Quan hệ Nga-Thổ nồng ấm trở lại sau vụ đảo chính hụt ở Thổ Nhĩ Kỳ |
Ngày 9/8 vừa qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã gặp Tổng thống Nga Putin tại Moscow. Tại buổi gặp, hai nhà lãnh đạo này cho biết cần nỗ lực để khôi phục bình thường hóa quan hệ Nga – Thổ, để hai nước ngày càng xích lại gần nhau hơn. Sự kiện này sẽ tác động như thế nào đối với bàn cờ địa chính trị thế giới?
Tính từ tháng 11/2015, sau đỉnh điểm căng thẳng thù địch khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một máy bay chiến đấu của Nga tại vùng biên giới Syria làm một phi công Nga thiệt mạng, đây là lần đầu tiên lãnh đạo hai nước gặp nhau. Về vấn đề này, tờ “Liên hợp tảo báo” của Singapore nhận định, trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và phương Tây đang căng thẳng vì vấn đề Crimea, còn ông Erdogan thì bị Liên minh châu Âu chỉ trích vì tình trạng thanh trừng chính trị trong nước, việc lãnh đạo Nga và Thổ bắt tay dàn hòa không chỉ khiến cục diện chính trị vùng Trung Đông thay đổi, cũng là chuyển động chính trị quốc tế đặc biệt quan trọng kể từ sau Thế chiến thứ Hai.
Ông Erdogan muốn lật đổ chính quyền Assad tại Syria, vì thế từng giữ lập trường cứng rắn với Nga khi Nga can thiệp quân sự vào Syria hỗ trợ Assad chống lại phiến quân, đỉnh điểm căng thẳng là việc Thổ bắn hạ máy bay chiến đấu của Nga làm nhiệm vụ tại Syria. Là hai nước lớn giáp ranh với nhau, trong lịch sử Thổ và Nga cũng luôn gây hấn nhau để tranh giành vị thế bá quyền. Thổ từng ngăn chặn đường ra biển của Hạm đội Biển Đen của Nga. Thời hậu chiến, cùng vấn đề đối đầu ý thức hệ Đông – Tây, Thổ Nhĩ Kỳ đã theo phương Tây bao vây Nga, đóng vài trò quan trọng đối với NATO.
Nhưng sau Chiến tranh Lạnh, trật tự thế giới biến động. Sự tan rã của Liên Xô và khối Warsaw khiến NATO từng có thời kỳ đánh mất phương hướng phát triển cũng như lý do tồn tại. Việc thành lập khu vực đồng Euro làm suy yếu vai trò của NATO, vì không phải tất cả các nước thành viên NATO đều tham gia, vô tình gây căng thẳng chính trị nội bộ. Thổ Nhĩ Kỳ vì vấn đề trở thành thành viên EU, đặc biệt trong đàm phán miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ mà ngày càng mâu thuẫn với EU. Ông Erdogan thừa cơ hội hành động của thế lực gây chính biến để lên án EU, còn đe dọa mở cửa biên giới để dân tị nạn Trung Đông tràn vào châu Âu.
Cho dù Thổ Nhĩ Kỳ có căn cứ quân sự của Mỹ, cũng là địa bàn quan trọng để Mỹ theo dõi tình hình quân sự của Nga, nhưng sau chính biến dường như thái độ của Thổ trở mặt với Mỹ. Ông Erdogan tố cáo lãnh đạo Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ Gullen sống lưu vong tại Mỹ đứng sau kế hoạch đảo chính, muốn Mỹ cho dẫn độ ông này về nước. Nhưng vì ông Erdogan không đưa ra được bằng chứng nên Washington đã từ chối yêu cầu, quan hệ hai bên rơi vào tình thế bế tắc. Đằng sau thái độ quy thuận của ông Erdogan đối với Putin là ý đồ thị uy với Mỹ. Có thể nói, nếu Thổ tiến lại gần Nga thì sẽ trở thành thách thức lớn cho tình hình an ninh của EU.
Ngoài ra, việc ông Erdogan thay đổi thái độ đối với Nga còn vì lợi ích nội bộ của Thổ Nhĩ Kỳ. Sau sự kiện quân Thổ bắn rơi máy bay của Nga và Nga đã thực hiện cấm vận kinh tế đối với Thổ, hạn chế người Nga đến Thổ du lịch, nghỉ ngơi, gây tác động mạnh đến ngành du lịch của Thổ. Thêm vào việc tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) thường xuyên tấn công khủng bố tại Thổ Nhĩ Kỳ khiến ngành du lịch chiếm gần 13% tổng thu nhập quốc nội của Thổ càng trở nên ảm đạm. Còn với Nga, sau sự cố bán đảo Crimea, Nga cũng rơi vào nguy cơ chế tài kinh tế của phương Tây, việc giá dầu thô giảm mạnh đã gây ảnh hưởng nặng nề đối với nền kinh tế dựa chủ yếu vào xuất khẩu dầu của Nga. Cả hai nước đều muốn cải thiện mối quan hệ vì lý do kinh tế.
Việc quan hệ Nga – Thổ ấm lại sẽ làm suy yếu thế lực của Mỹ ở Trung Đông. Chính quyền ông Obama ngày càng bỏ lỏng khu vực Trung Đông, vì sự xuất hiện của dầu đá phiến trong nước Mỹ đang dần thay thế cho nhập khẩu dầu ở Trung Đông, cộng thêm chính sách “trở lại châu Á” của Mỹ, đặc biệt sau thất bại của Mùa xuân Ả-Rập khiến Mỹ đã không còn mấy hứng thú với khu vực này.
Ngoài ra, việc Nga đưa quân tham gia vào nội chiến Syria cũng làm ảnh hưởng của Mỹ ở vùng Trung Đông ngày càng giảm đáng kể. Nếu hiện nay Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần Nga thì trật tự khu vực Trung Đông do Mỹ kiểm soát từ sau Thế chiến thứ Hai sẽ sang trang mới, khu vực này sẽ ngày càng thêm bất an dưới tình trạng hoành hành ngang ngược của IS.
Trên truyền thông quốc tế, nhiều nhà bình luận đồng quan điểm cho rằng, quan hệ Nga – Thổ ấm lại, cộng thêm việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu có thể là khởi đầu cho sự tan rã của EU, nếu tính thêm vấn đề trỗi dậy của Trung Quốc thì dường như cục diện địa chính trị thế giới đang từng bước đi vào một giai đoạn mới. Xu thế này sẽ làm trật tự quốc tế định hình ổn định từ sau Thế chiến thứ Hai bị lung lay dữ dội. New York Times ngày 10/8 nhận định: “Bất cứ thỏa thuận nào đạt được giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với tình hình Trung Đông và châu Âu”.