Đề xuất của tổng thống Nga đệ trình thượng viện có vẻ như hoàn toàn bất ngờ, nhưng mọi sự kiện đều dẫn đến một vấn đề: tăng cường sự ủng hộ đối với Damascus, cũng như khả năng sử dụng không quân đã được nghiên cứu và bàn luận rộng rãi từ nhiều tháng.
Thứ Hai ở New York, V.Putin, trước câu hỏi về khả năng không kích lực lượng nhà nước Hồi giáo, đã trả lời là sẽ suy nghĩ về vấn đề này và không loại trừ khả năng đó. Nhưng khẳng định Nga sẽ hành động tuân thủ theo luật pháp quốc tế, có nghĩa là khi có nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hoặc yêu cầu của nhà nước Syria.
Damascus đưa ra đề nghị này với Moscow từ lâu, nhưng chính thức thì chưa được công bố cho đến thời điểm có quyết định. Có thể hiểu là quyết định được đưa ra sau cuộc gặp riêng với tổng thống Obama, trong cuộc gặp mà Putin có thể đã thảo luận về hai phương án nước Nga tham gia vào cuộc chiến chống Caliphate.
Thứ nhất, Putin đề xuất trong bài phát biểu của mình ở Liên Hiệp Quốc – tổ chức một liên minh rộng rãi và có được sự ủy quyền của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Nếu Obama ủng hộ phương án này, Nga sẽ tham gia vào các chiến dịch ở Syria như một thành viên Liên minh. Nhưng qua thảo luận với tổng thống Mỹ, mọi việc trở nên rõ ràng.
Mỹ không muốn đi theo con đường này, kề vai cùng với nước Nga trong khuôn khổ một liên minh mới và thống nhất. Obama đòi hỏi Nga phải tham gia vào Liên minh do Mỹ cầm đầu, không có Syria, Iran cũng như không có sự ủy quyền của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc. Hoặc tự hành động một mình và người Mỹ nhất trí với quan điểm này.
Putin đã cảnh báo phương Tây về việc Nga có đề nghị chính thức của chính quyền Syria đứng đầu là tổng thống Assad yêu cầu giúp đỡ quân sự. Điều đó có nghĩa là Nga sẽ hành động theo quy định của Luật pháp Quốc tế.
Bản chất của cuộc gặp giữa Barack Obama và V. Putin chỉ là bước cuối cùng xác định, nước Nga sẽ hành động như thế nào? Nếu không có sự Ủy nhiệm của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc, Nga sẽ triển khai lực lượng quân sự theo yêu cầu của Syria và hiệp ước ký giữa hai nước vào năm 1980.
Cũng trong cuộc gặp này, Putin đã để nghị Mỹ phối hợp hành động cùng với lực lượng quân sự Nga thông qua trung tâm thông tin ở Baghdad. Đến hôm nay, ông một lần nữa bày tỏ sự tin tưởng rằng, trung tâm chia sẻ thông tin Bagdad là giai đoạn đầu tiên đối với các nước quan tâm, trước hết là các nước trong khu vực, tham gia vào hoạt động kết nối thông tin quốc tế. Tiếp theo là trung tâm thông tin chống khủng bố ở Bagdad.
Có nghĩa là Moscow không từ bỏ sáng kiến tổ chức liên minh chống khủng bố quốc tế nhưng không thể đợi đến thời điểm nước Mỹ đồng ý với điều kiện này mà phải tự mình hành động.
Cùng với sự bác bỏ từ phía Mỹ, yêu cầu của chính quyền ông Assad được chính thức tiếp nhận. Putin đệ trình đề nghị sử dụng quân đội Nga ở nước ngoài và được thượng viện nhất trí ủng hộ 100%.
