghị, xem lại lập trường, tìm kiếm một văn bản hiệp nghị mới có lợi cho an ninh chính trị, dẫn đến việc đàm phán tan vỡ.
Từ những thông tin công khai hiện nay có thể thấy, mục đích mà Mỹ muốn đạt được khi phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc có thể là không chỉ giới hạn ở lợi ích mậu dịch mà ẩn chứa những ý đồ phức tạp phía sau. Donald Trump đã bộc lộ ý đồ lớn lao của ông khi trả lời FoxNews, tức là trong nhiệm kỳ của mình ông quyết ngăn cản Trung Quốc vượt qua Mỹ để trở thành siêu cường hàng đầu thế giới.
Xu thế cải thiện toàn diện quan hệ Mỹ - Nga cũng có thể là một nhân tố quan trọng khiến Trung Quốc cảnh giác. Ít lâu sau khi ông Trump gọi điện cho Tổng thống Nga V.Putin, bày tỏ muốn xây dựng quan hệ “Đồng minh chiến lược Mỹ - Nga”, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đến Sochi, gặp gỡ Tổng thống Putin và Ngoại trưởng Lavrov, xác nhận mục tiêu Mỹ - Nga cải thiện toàn diện quan hệ ở giai tầng chấp hành. Trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung đang xấu đi nhanh chóng; mọi động thái của Washington đều khiến người ta nghĩ đến việc thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ - Trung đã hòa dịu về chiến lược để cùng đối phó Liên Xô trong lịch sử.
Một loạt các diễn biến sau khi đàm phán mậu dịch đổ vỡ cho thấy, quan hệ Trung – Mỹ đang ở vào thời điểm đứng trước sự lựa chọn trọng đại. Điều khiến người ta lo ngại là có vẻ sự lựa chọn đó đã hoàn tất, khiến quan hệ hai nước đi theo chiều hướng khác hẳn 40 năm vừa qua.
Từ sau khi quan hệ Trung – Mỹ tan băng đầu những năm 1970 đến nay, Bắc Kinh ít khi phát động lại việc tuyên truyền chống Mỹ như hiện nay. Họ không chỉ tổ chức các cơ quan truyền thông chính thức khua chiêng gõ mõ công kích Mỹ, mà còn phá vỡ những chương trình đã sắp xếp, cho đài truyền hình phát lại những bộ phim chống Mỹ khi xưa; thậm chí hủy bỏ việc phát những bộ phim truyền hình đã lên lịch từ trước vì bị cho là “thân Mỹ”.
Việc ông Tập Cận Bình đi thăm công ty chế biến đất hiếm ở Giang Tây được cho là tỏ ý Trung Quốc có thể sử dụng đất hiếm làm vũ khí để gây áp lực về mậu dịch với Mỹ
|
Tương ứng với sự thay đổi bầu không khí dư luận, một số hành động của Bắc Kinh ám chỉ sự đối kháng có thể sẽ tiếp tục dâng cao. Vào thời điểm nhạy cảm, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tới thăm một công ty chế biến đất hiếm ở tỉnh Giang Tây và đặt vòng hoa tại Bia kỷ niệm nơi xuất phát cuộc Vạn lý Trường chinh, tựa hồ hàm ý Trung Quốc quyết tâm bắt chước người xưa, chuẩn bị tiến hành cuộc Trường chinh mới và sử dụng đất hiếm làm vũ khí để gây áp lực về mậu dịch đối với Mỹ, từ đó đột phá sự bao vây, ngăn chặn của Mỹ.
Như thế tức là Trung Quốc vào lúc giành được thành tựu lớn lao qua 40 năm cải cách mở cửa, xu thế phát triển tốt đẹp, thì cục diện đã biến đổi, có thể thay đổi mối quan hệ truyền thống Trung – Mỹ vốn dựa trên cơ sở là sự hợp tác có tính xây dựng, khiến người dân Trung Quốc lại một lần nữa đối mặt với một viễn cảnh không thể đoán trước điều gì sẽ xảy ra.
(Theo Thượng Báo, ngày 25.5.2019)