Vùng Viễn Đông giáp ranh Trung Quốc của Nga với diện tích 6.2 triệu km² nhưng dân cư thưa thớt và kinh tế trì trệ đang là điểm yếu của Nga trước Trung Quốc. Năm 2010, Công báo của Nga từng đề xuất chính phủ Nga nhờ Nhật Bản ngăn chặn nguy cơ Trung Quốc tại khu vực này.
Gần đây, vai trò của Nga trong ván cờ Trung – Nhật nổi lên mạnh mẽ: Trung Quốc muốn lôi kéo Nga trợ giúp trong trò chơi bành trướng tại Biển Đông nhằm chống lại liên minh Mỹ - Nhật; còn Nhật Bản thì bất chấp phản đối của Mỹ, muốn thực hiện kế hoạch hợp tác toàn diện với Nga. Từ hành động của Nhật, có quan điểm cho rằng Nhật Bản đang muốn bắn một mũi tên trúng hai đích: thứ nhất, dùng hợp tác kinh tế để giải quyết vấn đề chủ quyền lãnh thổ với Nga; thứ hai, bao vây Trung Quốc.
Quan hệ Nga - Nhật và nước cờ của ông Abe
Năm 2014 Nga thôn tính bán đảo Crimea của Ukraine và bị phương Tây đáp trả bằng cấm vận kinh tế, từ đây Nga lại rơi vào trạng thái cô lập kể từ sau thời Liên Xô tan rã. Việc phương Tây cấm vận kinh tế Nga chủ yếu do Mỹ làm chủ, dĩ nhiên Nhật Bản cũng nằm trong phe cánh.
Đáp trả, Nga đã đi nước cờ ở Syria, diễn vai chính trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (ISIS) tự xưng, gây khó khăn cho Mỹ. Tuy Nga đã triển khai con đường ngoại giao mới, nhưng dưới chế tài của Mỹ cùng tình trạng giá dầu giảm nhanh đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga.
Trong tình cảnh khó khăn, một mặt Nga tăng cường liên kết với Trung Quốc, mặt khác cũng đặt nhiều hy vọng vào Nhật Bản, vì vậy mà quan hệ Nga – Nhật ấm lại, bất chấp còn nhiều mâu thuẫn về chủ quyền lãnh thổ.
Đây là nguyên nhân của buổi gặp gỡ Putin – Abe tại thành phố vùng Viễn Đông Vladivostok của Nga ngày 2/9 vừa qua, cũng là chuyến thăm Nga lần thứ hai của ông Abe sau chuyến thăm ngày 6/5 trước đó. Có ý kiến cho rằng, hiếm thấy khi nào nguyên thủ đứng đầu hai nước Nhật – Nga “khao khát” gặp nhau như thế.
Trước chuyến thăm Nga ngày 6/5 của Thủ tướng Nhật Bản Abe, Tổng thống Mỹ Obama đã cảnh báo Abe thăm Nga sẽ làm G7 mất đoàn kết, yêu cầu Abe dừng chuyến thăm Nga, nhưng Thủ tướng Abe không làm theo.
Trong chuyến thăm, Nhật Bản đề nghị Nga giao trả 4 hòn đảo phía bắc, đổi lại Nhật Bản đưa ra 8 dự án hợp tác, gồm: Giúp Nga về y tế với bệnh viện hiện đại hàng đầu/Trung tâm Tuổi thọ sức khỏe; cải tổ đô thị sống tiện ích; đẩy mạnh hợp tác doanh nghiệp vừa và nhỏ; hỗ trợ phát triển khai thác dầu khí và năng lượng khác; thúc đẩy đa dạng hóa công nghiệp, tăng năng lực sản xuất; phát triển công nghiệp vùng Viễn Đông, xây dựng căn cứ xuất khẩu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, trùng tu bến cảng, phát triển đất nông nghiệp, chế biến thủy sản, xây nhà máy, sân bay; hợp tác công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, IT.
Ngoài ra, hai bên còn có kế hoạch đẩy mạnh giao lưu văn hóa để thông hiểu nhau hơn thông qua tăng cường quan hệ khối trường đại học, thanh niên, khách thăm quan, thể thao…
Dĩ nhiên, đề án hợp tác kinh tế của Nhật Bản không đơn thuần vì vấn đề kinh tế. Chắc chắn Nhật Bản muốn thông qua hợp kinh tế để đẩy mạnh đối thoại chính trị, giải quyết vấn đề lãnh thổ phía bắc. Ngoài ra, nếu nhìn vào nhiệm vụ quan trọng trong chính sách ngoại giao Abe là “kiềm chế Trung Quốc” thì có thể thấy kế hoạch này còn có động cơ “bao vây Trung Quốc”.