Tổng thống Putin đưa ra 3 điều kiện sử dụng quân đội nhằm không đưa Nga dấn sâu vào cuộc chiến tranh trong khu vực, có nguồn gốc từ xa xưa và từ rất nhiều nguyên nhân:
Thứ nhất, quân đội Nga chỉ giúp đỡ quân đội Syria trong cuộc chiến tranh chống lại các tổ chức khủng bố. Thứ hai, chỉ sử dụng không quân, không tham gia tiến hành các chiến dịch trên bộ. Thứ ba, yểm trợ chỉ được thực hiện khi quân đội Syria thực hiện các chiến dịch tấn công.
Không quân Nga sẽ yểm trợ giúp đỡ quân đội Syria lập lại quyền kiểm soát đất nước, tiêu diệt các nhóm phiến quân vũ trang và cơ sở hậu cần kỹ thuật, giao thông liên lạc của IS, cũng như những nhóm khủng bố khác không thuộc IS và không muốn chấm dứt các hoạt động tác chiến chống lại Damascus. Khi sứ mệnh hoàn thành, không quân Nga sẽ rút khỏi Syria, nhưng căn cứ quân sự Nga vẫn được duy trì.
Đây chính là hình thức tham gia của quân đội Nga với mục tiêu chủ chốt là tiêu diệt nhóm chiến binh khủng bố “nhà nước Hồi giáo” cũng như là những kẻ khủng bố trên vùng đất chúng chiếm đóng.
Tình hình khiến nước Nga buộc phải hành động ngăn chặn và tiêu diệt, trước khi chúng đủ sức mạnh và trực tiếp tấn công nước Nga. “Nhà nước Hồi giáo” đã nhiều lần tuyên bố nước Nga là kẻ thù của IS. Trong hàng ngũ của chúng có hàng nghìn phiến quân khủng bố có nguồn gốc từ nước Nga và những nước thuộc Liên bang Xô viết.
Ngăn chặn – đó chính là mục tiêu quan trọng mà nước Nga phải tham gia cuộc chiến ở Syria. Nhưng cũng có nhiều yếu tố ở đây mà mỗi yếu tố đều có giá trị quan trọng đối với nước Nga. Bao gồm có ba yếu tố chính:
1- Sự thống nhất của đất nước Syria độc lập
Putin đã hoàn toàn đúng khi nói rằng, xung đột ở Syria có gốc rễ sâu xa và được hình thành từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Đó là mối quan hệ giữa các quốc gia, chính trị nội bộ và tôn giáo. Những quan hệ càng ngày càng trở lên trầm trọng hơn do hậu quả của sự can thiệp thô bạo từ phía bên ngoài vào khu vực.
Điểm then chốt ở đây là sự can thiệp nước ngoài đào sâu thêm các mâu thuẫn nội bộ khu vực. Nhiều quốc gia muốn loại bỏ ông Assad, hơn thế nữa, một số người còn muốn hủy diệt hoàn toàn quốc gia Syria. Bốn năm cuộc chiến tranh khiến Syria phải đối mặt với sự tồn vong của một quốc gia thống nhất – sự hình thành của pan-Islamic Caliphate (vương quốc Hồi giáo) hoặc những kế hoạch từ nước ngoài với mục đích chia Syria thành các quốc gia riêng rẽ như Alawite, Kurd, Druze.
Syria hiện nay, như hầu hết các nước Ả Rập khác, là sự cấu thành dưới ảnh hưởng của Phương Tây sau khi đế chế Ottomam bị diệt vong chưa đầy một thế kỷ. Damascus từng là thủ đô của Caliphate Hồi giáo, một trong những trung tâm chính của thế giới Ả Rập, nhưng biên giới Syria mới hình thành trong thời gian gần đây.
Sức mạnh quân sự của Syria, cũng như nhiều nước Ả Rập được xây dựng trong những thập kỷ gần đây, cùng quá trình xây dựng nhà nước Syria - trong 50 năm qua, dựa trên nền tảng của chủ nghĩa xã hội Ả Rập, trên cơ sở đường lối chính sách của Đảng Baath (cùng một tổ chức đảng - hay đúng hơn là chi nhánh của nó), theo những nguyên tắc cầm quyền ở Iraq, cho đến khi người Mỹ lật đổ chính quyền Saddam Hussein.
Syria là một quốc gia đa dân tộc và đa tôn giáo – triết học, cũng như thế giới quan. Củng cố và giữ vững quốc gia bằng sức mạnh quân sự hoàn toàn không đơn giản, vì một quốc gia như vậy muốn tồn tại phải có một chính quyền cứng rắn.
Những gì chính quyền Assad ứng xử với tôn giáo thiểu số Alawite Shiite trong khi phần lớn dân số cả nước thuộc dòng Sunni không phải là một điều gì đó đặc biệt trong thế giới Ả Rập. Tình hình này cũng đã từng tồn tại ở Iraq, chỉ có điều ngược lại, trong chính quyền người Sunni là thiểu số so với người Shiite. Sự sụp đổ của nhà nước Iraq trong cuộc tấn công của Mỹ, tiêu diệt chính quyền mạnh của một quốc gia đa dân tộc và đa tôn giáo tự nhiên đã ảnh hướng rất lớn đến Syria.
Sau sự khởi đầu của "mùa xuân Ả Rập", nội chiến ở các nước Ả rập bùng nổ dữ dội như ở Libya và ngay lập tức có sự can thiệp của các tác nhân bên ngoài. Nhưng ngược lại với Tripoli (cũng như ở Cairo và Tunisia), chính phủ ở Damascus đã kiên quyết chống cự.
Phương Tây và các nước Ả rập khác cáo buộc Assad là nguyên nhân của chiến tranh cũng như sự hình thành “Nhà nước Hồi giáo”. Nhưng không một ai muốn nhìn nhận rằng, tiến trình ở Iraq và Syria đồng bộ với nhau, người Kurd, người Sunni coi biên giới chỉ có tính ước lệ.
Sự đổ vỡ của nhà nước Iraq bản thân nó sẽ trở thành chất xúc tác mạnh mẽ cho quá trình định hình lại toàn bộ Trung Đông. Sự sụp đổ của Syria, đất nước có vị trí then chốt trong khu vực chắc chắn sẽ dẫn đến sự hủy bỏ không thể tránh khỏi những đường biên giới đang tồn tại.
Không một quốc gia nào trên thế giới muốn có một cuộc chiến tranh lan rộng và kéo dài trong khu vực, cuộc chiến tranh có thể biến thành cuộc chiến lần đầu tiên có sử dụng vũ khí hủy diệt lớn và châm ngòi cho chiến tranh thế giới.
Nếu theo lý thuyết “hỗn loạn có điều khiển”, thì Mỹ đang mất dần ảnh hưởng ở Trung Đông, đây là một cái giá quá đắt cho những mục tiêu có quy mô toàn cầu. Các nước láng giềng Syria như Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Jordan cũng đang nằm trong vùng nguy hiểm. Cuộc chiến tranh tôn giáo có thể nhanh chóng lan sang lãnh thổ của họ, nơi có những người cùng chung tôn giáo hay dân tộc như ở Syria. Nhưng tại sao chiến tranh vẫn lan rộng?
Do những quan điểm bảo thủ cá nhân, không một quốc gia nào muốn chấm dứt ngay tức khắc sự tàn bạo đang ngày càng mở rộng với quy mô lớn. Mỹ cũng như các đồng minh muốn lật đổ chính quyền Assad bằng mọi giá trước khi bình định các tổ chức cực đoan mà trên thực tế không thể bình định. Iran không thể can thiệp trực tiệp do nguy cơ hình thành một cuộc chiến tranh Sunni-Shiite.
Trong điều kiện này, “nhà nước Hồi giáo” phát triển mạnh mẽ với quy mô ngày càng rộng, đe dọa hòa bình và an ninh của hầu hết tất cả các nước có liên quan tôn giáo. Chỉ có thể ngăn chặn nguy cơ này bằng cách phục hồi lại nhà nước Syria thống nhất, độc lập và tự chủ.
