Nga - NATO "vờn nhau" trên bầu trời

VietTimes -- Các chiến đấu cơ của Pháp đã tham gia vào trò mèo vờn chuột với máy bay Nga trên bầu trời các nước khu vực Baltic vì NATO đang theo dõi sát sát các động thái của Nga, AFP cho biết.
Tiêm kích Typhoon của không quân Ý làm nhiệm vụ trên không phận khu vực Baltic
Tiêm kích Typhoon của không quân Ý làm nhiệm vụ trên không phận khu vực Baltic

Mới đây, phi đội 4 tiêm kích Mirage của Pháp đã hoàn thành một nhiệm vụ kéo dài bốn tháng ở Lithuania và các phi công Pháp đã rất bận rộn trong việc tham gia 23 phi vụ “mèo vờn chuột” với máy bay Nga.

“Chúng tôi đã sử dụng thuật ngữ “ngăn chặn” nhưng đúng hơn là “xác định” và “quan sát”, trung tá Issac Diakite trả lời AFP tại căn cứ ở Siauliai miền bắc Lithuania.

“Nga muốn bảo đảm đường bay ở không phận quốc tế, và họ bay dọc theo khu vực Baltic chứ không xâm nhập vào không phận. Họ có quyền làm thế, và chúng tôi cũng vậy. Do đó chúng tôi xuất kích để giám sát, xác định máy bay và chụp ảnh để cho mọi người thấy chúng tôi đang ở đó”, ông Diakite nói.

Máy bay Nga đã bay sát biên giới phía bắc của NATO từ vài năm nay và số chuyến bay đã tăng lên sau vụ khủng hoảng Ukraine năm 2014.

“Đây là một trò chơi nho nhỏ nhằm biểu dương sức mạnh để thể hiện rằng họ đã trở lại sau khi hiện đại hóa quân đội trên quy mô lớn”, tướng Olivier Taprest, tư lệnh lực  lượng phòng không Pháp, người đã tham gia vào một buổi lễ ở Siauliai để đánh dấu kết thúc hoạt động này.

Các hệ thống radar của NATO thường xuyên phát hiện chiến đấu cơ Sukhoi của Nga, máy bay vận tải Antonov và máy bay ném bom chiến lược tầm xa Tupolev bay qua Lằn ranh Omega, lằn ranh do NATO tự dựng lên chạy từ phía bắc Na Uy. Mỗi khi máy bay bay ngang qua lằn ranh này sẽ báo động cho các căn cứ của NATO và các máy bay chiến đấu sẽ ngay lập tức được triển khai.

Biên đội chiến đấu cơ của Nga
Biên đội chiến đấu cơ Sukhoi của Nga

Máy bay ném bom Tupolev bị bắt gặp ba lần trong những tháng cuối năm 2016, chúng bay ngang qua các nước Baltic đến phía tây nước Anh.

Một năm trước, vào tháng 11/2015, các máy bay này được cho là đã bay quanh Ireland và băng ngang qua Địa Trung hải để dội bom ở Syria trước khi quay trở lại Nga qua không phận Iran. Pháp cho rằng hành động này chỉ là để phô trương lực lượng trước người Mỹ.

“Động thái trên hoàn toàn vô dụng về mặt chiến thuật, nhưng nó đã gửi đi một thông điệp rằng: Nếu bạn tính toán quãng đường bay, chúng sẽ cho thấy là Nga có thể vươn tới tận New York”, tướng Taprest nhận định.

Canh cửa sau hàng rào

Theo AFP, các chiến đấu cơ của NATO thực thi nhiệm vụ giống như chó giữ cửa phía sau hàng rào, dù không thực sự cắn hay sủa gì cả, sự hiện diện của họ là để cho Nga thấy rằng liên quân khối quân sự Bắc Đại Tây Dương sẽ bảo vệ bầu trời của các nước thành viên và một khi đã chạm đến giới hạn thì họ sẽ phản ứng đáp trả.

Máy bay Pháp bay kèm và chụp ảnh một chiến đấu cơ Sukhoi của Nga ở Baltic
Máy bay Pháp bay kèm và chụp ảnh một chiến đấu cơ Sukhoi của Nga ở Baltic

Quy trình được thực hiện một cách nghiêm ngặt. Hai máy bay đánh chặn đầu tiên bay trong vòng bán kính 1km đằng sau chiếc máy bay chưa được xác định. Sau đó một trong hai chiếc tiến sát cánh của mục tiêu ở khoảng cách từ 300m đến 50m. Mục đích rõ ràng là để phi công máy bay đối phương biết rằng anh ta đang bị theo dõi.

“Nếu là ban đêm, chúng tôi sẽ chiếu đèn vào buồng lái, một phi công Pháp cho hay, đôi khi họ đáp trả bằng một loạt đạn mồi bẫy, đôi khi lại không. Sau đó chúng tôi chuyển sang chế độ tự lái để chụp ảnh và gửi về sở chỉ huy”.

Nếu máy bay Nga không đi chệch khỏi quỹ đạo và vẫn ở trên không phận quốc tế thì không cần phải hành động gì thêm.

Tuy nhiên, nếu máy bay Nga bay vào không phận NATO, ngay lập tức sẽ có động thái đáp trả, bắt đầu với việc phóng pháo sáng cho đến khi bắn đạn cảnh cáo thật. Biện pháp đáp trả cuối cùng sẽ là bắn hạ máy bay bằng tên lửa.

“Chúng tôi có thể cố liên hệ với phi công Nga trên radio qua tần số khẩn cấp hàng không. Đôi khi họ đáp lại”, phi công Pháp cho hay.

Khi các phi công bay cạnh nhau ở khoảng cách 50m, họ có thể nhìn thấy nhau rất gần và thậm chí có thể ra dấu cho nhau.

“Nhưng phần lớn các dịp họ không nhìn chúng tôi. Họ có con đường riêng phải theo và họ sẽ không đi chệch khỏi đó,” viên phi công Pháp nói thêm.