Người Nga đã từng khai sinh cuộc cách mạng quân sự trong thế kỷ 20
Liên Xô là một trong những quốc gia đi đầu trong cuộc cách mạng khoa học-kỹ thuật lần thứ ba với những phát minh và sáng chế kiệt xuất trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, chinh phục và khai phá khoảng không vũ trụ, công nghệ lade, vật liệu mới... Chỉ trong một thời gian ngắn, mặc dù bị tàn phá nặng nề trong Thế Chiến II, người Nga đã nhanh chóng đuổi kịp và vượt Mỹ trong nhiều lĩnh vực công nghệ quân sự.
Đầu những năm 1970, giới nghiên cứu quân sự ở Liên Xô bắt đầu nghiên cứu tác động sâu sắc của việc ứng dụng thành tựu cuộc cách mạng khoa học-kỹ thuật lần thứ ba trong lĩnh vực quân sự, có thể tạo ra những thay đổi có tính đột phá và họ gọi đó là "cuộc cách mạng kỹ thuật-quân sự" với hàm ý những thành tựu khoa học-kỹ thuật mới một khi được ứng dụng trong quân sự sẽ tạo ra những biến chuyển có tính cách mạng trong nghệ thuật điều hành chiến tranh. Về sau, ý tưởng của người Nga về cuộc cách mạng kỹ thuật-quân sự được giới nghiên cứu ở Mỹ phát triển thành khái niệm “cuộc cách mạng trong quân sự”, gọi tắt là RMA (Revolution in Military Affairs) [1].
Người có đóng góp lớn nhất trong việc phát triển lý luận về cuộc cách mạng trong quân sự trong thế kỷ 20 là Nguyên soái Liên Xô Nicolai Ogarkov-Tổng Tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Xô Viết. Ồng là người đầu tiên đưa ra quan điểm cho rằng một cuộc cách mạng trong quân sự đang hình thành trên cơ sở các loại vũ khí thế hệ mới, thường được gọi là “vũ khí điều khiển chính xác cao”, gọi tắt là PGM (Precision-Guided Munition - Đạn dẫn đường chính xác), hoặc “vũ khí thông minh” (Smart Weapon).
Tàu ngầm không người lái Poseidon. Ảnh: The Sun.
|
Theo tướng Nicolai Ogarkov, các công nghệ tiên tiến nhất tạo khả năng “quan sát xuyên thấu chiến trường", từ xa đánh thọc sâu vào đội hình đối phương trong chiến tranh tương lai. Một khi “vũ khí thông minh” kết hợp với những thay đổi cần thiết về tổ chức quân đội sao cho phù hợp với vũ khí trang bị mới sẽ là một sự thay đổi mang tính cách mạng trong quân sự.
Vào cuối thế kỷ 20, Mỹ, nhiều nước Phương Tây và Trung Quốc đều phát triển lý luận về cuộc cách mạng trong quân sự và trên cơ sở đó tiến hành các chương trình quốc gia cải cách quân sự và tạo ra diện mạo hoàn toàn mới của quân đội. Kể từ khi lên cầm quyền vào năm 2000, Tổng thống Nga V.Putin tiến hành công cuộc cải cách chưa từng có ở nước Nga theo hai hướng: cải cách toàn bộ cơ cấu tổ chức và biên chế trang bị cho Các lực lượng vũ trang Nga và nghiên cứu phát triển các loại vũ khí dựa trên các nguyên lý khoa học mới. Một trong những thành tựu của công cuộc cải cách này là Nga đã phát triển thành công và đưa vào trang bị những loại vũ khí độc nhất vô nhị trên thế giới mà Tổng thống V.Putin đã công bố trong Thông điệp liên bang ngày 1.3.2018 và ngày 20.2.2019.