Syria là đồng minh truyền thống của nước Nga, nhưng không phải là động lực chủ chốt để nước Nga can thiệp quân sự nhằm bảo vệ chính quyền ông Assad. Quan trọng nhất là duy trì Syria như một quốc gia thống nhất, điều đó cần một chính quyền mạnh mẽ. Giải pháp thay thế ông Assad không tồn tại và không thể có được – chính bản thân các nhà phân tích Phương Tây đã thừa nhận.
Loại bỏ ông Assad và sụp đổ chính quyền nhà nước Syria đồng nghĩa với kịch bản đã xảy ra ở Iraq nhưng hậu quả sẽ khủng khiếp hơn vì đó là sự hủy diệt một quốc gia. Nước Nga ủng hộ Syria vì chỉ có một quốc gia thống nhất mới có thể ngăn chặn được làn sóng khủng bố đang lan rộng, và quốc gia đó chỉ có thể tồn tại với một chính thể hiện hành.
Syria không phải là một quốc gia của những người thuộc nhóm Alawite (trong bộ máy lãnh đạo đất nước có đại diện người Sunni và nhiều dân tộc thiểu số), Syria đã chứng minh ý chí và quyết tâm chiến đấu chống lại hàng chục nhóm đối lập và khủng bố, kiên cường chống lại sức ép từ nước ngoài.
Sức mạnh quân sự Nga và sự tham gia trực tiếp của không quân có thể đảo ngược được tình huống, giúp đỡ quân đội Syria lấy lại quyền kiểm soát lãnh thổ và trong trường hợp tốt hơn có thể phối hợp với những hoạt động chiến đấu của quân chính phủ Iraq và giải quyết dứt điểm vấn đề “Nhà nước Hồi giáo”.
Đây là một tiến trình mang tính lịch sử và kéo dài, nhưng nước Nga chỉ tham gia giai đoạn đầu, then chốt nhất. Trong một thời gian nhất định, quân đội Syria có thể giải phóng những khu vực quan trọng của đất nước.
Các lực lượng chống đối, dù không phải là thuộc tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” nhưng tiến hành những hoạt động chống phá chính quyền Syria và không tham gia cuộc đấu tranh chống IS, đều có thể trở thành mục tiêu của lực lượng không quân Nga.
Thứ Tư, ông Putin tuyên bố sẽ giúp đỡ quân đội Syria chỉ trong khuôn khổ cuộc chiến đấu chống lại các tổ chức khủng bố. Nhưng tuần trước, tổng thống Nga đã phát biểu: “ Ở Syria chỉ có một quân đội thường trực hợp pháp duy nhất, đó là quân đội của tổng thống Syria Assad. Đối đầu xung đột với quân đội có nhiều lực lượng vũ tranh bất hợp pháp, trong đó có lực lượng đối lập theo cách giải thích của một số nước Phương Tây. Nhưng trên thực tế, quân đội ông Assad đang chiến đấu với các tổ chức khủng bố”.
Sau cuộc chiến tranh và dành lại nguyên vẹn lãnh thổ, người Syria sẽ tự quyết định số phận của mình, với sự tham gia và ủng hộ của tất cả các nước, quan tâm đến vị thế địa chính trị Syria. Chính người Syria quyết định tổ chức lại bộ máy nhà nước và chính quyền, quyết định người lãnh đạo cầm quyền. Ông Assad, bình đẳng trong quan hệ chính trị - xã hội, có thể sẽ còn ngồi lại, có thể sẽ ra đi. Nhưng mục tiêu quan trọng đầu tiên là vô hiệu hóa tổ chức khủng bố IS.
Với nước Nga, Syria vẫn là một đồng minh, dù ai từ các chính trị gia Syria sẽ vào vị trí quyền lực. Điều quan trọng và cũng là lợi ích của nước Nga, đó là một Syria thống nhất, độc lập. Có nghĩa là phải tiêu diệt “nhà nước Hồi giáo”.
(Còn tiếp)
Theo QPAN