Nga phát triển tên lửa tàng hình nhỏ gọn cho không quân chiến lược tầm xa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Không quân chiến lược tầm xa của Nga có nhiệm vụ tiêu diệt sở chỉ huy, các hệ thống phòng thủ tên lửa, hệ thống phòng không, các khu sản xuất và hệ thống cầu cống của đối phương.

Các nhà khoa học hàng đầu, các chuyên gia cao cấp của Nga đang tập trung phát triển một loại vũ khí mới. Sản phẩm chưa có chỉ số, chưa có tên gọi chính thức và chưa lần nào đước giới quân sự Nga nhắc tới trong các văn bản báo cáo.

Dự án được mang tên “Sản phẩm 506” – đây là dự án phát triển tên lửa hành trình phi hạt nhân, có kích thước nhỏ gọn, có khả năng tàng hình, có thể tiêu diệt chính xác mọi mục tiêu ở cự ly hàng nghìn km. Trong tương lai gần, loại tên lửa đọc nhất vô nhị này sẽ được bổ sung vào kho vũ khí của máy bay ném bom Tu-160M và Tu-95M.

Thông tin về dự án 506 được tiết lộ vào năm 2020, thông qua một trang tin tuyển dụng nhân sự của công ty “Tupolev”. Thời điểm đó công ty Tupolev đăng tin tuyển dụng phó phòng thiết kế vũ khí, kiêm chủ nhiệm dự án “70M-506” phụ trách thiết kế thử nghiệm với mức lương 133.900 ruble. Trong đó, “70M” biểu thị chương trình nâng cấp sâu máy bay ném bom chiến lược Tu-160M với biệt danh là “Thiên nga trắng”.

Năm 2016, trong một lần trả lời phỏng vấn, tổng giám đốc công ty Viện nghiên cứu chế tạo máy quốc gia (GosNIIMash) Igor Kuznetsov khẳng định: Trong số các dự án mà công ty phải thực hiện, có dự án “Sản phẩm 506”. Thông tin chi tiết về dự án không được tiết lộ, chỉ biết rằng đây là dự án phát triển tên lửa hành trình, tên lửa này sẽ có những thông số đặc biệt, sản phẩm tương tự như vậy chưa hề có trên thế giới. Viện nghiên cứu chế tạo máy quốc gia “GosNIIMash” là đơn vị hàng đầu của Nga trong lĩnh vực phát triển và sản xuất đầu đạn của tên lửa có điều khiển.

Tác giả chính của tên lửa hành trình trong dự án “Sản phẩm 506” là phòng thiết kế chế tạo máy “Raduga” mang tên A.Ya.Bereznyak thuộc tập đoàn vũ khí tên lửa chiến thuật (KTRV) của Nga. Phòng thiết kế “Raduga” là một công ty do nhà nước quản lý, cũng là một nhà phát triển tên lửa hành trình dẫn đầu thế giới, nhiều sản phẩm có tên tuổi phải kể tới như là tên lửa hành trình chiến lược Kh-555 và Kh-101 – đây là hai loại vũ khí chính của không quân chiến lược tầm xa của Nga. Kh-555 và Kh-101 đã gặt hái được rất nhiều thành công trong các chiến dịch quân sự của Nga ở Syria. Trang web của phòng thiết kế “Raduga” cho biết: tên lửa hành trình thuộc dự án “Sản phẩm 506” là dòng tên lửa “không đối đất”, chủ yếu để trang bị cho không quân chiến thuật tầm xa và cho tàu chiến của Hải quân Nga.

Tổng biên tập trang mạng “Militaryrussia”, Dmitry Kornev, cho biết: “Khác với các nhiên liệu truyền thống, động cơ của tên lửa hành trình thuộc “Sản phẩm 506” chạy bằng nhiên liệu hỗn hợp Decylin và Decylin-M, Đây là yếu tố mang lại những tính năng kỹ thuật mới: như tầm bắn được nâng cao, trong khi kích thước bình nhiên liệu vẫn được giữ nguyên, kích thước tên lửa bảo đảm yêu cầu nhỏ, gọn. Tên lửa có tốc độ cận âm, được trang bị công nghệ tàng hình, do vậy tạo được yếu tố bất ngờ trong tác chiến và qua mắt được hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương”.

Chuyên gia quân sự Dmitry Boltenkov cho hay: “Trước kia, nói đến không quân chiến lược tầm xa, chủ yếu ta thường tập trung nhiệm vụ tấn công hạt nhân. Trong thời hậu Xô Viết, lực lượng không quân tầm xa được trang bị tên lửa hành trình phi hạt nhân để can thiệp vào những khu vực xung đột thông thường. Nhiệm vụ chính của không quân tầm xa là phá hủy bộ chỉ huy, hệ thống phòng thủ tên lửa, hệ thống phòng không, cầu cống và khu vực nhà máy xí nghiệp. Cho nên, tên lửa hành trình có kích thước càng nhỏ gọn, thì số lượng các máy bay tầm xa mang theo càng được nhiều, như vậy, mỗi một “chiến lược tầm xa” càng trở nên nguy hiểm đối với kẻ thù của chúng ta”.

Chuyên gia Dmitry Boltenkov chia sẻ thêm: “Tên lửa tàng hình mới thuộc dự án “Sản phẩm 506” sẽ trang bị không chỉ cho máy bay chiến lược tầm xa Tu-160M, Tu-95MS, mà còn cho cả Tu-22M3M. Thông tin về dòng tên lửa mới này có thể mang đầu đạn hạt nhân hay không hiện nay chưa được công bố”.