Nga “song kiếm hợp bích” báo thù Thổ Nhĩ Kỳ

Nga có khả năng tăng áp lực quân sự và chính trị đối với Ankara nhằm ngăn Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn thánh chiến khủng bố. Vấn đề phải xem Ankara sẽ có thể chịu đựng chiến tranh lạnh với Nga trong bao lâu, trong khi lao vào xung đột với PKK mà không để hai địch thủ này liên kết với nhau.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang ở trong một cuộc chiến tranh lạnh mới
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang ở trong một cuộc chiến tranh lạnh mới

Một câu ngạn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ nói: “Bạn không thể cầm hai quả dưa bằng một tay”, có nghĩa rằng không nên làm hai việc lớn cùng lúc. Hiện nay, chế độ Ankara dường như chính xác đang trong tình cảnh như vậy. Trong nước, Ankara lâm chiến với Đảng công nhân người Kurd (PKK). Ngoài nước, Thổ Nhĩ Kỳ lao vào cuộc chiến tranh lạnh với Nga, có nguy cơ dẫn tới xung đột đối đầu.

Như một hậu quả tự nhiên, hai cuộc chiến này lại kéo Nga và PKK xích lại gần nhau, tạo ra một thách thức nghiêm trọng đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Sự cố dẫn tới chiến tranh lạnh với Nga diễn ra vào ngày 24/11, khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay Nga mà Ankara cáo buộc vi phạm không phận nước này tại biên giới với Syria, nơi Nga can thiệp quân sự hậu thuẫn chế độ Damascus trong khi Thổ Nhĩ Kỳ chống lưng cho phiến quân đối lập.

Cần nhắc lại quá khứ để lý giải tại sao PKK không bỏ qua cuộc chiến tranh lạnh Nga-Thổ lần này.

Vào những năm 1980, Syria là một đồng minh của Liên Xô tại Trung Đông đã cung cấp nơi nương náu và hỗ trợ quân sự, hậu cần cho PKK nhằm gây bất ổn nước thành viên NATO Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi Liên Xô tan rã, Liên bang Nga giận dữ trước việc Thổ Nhĩ Kỳ phiến quân ly khai Chechnya, đã cho phép PKK hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ Nga. Nhóm này thậm chí còn xây dựng các trại giáo dục văn hóa gần Yaroslavl, phía đông bắc Moscow.

Không có gì ngạc nhiên khi Nga trở thành nước đầu tiên cho người sáng lập PKK Abdullah Ocalan (hiện đang ngồi tù tại một hòn đảo trên biển Marmara) được tị nạn vào năm 1998 sau khi ông này rời Syria dưới áp lực của Thổ Nhĩ Kỳ.

Giờ đây PKK lại là một phần của cuộc khủng hoảng Syria, nhưng dưới hình thức khác. Chi nhánh của PKK tại Syria là Đảng đoàn kết dân chủ (PYD) đã nổi lên chiếm cứ khu vực Rojava, và đã chứng minh họ là lực lượng hiệu quả trong cuộc chiến chống IS. Tuy nhiên, Ankara nhìn PYD như một nguy cơ và lo lắng về việc khu tự trị người Kurd tại Rojava đe doạ sự toàn vẹn lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong bối cảnh đó, thứ trưởng ngoại giao Nga Alexei Meshkov hôm 16/12 đã gợi ý rằng Moscow đã sẵn sàng chơi “con bài người Kurd” với Ankara. Những hành động và phi hành động của Thổ Nhĩ Kỳ trong một số vấn đề đã gây ra đe dọa thật sự đối với an ninh Nga, ông Meshkov phát biểu trên RIA Novosti.

“Người Kurd tất nhiên không nên bị trục xuất khỏi tiến trình đàm phán hòa bình về Syria, cũng như những nỗ lực tập thể chống IS và các nhóm khủng bố khác tại Syria và Iraq. Họ đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn các nguy cơ khủng bố”, ông Meshkov nhấn mạnh. Điều quan trọng là lưu ý rằng PKK đang ở tuyến đầu chống IS tại Iraq. Phát biểu của ông Meshkov cũng phản ánh sự ủng hộ chính trị của Nga đối với PKK.

Phát biểu của lãnh đạo ngoại giao Nga về “những hành động” và “phi hành động”của Thổ Nhĩ Kỳ mô tả chính sách về Syria của Ankara. Nếu như Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn các chiến binh thánh chiến chống Nga được coi là một mối họa, thì việc Thổ Nhĩ Kỳ làm ngơ trước IS  chính là “phi hành động” bị Nga chỉ trích. Chính sách hai mặt của Thổ Nhĩ Kỳ là nguyên nhân chính yếu dẫn đến chiến tranh lạnh giữa hai nước Nga-Thổ.