Như vậy, ông Abe đang muốn bắn một mũi tên trúng hai đích. Dễ hiểu tại sao trước khi đến thăm Nga, ngày 1/9 Thủ tướng Abe đã thể hiện lòng thành qua việc tuyên bố nhân sự mới: bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Hợp tác kinh tế Nga do Bộ trưởng Bộ Kinh tế Hiroshige Seko kiêm nhiệm, nhằm khẳng định hợp tác Nga – Nhật đã bước vào giai đoạn mới.
Bài toán Trung Quốc của Nga
Vùng Viễn Đông giáp ranh Trung Quốc của Nga với diện tích 6.2 triệu km² nhưng dân cư thưa thớt và kinh tế trì trệ đang là điểm yếu của Nga trước Trung Quốc. Năm 2010 Công báo Nga từng đề nghị chính phủ Nga nhờ Nhật Bản ngăn chặn nguy cơ Trung Quốc tại khu vực này.
Liệu cuộc gặp Putin – Abe trong hai lần vừa qua có liên quan đến kiến nghị này hay không? Cho dù câu hỏi này hiện chưa có lời giải rõ ràng, nhưng việc Nga lo lắng về Trung Quốc là thực tế, và kế hoạch hợp tác Nhật – Nga trong phát triển kinh tế vùng Viễn Đông vừa qua cũng là thực tế.
Ngoài ra, Nga còn thực hiện nhiều kế hoạch khác trong ứng phó Trung Quốc, tiêu biểu như bán máy bay chiến đấu hiện đại cho Ấn Độ và Việt Nam, tác động vào tình hình an ninh Trung Quốc.
Đề nghị của Nhật Bản đã đáp ứng mong mỏi của Nga, mở cánh cửa tháo gỡ khó khăn cho Nga trước tình trạng bị các nước phương Tây cấm vận, trong đó có cả Nhật. Vào năm ngoái GDP của Nga giảm 3,5%, và Nga đang rất cần Nhật giúp sức.
Ngày 2/9, trong buổi gặp gỡ Abe – Putin, hai bên đã trao tặng kỷ vật cho nhau. Abe tặng cho Putin áo giáp samurai Nhật Bản, còn Putin tặng Abe con dao kỷ niệm khi Thiên hoàng Hirohito của Nhật Bản lên ngôi.
Theo truyền thông Nhật Bản đưa tin, có tổng số 12 con dao kỷ niệm Thiên hoàng lên ngôi, trong đó một con bị thất lạc tại Mỹ từ sau Thế chiến Hai, sau đó lại lạc vào Hà Lan và được chính phủ Nga mua lại.
Liệu trong câu chuyện “con dao quay về với chủ” này có hàm ý trao lại 4 hòn đảo cho Nhật Bản không?
Triển vọng tháo gỡ bế tắc tranh chấp quần đảo
Sau Thế chiến thứ Hai, vì chuyện 4 hòn đảo phía bắc mà Nhật Bản và Nga không thể ký Hiệp ước hòa bình; thậm chí hai nước rơi vào trạng thái thù địch. Trong quá khứ, Nhật Bản luôn hy vọng giải quyết vấn đề 4 hòn đảo với Nga (Liên Xô cũ), trên cơ sở đó ký Hiệp ước hòa bình.
Ngày 19/10/1956, Thủ tướng Nhật Bản Ichiro Hatoyama và Thủ tướng Liên Xô (cũ) Bulganin đã đạt thỏa thuận: sau khi ký kết Hiệp ước hòa bình Liên Xô sẽ trả lại 2 đảo Habomai và đảo Shikotan cho Nhật Bản.
Thỏa thuận được gọi là “Tuyên bố chung Nhật-Xô” (có hiệu lực ngày 12 tháng 12 cùng năm) trở thành cột mốc quan trọng trong quan hệ Nhật – Nga. “Tuyên bố chung” viết: “Liên Xô ủng hộ Nhật Bản tham gia Liên Hiệp Quốc, hai nước Nhật – Xô tiếp tục đàm phán Hiệp ước hòa bình. Sau khi Hiệp ước ký kết, Liên Xô sẽ trả lại 2 hòn đảo Habomai và đảo Shikotan cho Nhật Bản”. Sau “Tuyên bố chung Nhật-Xô”, Nhật Bản gia nhập Liên Hiệp Quốc thuận lợi nhờ được Liên Xô ủng hộ.
