Hãng tin Reuters (Anh) gần đây cho rằng trên thế giới các cuộc xung đột quân sự liên tiếp xảy ra, mối đe dọa không ngừng gia tăng, điều này sẽ tiếp tục thúc đẩy các nước tăng cường mua sắm vũ khí. Nhưng các quan chức chính phủ và trong ngành ở Mỹ, châu Âu, Nga và khu vực Trung Đông cho rằng trong ngắn hạn, đơn đặt hàng vũ khí sẽ không tăng mạnh.
Triển lãm hàng không quốc tế Paris, Pháp là triển lãm hàng không có quy mô lớn nhất và lâu đời nhất trong lịch sử thế giới. Theo giám đốc điều hành nhiều doanh nghiệp, Triển lãm hàng không quốc tế Paris 2017 bận rộn hơn so với các năm trước. Điểm sáng của triển lãm năm nay là máy bay chiến đấu tàng hình F-35 (do Công ty Lockheed Martin Mỹ sản xuất) tiến hành bay biểu diễn trên không.
Tuy nhiên, giám đốc cấp cao của doanh nghiệp này cũng cảnh cáo rằng việc bán vũ khí cho nước ngoài cần thời gian vài năm mới có thể hoàn thành, chính phủ các nước NATO phải mất nhiều thủ tục hành chính và ngân sách mới có thể tăng chi tiêu quân sự để đáp ứng mục tiêu dành 2% GDP cho chi tiêu quân sự theo quy định.
Quan chức hãng Boeing dự tính tiêu thụ vũ khí sẽ tăng trưởng ổn định, nhưng đã cảnh cáo đối với việc “tranh mua”. Gần đây, quan hệ Nga - Mỹ tiếp tục căng thẳng, gây lo ngại có thể tiếp tục xảy ra chạy đua vũ trang. Nhưng, quan chức cấp cao hai nước này thống nhất cho rằng sẽ không xuất hiện tình hình “mua sắm điên cuồng” để mở rộng vũ khí trang bị.
Tại Triển lãm hàng không Paris, ông Dmitry Shugaev - quan chức cấp cao cơ quan thương mại vũ khí Moscow Nga trả lời phỏng vấn cho rằng mặc dù phương Tây tiến hành trừng phạt Nga, các nhà chế tạo vũ khí Nga vẫn có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, nhưng đặc điểm tính chu kỳ của thương mại vũ khí và căng thẳng ngân sách đã kiềm chế triển vọng tăng mạnh tiêu thụ vũ khí toàn cầu.
Ông Shugaev còn giữ thái độ nghi ngờ đối với khả năng các nước thành viên NATO sẽ tăng nhanh ngân sách quân sự, cho dù các nước thành viên NATO cam kết nỗ lực thực hiện mục tiêu dành 2% GDP cho chi tiêu quân sự.