Thổ Nhĩ Kỳ từ chối thay đổi chính sách về Syria, trong khi đồng thời dồn áp lực lên PKK bằng cách leo thang cuộc chiến chống cộng đồng người Kurd chiếm đa số ở phía nam.  Áp lực càng tăng, khả năng PKK hướng về Nga càng cao.

Các nữ chiến binh người Kurd nổi tiếng dũng cảm trong chiến đấu
Các nữ chiến binh người Kurd nổi tiếng dũng cảm trong chiến đấu

Chiến tuyến cuộc chiến mới với PKK đã chuyển sang các khu đô thị phía nam Thổ Nhĩ Kỳ, dẫn tới việc tàn phá và trừng phạt dân thường. Chẳng hạn tại Diyarbakir, thành phố lớn nhất khu vực, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đang chiến đấu với dân quân PKK đào hầm hào cố thủ. Khu vực quận Sur đã bị tàn phá nặng nề sau 9 ngày chiến sự, chẳng khác gì các thành  phố bị nội chiến tàn phá ở Trung Đông. Theo thống kê của nhà báo Celal Baslangic, có tới 40 lệnh giới nghiêm được ban bố trong tổng số 130 ngày, áp đặt tại 18 quận trong khu vực từ 16/8 đến ngày 8/12.

Nguyên do dẫn tới cuộc chiến đô thị là sự chuyển đổi chính trị xã hội mà phong trào nguwoif Kurd Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành những năm gần đây. Khi vấn đề người Kurd trở nên chính trị hóa cao độ, phong trào người Kurd phát triển rộng rãi với các cơ sở rộng lớn và tích cực trong các thành phố và thị trấn miền nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Chiến dịch trấn áp chính trị bùng phát sau khi Phong trào thanh niên cách mạng yêu nước (YDG-H) do các dân quân PKK trẻ áp đảo và gánh vác vai trò cảnh sát tại các vùng lân cận với các căn cứ thân PKK hoạt động mạnh mẽ. Chiến dịch an ninh do Thổ Nhĩ Kỳ phát động từ tháng 7 vừa qua đã vấp phải sự kháng cự vũ trang ở cấp độ địa phương.

Dân quân đào hầm hào, dựng chiến lũy trong các khu nhà. Theo thống kê của tổ chức nhân quyền Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ hôm 10/12, 157 dân thường bị giết trong các cuộc đụng độ kể từ tháng 7, cùng với 195 dân quân PKK và 171 thành viên an ninh Thổ Nhĩ Kỳ.

Vào ngày 15/12, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã lệnh cho quân đội hành động như lực lượng cảnh sát đặc nhiệm, nhưng đã thất bại trong việc bẻ gãy sự kháng cự tại các điểm xung đột ở các tỉnh Diyarbakir, Mardin và Sirnak. Được xe tăng và xe bọc thép yểm trợ, 10.000 quân đã phát động chiến dịch tại các thị trấn Sirnack, Cizre và Silopi, nơi các chiến binh PKK chiến đấu hàng tháng trời với các chiến lũy và hầm hào.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố rằng cuộc chiến chống PKK sẽ tiếp tục lâu dài. Ankara càng tăng sức ép lên PKK khiến lực lượng này càng tìm kiếm sự trợ giúp bên ngoài. Kết thúc chiến tranh lạnh với Nga do đó là một sự bắt buộc để Thổ Nhĩ Kỳ ổn định tình hình trong nước. Tuy nhiên, bình thường hóa quan hệ với Nga hiện nay là không thể do Thổ Nhĩ Kỳ không chịu xin lỗi và bồi thường Nga về vụ bắn hạ Su-24 như điều kiện tiên quyết để hàn gắn quan hệ.

Chấp nhận yêu cầu của Nga sẽ là một thất bại nhục nhã đối với Erdoga, nên nhớ Ankara đã tuyên bố rằng máy bay Nga bị bắn hạ vì vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ và nước này sẽ không bao giờ xin lỗi.

Tóm lại, trong khuôn khổ một cuộc chiến tranh lạnh Nga có khả năng tăng áp lực quân sự và chính trị đối với Ankara nhằm ngăn Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn thánh chiến khủng bố. Vấn đề phải xem Ankara sẽ có thể chịu đựng chiến tranh lạnh với Nga trong bao lâu, trong khi lao vào xung đột với PKK mà không để hai địch thủ này liên kết với nhau.

* Lược dịch bài viết của Kadri Gursel trên trang Al-Monitor

Theo QPAN