Không quân Nga gia tăng nhịp độ, có khi tập trung 75 phi vụ đánh vào một vị trí của đối lập vũ trang gần Damascus. Đã vậy, Mỹ còn gây sức ép thúc giục đối lập tham gia hoà đàm với chính quyền Bashar Al Assad. Sau khi cung cấp vũ khi chống tăng giúp lực lựợng Quân đội Syria Tự Do chặn đứng đà tiến quân của quân đội chính phủ tại phía bắc, dường như Mỹ bắt đầu ép đối lập giảm hoạt động quân sự. Chuyên gia Salam Kawakibi cho đây là một "trò chơi nguy hiểm" vì chiến binh đối lập Syria thiếu vũ khí, sẽ chạy sang hàng ngũ Al Qaida .
Cũng theo Le Monde, tương quan lực lượng trên chiến trường lúc nghiêng về bên này lúc thuận lợi cho bên kia. Tuy quân đội chính phủ bị đẩy lui ở miền đông, nhưng Damas có thể đến bàn hội nghị tại Genève với thế mạnh nhờ không quân Nga.
Qua điều tra riêng, nhật báo kinh tế Pháp Les Echos xác định là trên chiến trường liên quân Nga- Syria không tái chiếm được lãnh thổ cho dù nỗ lực quân sự của Nga không ngừng nghỉ. Sau 4 tháng được oanh kích yễm trợ với hơn 6.000 phi vụ, , quân đội chính phủ chỉ lấy lại được 1,3% lãnh thổ bị mất. Tuy nhiên, nếu so sánh với tình thế hồi mùa hè năm 2015, thì mục tiêu của Nga đã đạt được, quân đội Damas không còn bị nguy cơ tan rã, chính quyền Syria giữ vững được vị trí không còn mất đất liên tục.
Nhưng vì sao IS phải rút lui và bị mất 14% lãnh thổ mà quân đội Syria chỉ giành được có 1,3%. Theo Les Echos, một phần vì Nga tập trung đánh vào đối lập vũ trang, trong khi phương Tây tấn công IS và Al Qaida, giúp cho lực lượng Kurdistag và quân đội Irak tái chiếm những tỉnh thành bị thất thủ trong năm 2014 và 2015. Chính sự kiện Nga tập trung oanh kích đối lập mà một số tổ chức nổi dậy cảnh báo sẽ không dự hòa đàm.
Trong lúc Mỹ Nga bận tâm vì tình hình phức tạp tại Trung Đông thì Trung Quốc «len mình» vào vùng hỗn tạp. Chuyến công du một tuần lễ của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình qua Ả Rập Xê Út, Ai Cập và Iran được nhật báo Công giáo La Croix bình luận là «nặng phần chính trị và ngoại giao» bên cạnh các hợp đồng kinh tế .
Trước đó, Bắc Kinh để cho 4 thành viên thường trực khác trong Hội Đồng Bảo An chủ động trên hồ sơ Trung Đông. Nhưng ngành ngoại giao Trung Quốc bắt đầu năng nổ hơn, năm 2014, lần đầu tiên từ sau 23 năm, Ngoại trưởng Trung Quốc đến Iraq.
Bắc Kinh tìm cách thắt chặt quan hệ với các tổ chức khu vực như Liên đoàn Ả Rập, thành viên của Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á mà Bắc kinh khởi xướng. Vừa ủng hộ lập trường của Nga , Trung Quốc cũng chủ động tiếp Ngoại trưởng Syria và đại diện đối lập. Nổi bật nhất, Bắc kinh cũng tham gia vào tiến trình hòa bình tại Afganistan bên cạnh Mỹ và Pakistan.
T.H