Chiến thắng đột phá ở miền bắc Syria tuần qua đã đưa liên quân do Nga dẫn đầu tiến sát chiến thắng quyết định tại Aleppo. Sau khi đè bẹp tuyến phòng thủ 40 tháng ròng rã tại các thành phố Nubl và Zahra, quân đội Syria đã bao vây Aleppo và siết chặt thòng lọng.
Các tuyến đường tiếp tế ở phía bắc đã bị cắt đứt khỏi các nhóm phiến quân Sunni cực đoan và phiến quân bị kẹt trong chảo lửa đô thị. Chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi đám phiến quân hoặc là bị tiêu diệt hoặc buộc phải đầu hàng, trang CounterPunch nhận định.
Theo CounterPunch, một chiến thắng tại Aleppo sẽ thay đổi cục diện cuộc chiến với việc chính phủ giành lại quyền kiểm soát toàn bộ hành lang đông đúc dân cư phía tây. Đó là lý do tại sao chính quyền Obama cố gắng tìm cách để trì hoãn hoặc làm hỏng cuộc tấn công do Nga dẫn đầu và nhằm tránh sự sụp đổ chính sách của Mỹ về Syria sắp xảy đến.
Báo chí Pháp đều thống nhất rằng tình hình chiến sự Syria có vẻ đang xoay chiều. Quân đội Damascus, được không quân Nga yểm trợ, tiếp tục tiến quân nhằm tái chiếm Aleppo, thành phố công nghiệp của Syria hiện đang trong tay phiến quân.
Le Monde nhận định Aleppo là trận đánh quyết định đối với chế độ Assad. Tờ báo Pháp cho rằng Aleppo được coi là thành trì của phe nổi dậy bị bao vây, và cuộc tiến quân của lực lượng chính phủ Damascus từ đầu tháng này với sự yểm trợ của không quân Nga, là một bước ngoặt trong cuộc nội chiến Syria.
Le Monde tố Nga đã chọn lá bài tấn công quân sự và nhấn mạnh: «Chiến dịch tấn công Aleppo làm ngành ngoại giao chết đứng». Tờ báo Pháp còn cho rằng do thiếu sự hỗ trợ của Mỹ, phe nổi dậy Syria và các đồng minh của họ đã không thể đối phó với chiến dịch tấn công của Nga.
Không chỉ vậy, phe nổi dậy còn phải đương đầu với nạn đào ngũ. Các trận không kích ồ ạt của Nga nhắm vào lực lượng Quân Đội Syria Tự Do đã làm cho các chiến binh suy sụp tinh thần. Họ cũng không thấy triển vọng sáng sủa gì, cho nên hàng trăm chiến binh đã rời bỏ chiến trường, chạy đi tị nạn sang Đức, như một người đã kể lại với tờ báo. Trong tình hình đó, phe nổi dậy Syria đã phải chiêu mộ ngày càng nhiều thanh niên không có kinh nghiệm chiến đấu.
Tờ Le Figaro thì nhận xét cuộc chiến Aleppo khiến quan hệ căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nghiêm trọng thêm vì chiến sự không chỉ đẩy hàng ngàn người chạy lánh nạn về biên giới Thổ, mà cả phe nổi dậy cũng đã phải tháo lui về Thổ Nhĩ Kỳ.
Le Figaro cũng nhận định rằng Aleppo bước ngoặt của cuộc nội chiến Syria. Cuộc tiến công của quân đội Damas với các cuộc oanh kích của Nga đã làm thay đổi ván cờ quân sự và ngoại giao. Tiến trình hòa bình đàm phán ở Vienna và Geneva kể như đang thoi thóp.
Theo Le Figaro, ông Putin đã áp dụng chiến lược từng thực hiện ở Grosny (Chechnya) để loại trừ phe nổi dậy: Diệt trừ đối thủ dưới thảm bom và đồng thời gạt bỏ những thành phần có thể ngồi vào bàn đàm phán cho một giải pháp chính trị. Ở Aleppo, một người thuộc phe nổi dậy trả lời tờ báo qua điện thoại, mô tả cảnh có lúc có đến 10 chiếc máy bay nã tên lửa cùng một lúc. Le Figaro e ngại phương Tây có nguy cơ không còn «đòn bẩy» ở Syria, mất đi ảnh hưởng chiến lược ở Trung Đông.
Libération cũng cùng nhận định trong bài phân tích «Aleppo, một thách thức cho uy tín của phương Tây». Trận đánh Aleppo phơi bày một thực tế mà Washington và nước phương Tây khác không muốn nhìn nhận, khi dấn thân vào cuộc chiến với ưu tiên chống IS. Tờ báo Pháp nêu rõ nếu Aleppo thất thủ, đó sẽ là một thảm kịch không chỉ đối với người dân tại đấy, với lực lượng nổi dậy, mà cả đối với uy tín của phương Tây.
Nếu không trợ giúp phe nổi dậy, kể cả về mặt quân sự, phương Tây sẽ bị xem thường về thái độ yếu đuối, hèn nhát của mình.