Vũ khí mới của Nga tạo ra cuộc cách mạng mới trong quân sự
Trong Thông điệp liên bang năm 2019, Tổng thống Nga V.Putin cho biết, nếu Mỹ quyết định rút khỏi Hiệp ước Mỹ-Nga hủy bỏ tên lửa tầm ngắn và tầm trung và tiếp tục triển khai những loại tên lửa này trên lãnh thổ các nước thành viên Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Âu, thì Nga buộc phải áp dụng các biện pháp đáp trả thích đáng.
Theo đó, Nga không chỉ đưa vào trang bị các loại vũ khí hoàn toàn mới để có thể ngay tức khắc tấn công đáp trả vào những căn cứ tên lửa của Mỹ ở châu Âu-nơi xuất phát đòn tấn công phủ đầu nhằm vào Nga, mà cả những nơi bố trí trung tâm đưa ra quyết định các đòn tấn công đó. Đây là tuyên bố chưa từng có kể từ thời Chiến Tranh Lạnh nhằm vào các trung tâm chỉ huy và điều hành chiến tranh trên lãnh thổ Mỹ.
Tổng thống Nga V.Putin nhấn mạnh, đã đến lúc cần phải thức tỉnh những thế lực hiếu chiến đến ngông cuồng ở Mỹ đang theo đuổi tham vọng cực kỳ nguy hiểm là giáng đòn tấn công hạt nhân phủ đầu để hủy diệt nước Nga mà không sợ bị giáng trả. Ồng cảnh báo rằng, người Mỹ nên biết rõ tầm bắn và độ chính xác của các vũ khí của Nga trước khi ra lệnh phát động chiến tranh.
Nga phóng thử tên lửa Zircon.
|
Tổng thống Nga V.Putin cho biết, đại diện điển hình cho những vũ khí nguyên lý mới của Nga là hệ thống tên lửa Zircon, tàu ngầm không người lái Poseidon, tên lửa đường đạn xuyên lục địa thế hệ mới Sarmat, tên lửa hành trình lắp động cơ năng lượng hạt nhân, hệ thống tên lửa đường đạn hạt nhân chiến lược Avangard. Những loại vũ khí này dựa trên những nguyên lý khoa học mới đang tạo ra sự phát triển có ý nghĩa cách mạng trong nghệ thuật quân sự [2].
Tên lửa Zircon có khả năng vượt qua mọi hệ thống phòng thủ hiện có trên thế giới, kể cả của Mỹ, có thể lắp đặt trên tàu nổi và tàu ngầm, có tầm phóng tới 1.000 km, bay với tốc độ nhanh gấp 9 lần tốc độ âm thanh. Những tàu nổi và tàu ngầm này của Nga hoạt động trên vùng biển quốc tế, không xâm phạm lãnh hải của Mỹ, nhưng có thể tấn công hủy diệt các trung tâm chỉ huy trên lãnh thổ Mỹ trong vòng 4 phút.
Tàu ngầm tàng hình không người lái Poseidon chạy bằng động cơ năng lượng hạt nhân, có kích thước nhỏ gấp hàng trăm lần và công suất động cơ mạnh gấp 200 lần so với tàu ngầm thông thường, có tầm hoạt động xuyên lục địa, được trang bị đầu đạn hạt nhân công suất 2 triệu tấn thuốc nổ TNT, có khả năng tấn công phá hủy các mục tiêu kiên cố nhất của đối phương, trước hết là các trung tâm chỉ huy. Lần đầu tiên, công nghệ trí tuệ nhân tạo được Nga sử dụng thành công để chế tạo hệ thống điều khiển tàu ngầm không người lái Poseidon [3].
Tên lửa hành trình lắp động cơ năng lượng hạt nhân, sử dụng công nghệ tàng hình, có khả năng bay ở tầm thấp, len lỏi của mọi địa hình, có tầm bay xa vượt gấp hàng chục lần tầm xa của tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ. Đặc biệt, tên lửa hành trình của Nga bay theo quỹ đạo không thể đoán định trước, hoàn toàn có khả năng né tránh mọi hệ thống đánh chặn tên lửa và phòng không hiện có trên thế giới.
