Theo lời Thượng tướng Sergei Surovikin – Tư lệnh Quân khu miền Đông, hiện nay một cuộc thám hiểm độc đáo do Bộ Quốc phòng và Hội Địa lý Nga cùng tổ chức đang làm việc trên các đảo của chuỗi đảo Kuril Lớn.
"Mục đích của cuộc thám hiểm là nghiên cứu khả năng thành lập căn cứ của Hạm đội Thái Bình Dương trên một trong những hòn đảo", trong cuộc đàm đạo với "Sputnik" chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin cho biết:
Khi Bộ Quốc phòng Nga nói về ý định xây dựng một căn cứ hải quân mới trên quần đảo Kuril, nhiều chuyên gia đã coi đó là một kế hoạch của Moscow nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự trên các hòn đảo phía Nam của quần đảo Kuril mà Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền.
Tuy nhiên, xét theo báo cáo của Thượng tướng Sergei Surovikin, Tư lệnh Quân khu miền Đông của Nga, căn cứ quân sự sẽ được đặt trên đảo Matua - trung tâm quần đảo Kuril.
Trong thời kỳ chiếm đóng của Nhật Bản, hòn đảo nhỏ Matua của quần đảo Kuril đã biến thành một pháo đài bất khả xâm phạm.
Trên hòn đảo đã bố trí các đơn vị quân đội đồn trú của Nhật Bản gồm mấy nghìn người, đã xây dựng hàng trăm mét đường hầm dưới lòng đất, nhiều công sự và ba sân bay lớn. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô tham chiến trên chiến trường Thái Bình Dương, quân đội đồn trú của Nhật Bản đã đầu hàng không kháng cự.
Sau chiến tranh, Liên Xô và sau đó là Nga đã bố trí trên đảo Matua những đơn vị kỹ thuật vô tuyến điện và đồn biên phòng. Trong năm 2000, quân đội Nga đã rời khỏi đảo, và Matua trở thành một đảo không có người ở.
Những du khách thỉnh thoảng đến thăm hòn đảo hoang, nơi vẫn còn lại nhiều thiết bị quân sự và công sự cũ của Nhật Bản, các đường hầm bí ẩn và những điểm hấp dẫn khác.
Nhân tiện xin nói luôn, các đường băng bê tông trên các sân bay cũ của Nhật Bản vẫn giữ nguyên. Thượng tướng Surovikin đặc biệt nhấn mạnh điều đó.
Rõ ràng là cần phải xây dựng lại các đường băng cũ, nhưng, lãnh thổ này được chuẩn bị cho giai đoạn thi công xây dựng, và điều đó sẽ làm giảm đáng kể các chi phí tái trang bị.
Xét theo những báo cáo, trên đảo Matua sẽ bố trí các loại thiết bị kỹ thuật vô tuyến điện, các đơn vị không quân hải quân và tàu chiến.
Trong mọi trường hợp, không được bỏ qua cơ hội sử dụng một hòn đảo-pháo đài với các công trình quân sự có sẵn.
Căn cứ quân sự trên đảo Matua sẽ cho phép Nga kiểm soát các vùng biển xung quanh. Đặc biệt là, mấy năm gần đây tình hình khu vực Thái Bình Dương tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn…
Theo Sputnik