Mỹ toan tính gì khi tăng cường hiện diện quân sự sát biên giới Nga?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bộ trưởng Quốc phòng Nga tuyên bố: Nga theo dõi chặt chẽ mọi cử động của tàu chiến Mỹ trên Biển Đen, không cho phép xảy ra bất kỳ hành động gây hấn nào
Tàu chỉ huy và tàu khu trục Mỹ thăm cảng Batumi, Gruzia. Máy bay tiêm kích của Mỹ được đưa tới Bulgaria và Romania (Ảnh: Iz.ru)
Tàu chỉ huy và tàu khu trục Mỹ thăm cảng Batumi, Gruzia. Máy bay tiêm kích của Mỹ được đưa tới Bulgaria và Romania (Ảnh: Iz.ru)

Bộ Quốc phòng Nga cho biết: trong những ngày gần đây, Mỹ đưa máy bay tiêm kích F-15E Strike Eagle tới Romania, Bulgaria. Ngày hôm qua 8/11, tàu chỉ huy USS Mount Whitney của Hạm đội 6 và tàu khu trục mang tên lửa Porter của Hải quân Hoa Kỳ đã cập cảng Batumi của Gruzia. Các tàu chiến Mỹ thăm Gruzia trùng thời điểm diễn ra cuộc điện đàm của Tổng thống Nga Putin với Giám đốc cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) William Burns.

Tàu chỉ huy Mount Whitney sau khi dừng đỗ nhiều ngày tại thành phố Istanbul – Thổ Nhĩ Kỳ, đã đi vào Biển Đen đúng vào ngày 4/11, khi Tổng thống Putin tới Sevastopol tham dự các hoạt động chào mừng ngày Thống nhất dân tộc của Nga.

Giới chuyên gia nhận định rằng, sự xuất hiện tàu chiến, máy bay của Mỹ ngay sát biên giới phía Nam của Nga đúng lúc diễn ra các cuộc đối thoại quan trọng là nhằm phô diễn sức mạnh của Mỹ.

Thư ký báo chí của tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, cho biết: Tổng thống Putin có cuộc điện đàm với giám đốc cục tình báo trung ương Mỹ William Burns, hai bên đã trao đổi về quan hệ song phương, về khủng hoảng ngoại giao và tình hình xung đột trong khu vực.

Trưởng khoa quản lý và công nghệ xã hội thuộc Học viện hành chính công và kinh tế quốc dân Nga (RANEPA), bà Inna Vetrenko, cho biết: “Việc tàu chiến của NATO tiến sát bờ biển nước Nga đúng lúc diễn ra các cuộc đối thoại quan trọng không phải là ngẫu nhiên. Chúng tôi đã nhiều lần chứng kiến hiện tượng như vậy. Việc đưa tàu chiến vào Biển Đen, thực chất là sự phô trương cơ bắp của Hải quân Hoa Kỳ”.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, hiện tại tàu khu trục và tàu chỉ huy của Hải quân Mỹ vẫn tuân thủ các quy định chung. Vào Biển Đen, sau khi tham gia tập trận cùng tàu khu trục Gordi của Bulgaria và tàu khu trục Yavuz của Thổ Nhĩ Kỳ, các tàu chiến này của Mỹ đã cập cảng Batumi của Gruzia.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố hôm 7/11 rằng: “Quân đội Nga giám sát chặt chẽ nhất cử nhất động của các tàu chiến Mỹ trên Biển Đen, không cho phép chúng gây ra bất kỳ hành động gây hấn nào”.

Ngoài việc đưa tàu chiến tới Biển Đen, Không quân Mỹ cũng tăng cường hiện diện trong khu vực. Máy bay tiêm kích F-15E Strike Eagle và máy bay tiếp dầu đã tới tham gia tập trận Castle Forge - 2021 giai đoạn 2 tại căn cứ không quân Graf Ignatievo của Bulgaria và căn cứ Borsea của Romania.

F-15E Strike Eagle là máy bay tiêm kích ném bom có thể mang theo vũ khí hạt nhân chiến thuật, có thể tham gia các hoạt động tuần tra, hỗ trợ hỏa lực cho lục quân, tấn công các mục tiêu mặt đất, được đánh giá là tương đương phiên bản Su-34 của Nga.

Ngày 8/11, Ukraine đã cho phép máy bay trinh sát RS-135 của Mỹ đi vào không phận của mình từ một căn cứ không quân của Anh.

Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Nga cho biết: “Tuy rằng các tàu chiến của Mỹ tuân thủ công ước Montreux khi đi vào Biển Đen, đã thông báo cho phía Nga biết trước về thời gian và vị trí tiến hành tập trận, nhưng sự việc này vẫn không mang lại điều gì tốt đẹp cho quan hệ Nga-Mỹ”.

Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ordzhonikidze cho biết: “Việc Mỹ đưa tàu chiến vào Biển Đen và bố trí máy bay tiêm kích ở Bulgaria và Romania chỉ làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và các nước NATO trong khu vực. Mỹ đang muốn gây sức ép về chính trị và quân sự đối với Nga. Điều đáng nói nhất ở đây là, sự xuất hiện của tàu chỉ huy Mount Whitney ở sát bờ biển phía Nam của Nga. Mount Whitney thực chất là bộ tham mưu nổi của Hải quân Mỹ, nó có thể phối hợp hành động của Hải, Lục, Không quân với nhau. Như vậy, NATO đang diễn tập việc sử dụng vũ lực trên biển, trên không và trên bộ”.

Cựu quan chức ngoại giao Nga chia sẻ thêm: “Phía Nga đã nhiều lần đề nghị đối thoại trực tiếp giữa hai nước, nhưng để đối thoại trực tiếp được thì phải bình thường hóa quan hệ ngoại giao, thế nhưng hiện nay, Đại sứ quán hai nước Nga và Mỹ đang hoạt động với biên chế rút gọn. Vì vậy mọi trao đổi theo kênh ngoại giao được thay thế bằng những chuyến thăm ngắn ngày và những cuộc điện đàm, đây là yếu tố làm suy giảm lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau của hai bên”.