Hệ thống tên lửa đường đạn hạt nhân chiến lược Avangard, có khả năng bay nhanh gấp 20 lần tốc độ âm thanh trong bầu khí quyền dày đặc và chịu được sức nóng do cọ xát với không khí trên bề mặt bên ngoài tới 1.600-2.000oC. Để có được tính năng này, người Nga áp dụng công nghệ plasma để tạo ra môi trường vừa có tác dụng bảo vệ vỏ tên lửa, vừa cho phép khoang đầu đạn cơ động “lắt léo” trên quỹ đạo. Hiện chưa một quốc gia nào có thể chế tạo được loại tên lửa tương tự. Không một hệ thống đánh chặn tên lửa hay hệ thống phòng không nào có thể phát hiện và đánh chặn được loại đầu đạn này.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat RS-28.
|
Tên lửa đường đạn hạt nhân chiến lược thế hệ mới Sarmat, có tầm phóng xuyên lục địa (11.000km), có khả năng cơ động trên quỹ đạo nên dễ dàng vượt qua mọi hệ thống đánh chặn tên lửa hiện có. Đây cũng là loại tên lửa đường đạn xuyên lục địa độc nhất vô nhị trên thế giới bởi chưa có quốc gia nào làm chủ được công nghệ tên lửa đường đạn xuyên lục địa có thể bay cơ động trên quỹ đạo [4].
Vũ khí lade của Nga không chỉ có khả năng bắn rơi máy bay, tên lửa của đối phương mà cả các vệ tinh quân sự bay trên quỹ đạo xung quanh Trái Đất. Vũ khí xung điện từ của Nga có thể được bố trí trên quỹ đạo xung quanh Trái Đất để “phun các tia chết” nhằm làm tê liệt không chỉ các vệ tinh của đối phương trên vũ trụ mà cả các trung tâm chỉ huy và hệ thống điều khiển trên mặt đất của đối phương. Với những loại vũ khí này, người Nga không cần phải lao vào “cuộc chiến tranh giữa các vì sao mới” mà Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa phát động.
Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, các thế hệ vũ khí mới của Nga đang tạo ra cuộc cách mạng mới trong quân sự với hàm ý sẽ làm đảo lộn hoàn toàn học thuyết chiến tranh của Mỹ và NATO. Trước hết, Nga đang làm phá sản chiến lược giáng đòn tấn công phủ đầu của Mỹ. Tiếp đến, Nga làm phá sản ý đồ chiến lược của Mỹ biến lãnh thổ các nước châu Âu thành chiến trường của cuộc Thế Chiến III. Nên nhớ rằng, trong thế kỷ 20 tác tập đoàn tài phiệt ở Mỹ đã từng đứng đằng sau phát động 2 cuộc Thế Chiến, còn Mỹ “ngư ông đắc lợi” và sau hai cuộc đại chiến này trở thành quốc gia phát triển nhất thế giới.
Theo Tổng thống Nga V.Putin, cần lưu ý là những thành tựu của Nga trong lĩnh vực quân sự, trước hết là công nghệ trí tuệ nhân tạo, đang được áp dụng trong lĩnh vực dân dụng để biến nước Nga từ cường quốc kinh tế chủ yếu dựa vào nguồn thu từ xuất khẩu tài nguyên thành quốc gia có nền kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ cao của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Tài liệu tham khảo
[1] Cuộc cách mạng mới trong quân sự và những vấn đề đặt ra đối với quốc phòng Việt Nam. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia. Hà Nội. Năm 2010.
[2] Послание Владимира Путина федеральному собранию – 2019. https://www.youtube.com/watch?v=AM8K0NwcVCk&fbclid=IwAR2UBraK2hduopkANqBQpjqrbGa1i5vFB5ra52eNOOPsJGYTOUBQgjobruw
[3] Путин считает, что аналогов современных российских вооружений в мире не появится еще долго. https://tass.ru/armiya-i-opk/6149959?utm_source=facebook.com&utm_medium=social&utm_campaign=smm_social_share
[4] Путинская Россия в гиперзвуковой броне. https://cont.ws/@amurweb/1238867
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu