Đơn đặt hàng hơn 50 tỷ USD
Hãng tin AP Mỹ gần đây dẫn lời một "quan chức" tiết lộ Nga hi vọng những vũ khí mới lần đầu tiên dùng thử ở Syria của họ sẽ thúc đẩy xuất khẩu vũ khí tăng mạnh.
Theo quan chức này, khách hàng nước ngoài đặc biệt quan tâm đến những vũ khí mà quân đội Nga đã sử dụng ơ Syria. Từ tháng 9/2015 trở đi, Moscow đã triển khai tác chiến đường không trên lãnh thổ Syria, đã hỗ trợ cho Tổng thống Syria Bashar Assad đảo ngược thế thua, mở rộng khu vực kiểm soát.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Yuri Borisov cho rằng: "Cơ hội thử nghiệm vũ khí trong chiến đấu thực tế không thể đánh giá thấp. Khách hàng đã bắt đầu xếp hàng mua sắm vũ khí đã được kiểm nghiệm tại Syria".
Ông Yuri Borisov tiết lộ, những vũ khí đã được dùng thử lần đầu tiên trong cuộc xung đột ở Syria gồm có máy bay chiến đấu Su-35 và Su-30, máy bay trực thăng vũ trang kiểu mới, tên lửa, hệ thống tác chiến điện tử, vũ khí bộ binh và các trang bị khác.
Là người phụ trách kho vũ khí của quân đội Nga, ông Yuri Borisov cho biết việc dùng thử vũ khí giúp cho các nhà thiết kế có thể phát hiện và loại trừ các sự cố nhanh hơn.
Cục trưởng Cục hợp tác kĩ thuật quân sự Liên bang Nga Dmitry Shugaev ngày 30/8 cũng cho hay tổng kim ngạch đơn đặt hàng vũ khí Nga phải bàn giao trong vài năm tới khoảng 50 tỷ USD.
Tổng kim ngạch tiêu thụ vũ khí năm 2016 của Nga đạt 15 tỷ USD, là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Dự tính, kim ngạch tiêu thụ năm 2017 cũng tương tự như vậy.
Dmitry Shugaev cho biết máy bay Nga chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu, “trang bị lục quân chiếm 30%, hệ thống phòng không chiếm 20%, trang bị hải quân chiếm 6 - 7%”.
Nga cung ứng cho nước ngoài các loại máy bay tiêm kích đã được biết tới như các máy bay chiến đấu Su-30, MiG-29 phiên bản cải tiến, MiG-35 mới; các loại máy bay trực thăng như Mi-35, Mi-28, Mi-17, Ka-52 và máy bay huấn luyện Yak-130.
Dmitry Shugaev còn cho biết: “Về xuất khẩu hệ thống phòng không, được quan tâm nhất là hệ thống S-400, ngoài ra còn có các hệ thống tên lửa như Tor, Buk; các loại trang bị bọc thép như xe tăng T-90, T-90S, các hệ thống vũ khí và thiết bị gây nhiễu điện tử”.
Dmitry Shugaev dẫn dự đoán của chuyên gia cho rằng Nga sẽ chiếm 27% thị phần máy bay quân dụng toàn cầu, cao hơn một chút so với Mỹ.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga phụ trách quan hệ quân sự quốc tế, ông Alexander Fomin cho biết Nga mong muốn mở rộng tiêu thụ vũ khí tới các nước châu Phi, khôi phục địa bàn đã mất sau khi Liên Xô giải thể.
Các quan chức Nga như Alexander Fomin đã khen ngợi hội chợ vũ khí năm 2017 tổ chức ở ngoại ô Moscow, cho rằng nó có lợi cho thu hút các khách hàng tiềm năng mới.
Do quan hệ với Nga căng thẳng vì vấn đề Ukraine, các nước phương Tây đã không quan tâm đến hội chợ vũ khí lần này. Do việc Nga sáp nhập Crimea và ủng hộ lực lượng dân quân ở miền đông Ukraine, Mỹ và đồng minh đã chấm dứt hợp tác quân sự với Nga và tiến hành trừng phạt Nga.
Ông Alexander Fomin cho rằng phương Tây đóng băng hợp tác kỹ thuật quân sự với Nga là đã lấy đá đập chân mình. Ông hy vọng quan hệ quốc phòng sẽ có thể được khôi phục. Ông nói: "Chúng tôi luôn mở cánh cửa hoan nghênh tất cả mọi người".
Thị trường vũ khí Nga “có tăng, có giảm”
Đánh giá về tình hình xuất khẩu vũ khí của Nga, tờ Thời báo Hoàn Cầu, Tin tức Tham khảo và Sina Trung Quốc gần đây cho hay, có quan chức Nga đầu năm 2017 tiết lộ trong 5 năm qua Nga đã xuất khẩu vũ khí đạt tổng cộng 75,8 tỷ USD.
Cho đến nay, Nga vẫn là nguồn cung cấp vũ khí lớn nhất của Ấn Độ. Đáng chú ý, Nga có triển vọng ký kết hợp đồng sửa chữa, cải tiến 1.000 xe tăng T-72 cho Ấn Độ, trị giá hợp đồng đạt 1 tỷ USD. Ngoài ra, không loại trừ khả năng đạt được thỏa thuận cung cấp cho Ấn Độ một tàu ngầm hạt nhân Type 971 đang phục vụ trong Hải quân Nga.
Trước cuối năm 2017, Nga và Ấn Độ sẽ ký kết hợp đồng cung cấp 48 máy bay trực thăng vận tải quân dụng Mi-17B5, trị giá khoảng 1,1 tỷ USD. Ngoài ra, hai nước đã ký kết thỏa thuận Nga cung cấp hệ thống phòng không S-400 cho Ấn Độ.
Tuy nhiên, những năm gần đây, sau khi ông Narendra Modi lên nắm quyền, quân đội Ấn Độ mua sắm ngày càng nhiều vũ khí của phương Tây nhất là của Mỹ. Trong nhiều vụ đấu thầu các vũ khí quan trọng, Ấn Độ đã lựa chọn vũ khí Mỹ với giá cả đắt đỏ hơn, chứ không lựa chọn vũ khí Nga với giá rẻ hơn, cho dù Nga cũng có thể đáp ứng nhu cầu của Ấn Độ.
Không quân Ấn Độ đã mua máy bay vận tải C-17 của Mỹ, chứ không mua IL-476 của Nga. Trong khi đó, giá cả C-17 gấp 3 lần IL-476. Thị phần vũ khí của Nga ở Ấn Độ đang bị thu hẹp do phải cạnh tranh với Mỹ.
Trước mối quan hệ với Mỹ xấu đi hiện nay, bên cạnh xây dựng quan hệ “đồng minh” trong mọi điều kiện thời tiết với Trung Quốc, mua sắm nhiều vũ khí trang bị của Trung Quốc, Pakistan cũng đang quan tâm mua sắm vũ khí trang bị của Nga, nhất là khi quan hệ quân sự Mỹ - Ấn ngày càng mật thiết.
Căn cứ vào một thỏa thuận mở đường cho quan hệ quân sự rộng rãi hơn giữa hai nước, Pakistan đã mua 4 máy bay trực thăng tấn công tiên tiến Mi-35M của Nga, trị giá khoảng 153 triệu USD. Thỏa thuận này đạt được trong chuyến thăm Nga của Tổng tham mưu trưởng quân đội Pakistan vào tháng 6/2016.
Theo quan chức quân đội Pakistan, sau khi trải nghiệm vũ khí Nga, Pakistan sẵn sàng mua nhiều trang bị quân dụng hơn từ Nga. Pakistan cũng có ý định mua sắm hệ thống phòng không S-400 và các trang bị quân dụng khác của Nga. Sĩ quan Pakistan cho biết, Pakistan cũng sẽ cân nhắc mua sắm xe tăng, trực thăng, trang bị điện tử và hệ thống phòng không của Nga.
Trong khi đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân, sau hơn 10 năm, Nga đã bắt đầu đối thoại và bán vũ khí công nghệ cao cho Trung Quốc, chẳng hạn bán 24 máy bay chiến đấu Su-35 (2 tỷ USD) và các hệ thống tên lửa phòng không S-400 (ít nhất 1,9 tỷ USD). Nga cũng là nguồn nhập khẩu vũ khí trang bị chủ yếu của Trung Quốc.
Đáng chú ý, năm 2018 sẽ là năm đỉnh cao của bàn giao vũ khí giữa Nga và Trung Quốc. Phía Nga tiết lộ, hệ thống phòng không S-400 Trung Quốc đặt mua đang được sản xuất, cộng với 16 máy bay chiến đấu Su-35 chưa được bàn giao, cùng với các loại động cơ như D-30KP-2, AL-31F, RD-93.
Trong vài năm qua, Trung Quốc mua vũ khí trang bị của Nga với tổng trị giá 8,338 tỷ USD, chủ yếu là mua sắm động cơ, trong đó động cơ AL-31F là nhiều nhất. Nhưng số liệu không được công khai.
Hơn nữa, Nga đã bàn giao ít nhất 36 động cơ D-30-KP-2 cho Trung Quốc dùng để trang bị cho máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 và phiên bản cải tiến của máy bay ném bom H-6.
Ngoài ra, năm 2016 Trung Quốc đã tiếp tục đặt mua 224 động cơ D-30-KP-2. Do đó, có thể suy đoán, Trung Quốc sẽ sản xuất ít nhất 50 máy bay vận tải Y-20 trang bị động cơ Nga. Nhưng, gần đây cũng có tin Trung Quốc đang thử nghiệm động cơ nội cho Y-20.
Ngoài động cơ, năm 2016, Nga cũng đã bàn giao 4 máy bay chiến đấu Su-35 cho Trung Quốc. Ngoài ra, trong vài năm qua, Nga đã bàn giao các máy bay trực thăng như Mi-26TS (1 chiếc), Mi-171E (2 chiếc), Ka-32A11VS (5 chiếc) cho Trung Quốc.
Tuy nhiên, cùng với tính năng vũ khí trang bị của Trung Quốc ngày càng tốt hơn, trong tương lai Nga sẽ khó có thể xuất khẩu được nhiều trên thị trường này. Thậm chí, Trung Quốc đang ngày càng vươn lên trở thành một nước xuất khẩu vũ khí lớn trên thị trường quốc tế.
Ngoài ra, trong 2 năm qua, bên cạnh các khách hàng truyền thống, vũ khí Nga còn được bán đến những quốc gia trước đây rất ít mua như Ai Cập và Iran.
Sau cuộc đảo chính, chính quyền quân sự Ai Cập không chỉ đối mặt với sức ép chính trị và kinh tế to lớn ở trong nước, mà còn không nhận được nhiều sự giúp đỡ của phương Tây. Vì vậy, Ai Cập đã xích lại gần Nga, mua bán vũ khí trở thành một động lực quan trọng để tăng cường quan hệ chính trị hai nước.
Những năm gần đây, Ai Cập đã lần lượt mua sắm các trang bị của Nga như máy bay chiến đấu MiG-29SMT và máy bay trực thăng vũ trang Ka-52, đồng thời chuẩn bị lắp ráp, sản xuất xe tăng chiến đấu T-90S/SK ở trong nước.
Trong khi đó, Iran luôn muốn mua sắm vũ khí Nga, Iran không thể nhận được trang bị quen dùng của phương Tây nhất là vũ khí Mỹ. Trước đây, do sức ép chính trị của phương Tây, Nga đã kiên trì không bán vũ khí cho Iran.
Sau khi “lật mặt” với phương Tây, Nga không chỉ đã bàn giao hệ thống phòng không S-300 đã đóng băng trước đó, mà còn bắt đầu bàn giao máy bay chiến đấu hạng nặng Su-30SME cho Iran. Iran đang thông qua mua lượng lớn vũ khí Nga để tiến hành hiện đại hóa quân đội.
Gần đây, Tổng giám đốc Công ty xuất khẩu quốc phòng Nga Alexander Mikheyev cho biết một nửa vũ khí trang bị xuất khẩu của Nga được xuất cho các nước Bắc Phi, Trung Đông, Trung Quốc và Ấn Độ. Ông cho biết thêm, cạnh tranh trên các thị trường khác gay gắt hơn, bởi vì những nước đó đang sử dụng vũ khí trang bị của Mỹ và châu Âu.
Trước đó, ông Mikheyev cũng cho biết, năm 2016, Nga đã xuất khẩu hơn 13 tỷ USD vũ khí trang bị cho 50 nước. Đơn đặt hàng hiện nay công ty nhận được khoảng 45 tỷ USD. Nga đang thực hiện khoảng 5.000 hợp đồng quốc tế trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự.