Nga toan tính gì trong ván cờ Syria

Hai liên minh đang đối đầu quyết liệt với nhau. Một bên là «trục Hồi giáo Shiite» với đại diện là Bashar Al Assad được Iran và lực lượng Hezbollah và Nga ủng hộ. Còn bên kia là các cường quốc Hồi giáo Sunni  trong khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê út muốn lât đổ chế độ Assad...
Tổng thống Nga Putin luôn có những nước cờ hết sức táo bạo, bất ngờ
Tổng thống Nga Putin luôn có những nước cờ hết sức táo bạo, bất ngờ

Nga tham chiến tại Syria cùng với liên minh quốc tế chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), nhưng tập trung oanh kích phe nổi dậy Syria trong lúc phe này chiến đấu chống lại các lực lượng Hồi giáo cực đoan. Matxcơva lên án mạnh mẽ Thổ Nhĩ Kỳ oanh kích lực lượng nổi dậy Kurd trong lúc lực lượng này cũng chống lại tổ chức IS ở phía bắc Syria.

Nếu như rất khó để thấy rõ mọi việc trong vũng lầy Syria, nơi mà Nga trở thành một trong những bên tham chiến chủ chốt. Francetv info (Pháp) làm rõ chiến lược của Matxcơva trên chiến trường Syria.

Từ khi tham chiến tại Syria, ngày 30/9/2015, cho đến nay, không quân Nga ồ ạt oanh kích. Các vụ tấn công này đã gia tăng cường độ trong những tuần qua. Theo các số liệu của Matxcơva, tại Syria, không quân Nga đã thực hiện 444 phi vụ, tấn công 1.593 mục tiêu, chỉ trong giai đoạn từ ngày 10 đến 16/2/2016. Tên lửa Nga phóng vào các mục tiêu ở khắp nơi trên lãnh thổ Syria.

Mỹ, Pháp, Châu Âu cáo buộc Nga oanh kích các mục tiêu trên lãnh thổ Syria mà không quan tâm đến sự hiện diện của thường dân. Các cường quốc phương Tây tố cáo Nga tập trung tấn công lực lượng nổi dậy Syria, dưới danh nghĩa chống lực lượng thánh chiến IS. Đại đa số bom và tên lửa Nga nhắm vào các vùng do quân nổi dậy kiểm soát và được châu Âu và Mỹ ủng hộ trong cuộc chiến của họ chống IS và chống lại tổng thống Bashar Al Assad.

Mục tiêu của Matxcơva rất rõ ràng: duy trì ông Bashar Al Assad, đồng minh lâu đời của Nga, làm tổng thống Syria. Điện Kremlin tiếp tục bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với chế độ Damas và nhắc rằng không thể có giải pháp cho khủng hoảng mà không có sự tham gia của Bashar Al Assad.

Nếu như Nga ủng hộ Bashar Al Assad bằng mọi giá, đó là vì Nga có nhiều lợi ích tại Syria. Trước tiên là về kinh tế. Damascus luôn là một khách hàng hảo hạng của tổ hợp công nghiệp quân sự Nga. Matxcơva không muốn mất đồng minh này, như đã mất đồng minh Lybia Khadafi vốn là một khách hàng quan trọng khác của Nga, chỉ trong vòng có vài tuần trong năm 2011.

Ông Cyrille Bret, chuyên gia về vũ khí, giảng viên tại trường Khoa học chính trị Pháp nhận định: «Hiện nay, ngành công nghiệp quốc phòng Nga sử dụng Syria như một phòng trưng bày triển lãm thực tế giới thiệu sức mạnh của các vũ khí, khí tài của mình cho các đối tác khu vực khác như Iran, thấy rõ. Các hợp đồng cung cấp xe tăng, hệ thống phòng thủ tên lửa đang được ký kết với Teheran».

Như vậy, mọi người hiểu rằng Syria là sân sau của Matxcơva. Cũng chính tại Syria mà Nga còn giữ được lối thông thương cuối cùng ra Địa Trung Hải, với cảng quân sự Tartus, ở phía nam nước này, nơi mà Nga có một căn cứ quân sự. Do vậy, nước nào muốn làm mưa làm gió tại Syria thì phải dè chừng. Kể từ 13/2, khi Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định điều động chiến đấu cơ tấn công lực lượng dân quân người Kurd YPG đang chiến đấu chống IS trong vùng Azaz, phía bắc Aleppo, quan hệ giữa Ankara và Matxcơva đã trở nên rất căng thẳng.

Sau các vụ pháo kích của Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào các khu vực người Kurd, Matxcơva và Bashar Al Assad đã đệ đơn phản đối Ankara lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Bà Maria Zakharova, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Nga hôm 17/2, tuyên bố: «Những gì đang xảy ra hiện nay tại khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria là hoàn toàn bất hợp pháp. Thổ Nhĩ Kỳ ném bom vào các khu dân cư ở bên kia biên giới, chuyển tiền, người và các viện trợ».

Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ tố cáo các vụ oanh kích của Nga là tội ác chiến tranh. Ngày 16/2, thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đe doạ: «YPG là quân đánh thuê của Nga…Nếu chúng tiến gần Azaz, chúng sẽ hứng chịu sự trả đũa mạnh mẽ của chúng ta». Trong bài phỏng vấn đăng trên báo Pháp Le Figaro, nhà phân tích chính trị Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Insel nhận định: «Nếu Thổ Nhĩ Kỳ không phải là thành viên NATO thì một cuộc đối đầu trực tiếp với Nga có lẽ đã xảy ra».

Trên thực tế, hai liên minh đang đối đầu với nhau. Một bên là «trục Hồi giáo Shiite», với đại diện là Bashar Al Assad, với sự hỗ trợ của các nhóm quân Iran và lực lượng Hezbollah Lebanon và bản thân những lực lượng này lại được Nga ủng hộ. Còn bên kia là các cường quốc Hồi giáo Sunni trong khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê Út quyết định phải đánh đổ Bashar Al Assad. Ankara và Ryad đã tham gia vào liên minh chống IS do châu Âu và Mỹ dẫn đầu, và gần đây tuyên bố sẵn sàng đưa quân sang Syria tham chiến trên bộ. Ngày 13/2, thủ tướng Nga Dmitri Medvedev cảnh báo: «Chúng ta đã lao vào một cuộc chiến tranh lạnh mới».

Nga đưa cả siêu tiêm kích Su-35 sang tham chiến tại Syria
Nga đưa cả siêu tiêm kích Su-35 sang tham chiến tại Syria

Tại Mỹ, chính quyền Obama cũng bị chỉ trích nhiều về việc không đảm trách vai trò thủ lĩnh trong cuộc chiến Syria để đối phó với việc Nga ồ ạt can thiệp vào nước này. Thượng nghị sĩ John McCain, một trong những chính trị gia chỉ trích mạnh mẽ tổng thống Barack Obama, đã tố cáo «nền ngoại giao Nga phục vụ hành động quân sự và bất hạnh thay lại được chính quyền Obama tạo thuận lợi». Còn trên tờ Washington Post, các chuyên gia Michael Ignatieff và Leon Wieseltier đã lên án «chính sách vô đạo đức của Mỹ và phương Tây tại Syria».