Nhưng việc ký Hiệp ước hòa bình đến nay vẫn chưa thành và 2 hòn đảo hiện vẫn do Nga quản lý. Nguyên nhân trì hoãn vì Nhật Bản kiên định đòi trả lại 4 hòn đảo cùng lúc, nhưng Liên Xô chỉ muốn trả 2 hòn đảo, và câu chuyện đàm phán ký Hiệp ước hòa bình Nhật – Trung vẫn giằng co đến nay.
Đến năm 1960, Thủ tướng KishiNobusuke (ông ngoại Thủ tướng Shinzo Abe hiện nay) bị nội các Nhật Bản buộc thông qua “Hiệp ước An ninh Nhật – Mỹ sửa đổi”. Sự kiện càng làm mất lòng Liên Xô, vì thế Liên Xô càng kiên quyết không muốn thực hiện lời hứa trả lại đảo. Theo giải thích của Liên Xô: “Khi nói trả lại hai hòn đảo là vì căn cứ vào quan hệ tốt đẹp giữa hai nước”, và “Hiệp ước An ninh Nhật – Mỹ sửa đổi” trở thành cái cớ khiến Liên Xô từ chối đàm phán Hiệp ước hòa bình.
Từ đó, vấn đề trải qua các thời từ Nikita Sergeyevich Khrushchyov, Leonid Ilyich Brezhne, Mikhail Sergeyevich Gorbachyov, đến khi Liên Xô sụp đổ vẫn không được giải quyết.
Cục diện mới sau Chiến tranh Lạnh: Từ Yeltsin đến Putin
Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, 4 hòn đảo phía bắc lại thuộc về Nga. Tháng 10/1993, Tổng thống đầu tiên của Nga là Boris Yeltsin khi gặp Thủ tướng Nhật Bản Morihiro Hosokawa đã tuyên bố sẽ thúc đẩy ký kết Hiệp ước hòa bình trên cơ sở giải quyết vấn đề 4 hòn đảo. Nhưng sau đó tình hình chính trị Nhật Bản bị bất ổn nên Nhật Bản không bố trí được kế hoạch đàm phán.
Sau này, Thủ tướng đảng Dân chủ tự do Hashimoto Ryutaro đã xây dựng quan hệ thân thiết với Tổng thống Nga Boris Yeltsin. Tháng 11/1997, Yeltsin hứa với Hashimoto Ryutaro trả lại 4 hòn đảo, hai bên đưa ra mục tiêu ký Hiệp ước hòa bình vào năm 2000, đồng ý cùng nhau đẩy mạnh hợp tác kinh tế.
Nhưng Tổng thống Boris Yeltsin nghỉ hưu năm 1999, người kế nhiệm Putin trở thành Tổng thống thứ hai của Nga, và vấn đề giải quyết 4 hòn đảo phía bắc lại bị trì hoãn.
Giai đoạn này nền chính trị Nga rơi vào bối cảnh phức tạp: xoay bánh xe giữa Putin và Medvedev (Dmitry Medvedev), nhưng cho dù ông Putin là Tổng thống hay Thủ tướng thì vẫn là người nắm quyền lực tối cao. Ông Putin là người ôm ấp chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ và có tính cách độc tài. Trong câu chuyện 4 hòn đảo phía bắc, ông Putin và Medvedev cùng nhau phối hợp biểu diễn, một người lên đảo tuyên bố chủ quyền, một người tham gia đàm phán với Nhật Bản. Trong bầu không khí này, vài năm nay Nhật Bản dù khó chịu nhưng vẫn luôn đặt nhiều kỳ vọng.
Lần này, cùng nhu cầu cấp bách thoát khỏi khó khăn kinh tế, Nga đang rất cần Nhật Bản phá thế cờ cấm vận quốc tế, không biết câu chuyện dài tập này có khả năng đến hồi kết hay chưa? Nhật Bản đã có lời giải bài toán này để đưa ván cờ tách Nga xa Trung Quốc lăn bánh thuận lợi hay chưa? Vấn đề có thể tiến triển trong chuyến thăm Nhật Bản vào tháng 12 sắp tới của ông Putin hay không vẫn phải chờ xem.